Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành: Bảo đảm ổn định đời sống người dân là điều quan trọng

Chính trị - Ngày đăng : 09:59, 28/10/2017

Quyền lợi của người dân trong quá trình đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo ổn định cuộc sống của người dân tái định cư là vấn đề đại biểu hết sức quan tâm khi thảo luận liên quan đến Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.

Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành: Bảo đảm ổn định đời sống người dân là điều quan trọng

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ ngày 27/10

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 27/10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận, cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cân nhắc nguồn kinh phí thực hiện

Theo Tờ trình của Chính phủ về  Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sân bay Long Thành, tổng cộng có khoảng 4.864 hộ gia đình với gần 16.000 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất sẽ bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Tổng mức giải phóng mặt bằng cho dự án này là hơn 23.000 tỉ đồng (trên 1 tỉ USD). Trong đó, 18.000 tỉ đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hơn 4.000 tỉ xây dựng khu tái định cư. Ngoài ra, gần 480 tỉ đồng dùng để tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không và 388 tỉ đồng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân.

Nguồn vốn và cơ cấu vốn theo đề xuất của Chính phủ là ngân sách Trung ương gần 22.000 tỉ đồng, chiếm 95% tổng mức đầu tư. Trung ương cũng ứng nốt hơn 1.100 tỉ đồng (chiếm 5%) còn lại, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có trách nhiệm hoàn trả ngân sách theo quy định.

Thảo luận tại tổ, Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Năm- tỉnh Đồng Nai đề nghị cân nhắc nguồn kinh phí thực hiện khi Quốc hội biểu quyết thông qua dự án, nhất là không thể giao hết cho địa phương. Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Năm băn khoăn, nếu có điều kiện ứng trước thì tốt nhưng nếu địa phương không có đủ kinh phí để ứng ra làm đền bù giải phóng mặt bằng thì xử lý thế nào. Bên cạnh đó, giá bồi thường hỗ trợ tái định cư cho dân cũng cần phải tính toán cụ thể. Theo đại biểu, giá bồi thường trung bình áp giá theo giá Nhà nước, thực tế tham khảo áp giá so với giá thị trường thì chênh lệch quá lớn nên khó tránh khỏi việc dân phản ứng. Do đó cần phải làm tốt công tác dân vận, dân thông thì mới thu hồi đất được. Còn nếu không làm chắc chắn thì dễ xảy ra hiểu lầm, dễ bị lợi dụng kích động.

Đại biểu Quốc hội Hồ Văn Năm cho rằng, nếu thống nhất quan điểm thu hồi đất mà đưa vào tái định cư thì không phù hợp đặc điểm của nông thôn. Bởi dự kiến lập khu đô thị thì phải có thời gian, dân đang chăn nuôi trồng trọt mà đưa về khu tái định cư không có nhà, vườn thì biết làm nghề gì?, đào tạo nghề cho dân có hiệu quả ngay không?... Đại biểu Hồ Văn Năm nhấn mạnh, nếu thực hiện không đồng bộ, sẽ gây ảnh hưởng tới trật tự an ninh địa phương vì hầu hết cư dân trong vùng dự án là nông dân, làm công nhân cao su, sản xuất nông nghiệp, nếu thu hồi đất thì số thất nghiệp rất lớn.

Bảo đảm ổn định đời sống người dân là điều quan trọng

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô thu hồi đất lớn, được quy hoạch từ năm 2005 nên trong nhiều năm qua, người dân sống trong vùng dự án bị hạn chế quyền sử dụng đất, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Việc sớm thực hiện Dự án còn nhằm ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân có đất bị thu hồi.

Chủ đầu tư là Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai; tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 5.585 ha. Tổng mức đầu tư khoảng 23.049 tỷ đồng là vốn ngân sách nhà nước. Theo đó, ngân sách trung ương đảm bảo bố trí đầy đủ để thực hiện thu hồi đất một lần cho toàn bộ Dự án. Toàn bộ các khoản thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất tái định cư, cho thuê đất được hoàn trả ngân sách Trung ương theo quy định. Chính sách bồi thường thiệt hại về nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất theo nguyên tắc bằng giá trị xây mới các công trình có thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương tại thời điểm bồi thường.

Tờ trình của Chính phủ cho biết, sẽ nhập toàn bộ diện tích 5.000 ha cảng hàng không vào địa giới hành chính xã Bình Sơn; nhập phần diện tích 126,4 ha còn lại của xã Suối Trầu vào địa giới hành chính xã Bàu Cạn (xã Suối Trầu sẽ bị giải thể). Việc thực hiện Dự án gần như không có tác động về môi trường. Riêng đối với nhiệm vụ đánh giá tác động môi trường việc xây dựng các khu tái định cư, nghĩa trang đang được Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai hoàn thiện, trình thẩm định theo quy định.

Thảo luận tại tổ về nội dung này, nhiều ý kiến nhận định chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nêu trong Báo cáo chưa bao quát hết phạm vi, đối tượng bị ảnh hưởng khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện Dự án, đặc biệt là cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ đối với tổ chức kinh tế (nông trường, doanh nghiệp), cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư. Báo cáo cần phân biệt rõ sự khác biệt về cơ chế bồi thường với cơ chế hỗ trợ; làm rõ phương án phục hồi sản xuất và thu nhập cho người dân tái định cư, đặc biệt là phương án bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ tái định cư nông nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng điều quan trọng nhất là làm sao để cuộc sống người dân ổn định, nếu làm không tốt việc đền bù, thiệt thòi nhất vẫn là người dân. Bên cạnh đó, phương án phục hồi sản xuất và thu nhập của người dân đã được nêu rất ''suôn sẻ'' trong báo cáo, nhưng tình hình thực tế cho thấy điều đáng lo ngại là diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi và số lao động làm nông nghiệp là rất lớn. Việc bố trí khu vực tái định cư chưa tính đến đất nông nghiệp, vậy việc chuyển đổi nghề nghiệp sẽ như thế nào? Nếu không giải quyết tốt có thể dẫn đến thiệt hại ''kép.''

Lấy ví dụ thực tế việc thu hồi đất tại thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu nêu ý kiến: Ngân sách bỏ ra để đào tạo nghề cho người dân rất lớn nhưng sau khi được đào tạo, người dân có tiếp tục sống bằng nghề đó hay thất nghiệp và các vấn đề nảy sinh khác là điều cần tính đến.

Đại biểu Tâm đề nghị Chính phủ cần giải trình, làm rõ thêm nội dung người dân sẽ chuyển đổi nghề như thế nào. Chính phủ, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ mục tiêu xây dựng khu tái định cư là đô thị hiện đại như mục tiêu quy hoạch đã thể hiện: đô thị kiểu mẫu, thích ứng với điều kiện sống của người dân. Bên cạnh đó cần công khai, minh bạch, dân chủ trong quá trình thu hồi đất, bảo đảm lắng nghe ý kiến của người dân...

Đề cập vấn đề cụ thể hơn, đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) đưa ra 3 nội dung cần làm rõ: Thu hồi đất, bồi thường và tái định cư. Theo đại biểu, với bồi thường, đây là vấn đề nhạy cảm vì liên quan đến cuộc sống ổn định lâu dài của người dân. Theo tôi, nên hệ thống lại những hạn chế, yếu kém trong việc bồi thường, tái định cư. Trong đó cần lưu ý phát huy vai trò giám sát cộng đồng trong thỏa thuận, đền bù, tránh hiện tượng có thể lợi dụng, trục lợi trong thỏa hiệp đền bù giải tỏa, gây tổn thất cho vùng ảnh hưởng dự án.

Với đối tượng được đền bù, cần quan tâm đến việc đền bù cho ai? Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, cần có danh sách tất cả các hộ dân bị ảnh hưởng, có thể do thiếu thông tin khi quyết định “bán lúa non” mảnh đất của họ liên quan đến vùng dự án, nhưng sau đó họ đi đâu, về đâu và làm gì? Đây chính là đối tượng đầu tiên gặp khó khăn. Do đó, cần quan tâm đến đối tượng này. Đặt ra câu hỏi "chúng ta bồi thường có đúng đối tượng không, hay lại bồi thường cho chính đối tượng đầu cơ đất?", đại biểu đề xuất cần có danh sách người dân tại chỗ và danh sách người nơi khác đến thụ hưởng dự án này để có chính sách, pháp luật điều chỉnh cho phù hợp.

Về việc ổn định cuộc sống lâu dài của người dân, theo đại biểu Nguyễn Phước Lộc, cần quan tâm đến việc giải quyết việc làm cho người dân tái định cư. Cần có đề án về giải quyết việc làm gắn liền với danh mục công việc liên quan đến việc khởi công xây dựng Cảng HKQT Long Thành. Đồng thời cũng có đề án đào tạo việc làm gắn với yêu cầu hạng mục công việc của công trình. Đại biểu kiến nghị, giải quyết việc làm công, việc làm tăng thêm cho người dân vùng dự án; cần đặc biệt lưu ý tạo việc làm cho người dân tại chỗ để họ có thu nhập, bảo đảm cuộc sống…

Xuân Lan