Phòng chống tác hại thuốc lá: Còn nhiều bất cập

Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”- Trên bao thuốc lá nào cũng ghi cảnh báo như vậy, nhưng người ta vẫn cứ hút, như thói quen “dễ làm khó bỏ”. Để từ bỏ thói quen “chết người” cần cả một chương trình phòng chống tác hại thuốc lá ở tầm mức quốc gia. Tuy vậy, chúng ta đã làm được quá ít so với nói…

Những số liệu “giật mình”

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 5 triệu ca tử vong vì các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá, tới năm 2030 con số này sẽ tăng thành 8 triệu người- nhiều hơn bất cứ một nguyên nhân gây tử vong nào khác. Hiện nay, nạn dịch gây bệnh tật và tử vong này đang có xu hướng chuyển nhanh về các nước đang phát triển, dự báo tới năm 2020, có đến 70% số người chết do thuốc lá là từ các nước có thu nhập trung bình và thấp. Sử dụng thuốc lá đã được WHO xếp là yếu tố nguy cơ thứ hai trong số 10 yếu tố nguy cơ hàng đầu đe dọa sức khỏe người dân ở các nước đang phát triển. Theo dự báo của WHO, đến năm 2020 số người chết vì sử dụng thuốc lá trên thế giới sẽ nhiều hơn tổng số người chết vì HIV/ AIDS, bệnh lao và tai nạn giao thông đường bộ cộng lại.

Mỗi năm nước ta có 40.000 người chết vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, gần gấp 4 lần số người chết vì tai nạn giao thông đường bộ. Nếu không có biện pháp thì sẽ là 70.000 người chết vào năm 2030. Số tiền người dân Việt Nam chi cho mua thuốc lá năm 2007 là 14 ngàn tỷ đồng, sự tốn kém này kéo theo cả những tổn thất nặng nề về kinh tế cho việc khám chữa các căn bệnh do thuốc lá gây ra.

Một nghiên cứu năm 2006 của Đại học Y tế Công cộng cho thấy, số tiền chi cho khám chữa mới chỉ cho 3 trong số 25 căn bệnh do thuốc lá gây ra một năm là 1.160 tỷ đồng. Sử dụng thuốc lá nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư phổi, ung thư miệng, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, loét dạ dày, bệnh vảy nến… Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra 90% các ca ung thư phổi, 75% các ca bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và 25% ca bệnh tim thiếu máu cục bộ…

Theo nghiên cứu mới đây, trong thuốc lá không phải là 4.000 chất độc, mà có tới 7.000 chất độc, trong đó có 71 chất gây ung thư, và hàng trăm chất cực độc khác.

Gần 50% nam giới trưởng thành hút thuốc lá, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá trong nam giới cao nhất thế giới.

Còn nhiều bất cập

Theo địa chỉ 39A- Giảng Võ (Hà Nội), tôi tìm đến văn phòng của Chương trình phòng chống tác hại thuốc lá (VINACOSH). Đã cận đến tuần lễ Quốc gia không thuốc lá, nên 10 nhân viên ở đây đang bận rộn, với hằng hà công việc, với những đống tờ rơi, tờ gấp tuyên truyền. Tôi băn khoăn, VINACOSH với ban bệ “hoành tráng”, với đương kim Bộ trưởng Bộ Y tế làm chủ nhiệm chương trình, phó chủ nhiệm chương trình là hai vị thứ trưởng của Bộ Y tế và Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, với 9 thành viên khác là các thứ trưởng, và đại diện các đoàn thể, sao lại ở một nơi “hơi bị bé” như thế này?

Lãnh đạo toàn “cốp” to, nhưng đều “tay ngang” kiêm nhiệm, nên Chương trình hầu như chỉ được cái vị thế? Cái gì cũng có nguyên nhân, VINACOSH mới chỉ được cái tiếng “hoàng tráng” nhưng cái thiết yếu cho những hoạt động là kinh phí thì được Nhà nước cấp chỉ là 156 triệu đồng/ một năm cho cả một Chương trình quốc gia phòng chống tác hại thuốc lá. Vì thế nên VINACOSH luôn đợi sự tài trợ của nước ngoài. Mà đợi tài trợ, xin của người ta thì phập phù, nên hoạt động của cả một chương trình quan trọng tới sức khỏe người dân này cũng… phập phù. Chỉ có nhân Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá mới rộn ràng một chút. Do phần lớn các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá chỉ dựa vào kinh phí hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ nước ngoài nên làm giảm tính chủ động trong các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá cũng như chiến dịch nhằm nâng cao sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.

Có lẽ do những chế tài về kiểm soát tác hại của thuốc lá còn bất cập, là điều có lợi cho ngành sản xuất thuốc lá. Ngành sản xuất thuốc lá được cho là ngành làm ăn phát đạt, sản xuất tăng, tổng sản lượng thuốc lá điếu đã tăng gấp đôi từ 2 tỷ bao năm 1999 lên 4 tỷ bao năm 2007. Để phục vụ cho quy mô sản xuất lớn như vậy, ngành sản xuất này phải nhập khẩu tới gần 50% sản lượng nguyên liệu thuốc lá.

Mặc khác, không chỉ hàng nội, lượng nhập từ thuốc lá lậu cũng có khối lượng lớn, khi mỗi năm có 5 triệu bao thuốc lá lậu được nhập. Mua thuốc lá dễ hơn đi mua rau, khi mặt hàng này được bày bán lẻ ở khắp mọi nơi hàng rong, quầy hàng tạp hóa, quán nước… Việc mua thuốc quá dễ dàng, làm tăng việc sử dụng thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc trong thanh thiếu niên, người nghèo. Giá thuốc lá ở Việt Nam được cho là thấp nhất thế giới, khiến người nghèo cũng có thể tiếp cận, nên Thạc sĩ Phan Thị Hải, Văn phòng VINACOSH đề xuất biện pháp tăng thuế, nhằm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, có thể thu được 1.000 tỷ/ năm, lấy tiền đó quay lại chi cho công tác phòng chống thuốc lá.

Việt Nam đã tham gia Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) của WHO. Hơn một năm, từ khi Quy định 1315 của Thủ tướng Chính phủ ra đời về việc cấm hút thuốc lá nơi làm việc và nơi công cộng có hiệu lực (1-1-2010), nhưng rõ ràng chưa phát huy hiệu lực. Nói chung, hiệu lực của các chính sách kiểm soát thuốc lá không được như mong đợi, yêu cầu phải có Luật phòng chống tác hại của thuốc lá.

Minh Anh

congly.com.vn