Hai vấn đề “nóng” cần giải quyết đối với người hưởng lương hưu

Chính trị - Ngày đăng : 15:33, 03/11/2017

Luật BHXH 2014 mới có hiệu lực thi hành chưa lâu (một vài nội dung có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018), song trước mắt có hai nội dung cần hướng dẫn, hoặc lùi thời hạn thi hành theo kiến nghị của đại biểu Quốc hội.

Phát biểu về các chính sách an sinh xã hội, trong đó có vấn đề thực hiện Luật BHXH 2014, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) cho biết: Thời gian qua việc chưa thực hiện chế độ lương hưu đối với người bị tù giam trước 1/1/2016, đặc biệt là đối với những người bị tù giam, bị buộc thôi việc trước 1/1/1995 là chưa đúng với Hiến pháp, gây thiệt thòi cho những người ở trong hoàn cảnh này.

Đại biểu cho biết, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định: Luật BHXH 2014 thể hiện sự tiến bộ, nhân văn và đảm bảo quyền sở hữu hợp pháp đối với người lao động. Đó là: kể từ ngày 1/1/2016 trở đi những người đang hưởng lương hưu mà bị phạt tù giam thì tiếp tục được hưởng lương hưu trong quá trình tù. Đối với những người lao động trong quá trình bị tù giam nếu đến tuổi về hưu thì được ủy quyền cho người thân thực hiện các chế độ để được hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, chế độ lương hưu theo Luật này đang có nhiều bất cập lớn cần phải sửa đổi hoặc có hướng dẫn cụ thể.

Bất cập thứ nhất là đối với những người đang hưởng lương hưu mà bị tù giam trong giai đoạn từ 1/1/1995 đến ngày 31/12/20015 thì bị cắt lương hưu trong lúc bị đi tù và chỉ được hưởng lại, sau khi ra tù. Thứ hai là đối với những người bị tù giam và những người bị buộc thôi việc giai đoạn trước ngày 1/1/1995 thì toàn bộ thời gian công tác đó bị cắt bỏ, không được tính để hưởng lương hưu, trong đó có cả những trường hợp nữ lao động sinh con thứ 3 ở giai đoạn đó cũng bị buộc thôi việc vì vi phạm chính sách, kế hoạch hóa gia đình.

Hai vấn đề “nóng” cần giải quyết đối với người hưởng lương hưu

ĐB Đỗ Văn Sinh

“Trong số những người bị tù không được lương hưu đã có rất nhiều người đã từng vào sinh ra tử, dũng cảm chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc. Khi đất nước độc lập, nhờ lập được nhiều chiến công, những người này được nhà nước giao cho làm Giám đốc xí nghiệp, Giám đốc công ty để xây dựng, phát triển kinh tế. Do trình độ quản lý kinh tế có hạn, lại bị cán bộ cấp dưới bất lương, làm ăn bất chính… đã làm liên lụy mà họ phải vào tù”.

“Rồi có những bà mẹ vì sinh con thứ ba bị buộc thôi việc đã phải "buôn thúng bán mẹt", chạy chợ kiếm sống nuôi con thành những người công dân tốt. Trong đó có những người là nhân tài của đất nước, họ đã và đang cống hiến cho Tổ quốc… Những bà mẹ đó bây giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, đang phải sống nhờ vào khoản trợ cấp tuổi già của Nhà nước ( 250 nghìn đồng/tháng) thì thật là chua chát và không công bằng”, ĐB Sinh nói.

Đại biểu Sinh cho rằng, lương hưu là khoản thu nhập hợp pháp của công dân Việt Nam sau khi họ đã có thời gian cống hiến và đóng đầy đủ vào Quỹ bảo hiểm xã hội do Nhà nước quản lý. Điều 32, Hiến pháp quy định, mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp. Như vậy, lương hưu thuộc quyền sở hữu của công dân Việt Nam đã được Hiến định. Như vậy Luật BHXH hiện hành đang bỏ quên họ, đề nghị Chính phủ, Quốc hội hãy sớm xem xét, quyết định trả lại lương hưu, là thu nhập hợp pháp cho những đối tượng như trên.

Trước đó, tại phiên thảo luận tại hội trường sáng 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Như Ý (Đồng Nai) đã đề xuất lùi thời gian thực hiện quy định về việc hưởng lương hưu theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014 sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018 để đảm bảo quyền lợi cho các lao động nữ. Cùng với đó là sửa đổi Luật BHXH khi thực hiện đề án cải cách tiền lương.

Theo Luật BHXH 2014, từ ngày 1/1/2018, nhiều lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 (lên đến 10%).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi trong phần phát biểu tiếp đó cũng đã đề nghị Quốc hội, UBTVQH có phương án về nội dung này.

Ông cho biết, bản thân đã đề nghị với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu để báo cáo Chính phủ đề xuất điều chỉnh việc thực hiện cách tính lương hưu mới. “Sẽ là bất hợp lý và thiệt thòi cho phụ nữ khi chỉ sau một đêm, từ 31/12/2017 đến 1/1/2018, người cùng số năm công tác là 25 năm, chỉ chênh nhau một ngày đã bị mất 10% lương. Rõ ràng, điều này không có lợi, thậm chí là bất công cho nhiều chị em”.

Và tính đến ngày 1/1/2018 chúng ta có khoảng 50.000 phụ nữ sẽ dự kiến về hưu, trong đó có 21.000 phụ nữ đóng bảo hiểm xã hội từ 15 năm đến dưới 30 năm; và số người chịu tác động lớn nhất từ 5% đến 10% có 4.000 người. Nếu chúng ta kéo dài lộ trình cho phụ nữ thêm 5 năm để hưởng đúng theo 3%, không phải là 2% trước đây thì tác động đến quỹ bảo hiểm xã hội không lớn.

Ông Bùi Sỹ Lợi cũng cho biết, đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan liên quan, Chính phủ nghiên cứu thực hiện lộ trình cho nữ giới giống như nam giới, để tránh việc người phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và thua thiệt nhưng chưa thấy cơ quan nào đề xuất. “Quan điểm của Ủy ban các vấn đề xã hội là ủng hộ chúng ta cho kéo dài thêm mấy năm tính theo công thức cũ để phụ nữ đỡ phải thiệt thòi so với nam giới. Vì vậy đề nghị Quốc hội, UBTVQH ủng hộ để chúng ta vẫn áp dụng cách tính lương hưu như cũ”, đại biểu đề nghị.

Mai Thoa