Truyền hình trực tiếp: Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 07:44, 18/11/2017

Sáng nay (18/11), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chính thức đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Truyền hình trực tiếp: Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn Quốc hội

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn.

Đây là phiên chất vấn thứ tư tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV được truyền hình trực tiếp trên VTV1, Đài truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên nhiều phương tiện truyền thông, cũng là phiên chất vấn được đại biểu và cử tri cả nước trông đợi nhất trong 4 phiên chất vấn của các vị "Tư lệnh ngành". 

Các nội dung Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình trả lời liên quan đến giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính, các vụ án tham nhũng.

Việc nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức ngành TAND đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Trong quá trình Chánh án TANDTC trả lời chất vấn, Viện trưởng VKSNDTC; các Bộ trưởng cùng tham gia trả lời chất vấn: Công an, Nội vụ, Tư pháp và các Bộ trưởng, trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan.

Phiên chất vấn Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình sẽ kéo dài đến 11h30 cùng ngày.

Tranh tụng nghiêm túc và thực chất 

Trước đó chiều 15/11, trong báo cáo gửi đến các ĐBQH làm rõ các vấn đề được chất vấn tại Kỳ họp thứ tư cũng như việc thực hiện “lời hứa” tại Kỳ họp thứ hai, Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIV, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, trong năm 2017, TANDTC đã đề ra và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả các mặt công tác, mà trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; tổ chức Hội nghị chuyên đề với sự tham gia của tất cả các Chánh án TAND và Tòa án quân sự các cấp để bàn về các giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, trong đó có công tác xét xử về dân sự, hành chính và các vụ án tham nhũng.

Tại hội nghị nói trên, ngành Tòa án đã xác định 14 giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án. Chính vì thế mà năm 2017, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý, giải quyết tăng gần 37.000 vụ so với cùng kỳ năm 2016 nhưng các Tòa án đã có nhiều cố gắng và đã giải quyết được gần 458.000 vụ việc, đạt tỷ lệ 91,4% tổng số vụ việc thụ lý; số vụ việc còn lại hầu hết còn trong hạn luật định. Chất lượng xét xử được bảo đảm; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi của Thẩm phán thấp hơn 0,2% so với chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tranh tụng tại phiên tòa được thực hiện nghiêm túc, ngày càng rộng rãi và thực chất. Việc áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, nhất là đối với các bị cáo phạm tội về tham nhũng được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định. Việc áp dụng các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự về cơ bản bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Tỷ lệ hòa giải thành tăng so với cùng kỳ năm trước. Việc khắc phục tình trạng án tuyên không rõ tiếp tục được thực hiện có hiệu quả.

Những kết quả này càng có ý nghĩa khi hiện nay, ngành Tòa án vẫn đang còn nhiều khó khăn về đội ngũ cán bộ, Thẩm phán và cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc. Trong thời gian tới, ngành Tòa án sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp: Tăng cường công tác bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật; đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; công khai bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử TAND; nâng cao hiệu quả công tác hòa giải trong giải quyết các vụ án dân sự; tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết các loại vụ án; tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc việc xét xử; nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; đổi mới thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án...

Mong muốn tiến đến sự hoàn thiện nhất để phục vụ nhân dân

Chia sẻ cảm xúc với báo chí về việc chuẩn bị cho phiên chất vấn, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói: "Để trả lời chất vấn của ĐBQH, chúng tôi phải chuẩn bị tất cả những nội dung đáng chú ý của ngành mà các ĐBQH có thể quan tâm. Nội dung “nóng” cần ưu tiên sẽ phụ thuộc vào chất vấn của các ĐBQH. Chưa biết các đại biểu sẽ hỏi vấn đề gì nhưng tất cả những nội dung liên quan đến trách nhiệm của ngành đều phải chuẩn bị chu đáo. Tôi cũng rất mong các đại biểu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của ngành Tòa án, còn tất cả yêu cầu của đại biểu và cử tri chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng". 

"Tôi không biết các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác áp lực thế nào, nhưng bản thân tôi sẽ cố gắng làm sao thoả mãn yêu cầu của đại biểu, cử tri. Ngoài việc đáp ứng yêu cầu trong các câu hỏi của đại biểu, tôi cũng mong muốn truyền tải đến cán bộ, công chức trong toàn hệ thống TAND những đòi hỏi của Quốc hội, của nhân dân với việc nâng cao trách nhiệm trong quá trình thực thi công vụ và chất lượng xét xử của Tòa án", Chánh án TANDTC nói.

Đồng thời nhìn nhận đánh giá mức độ phát triển đáp ứng thực tiễn của cải cách tư pháp nước nhà, Chánh án Nguyễn Hòa Bình thẳng thắn bày tỏ: "Thực ra không có một quốc gia nào đánh giá là mình có nền tư pháp hoàn hảo, cuộc sống luôn luôn vận động và các đòi hỏi của người dân thì ngày càng cao. Thực tế diễn ra luôn phong phú hơn các quy định của pháp luật, nên nhu cầu cải cách tư pháp là nhu cầu tất yếu và thường xuyên. Là Chánh án TANDTC, tôi luôn mong muốn tiến đến sự hoàn thiện nhất để phục vụ nhân dân. Còn nói đạt được bao nhiêu phần trăm thì không thể đánh giá bằng con số cụ thể được, chỉ có điều chúng tôi cố gắng làm sao để phục vụ tốt nhất cho dân mà thôi".

Thu Vân