Tạm nhập tái xuất: Xin đừng tham bát bỏ mâm
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Rõ ràng, như thế là tạo điều kiện cho một vài DN qua mặt hải quan để kiếm lời, mà lời rất lớn, hải quan không làm gì cả, chỉ làm thủ tục cho nó nhập, xuất và hoàn thuế mà thôi…
Xăng dầu không có trong danh mục hàng hóa được tạm nhập tái xuất theo Công ước Kyoto. (Ảnh minh hoạ)
Tại Hội nghị "Công tác chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại năm 2011, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm 2012", Bộ Công an cho rằng, mô hình kinh tế tạm nhập tái xuất tồn tại nhiều bất cập, lợi nhuận không cao, chỉ tập trung một số doanh nghiệp và cá nhân. Theo Bộ Công an, trong thời gian vừa qua, loại hình kinh doanh này được một số doanh nghiệp thực hiện gây ra nhiều bất ổn. Điển hình như, nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất và kho ngoại quan bị người nước ngoài và đầu nậu Việt Nam lợi dụng đưa hàng cấm nhập vào như hàng cũ đã qua sử dụng, rác thải công nghiệp... nguy cơ ô nhiễm cao. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định Luật hàng hải, Luật thương mại và Luật hải quan đã từ chối nhận hàng khi bị phát hiện đưa hàng cấm vào Việt Nam.
Vụ 15 container hàng đã được tạm nhập vào Hải Phòng để tái xuất sang Trung Quốc qua Lạng Sơn cho thấy, trong số gần 600 tấn bột khoai tây làm thủ tục tái xuất qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, lực lượng hải quan đã phát hiện gần 10.000 bao là đường kính với tổng trọng lượng hơn 300 tấn, không có trong hồ sơ khai báo. Tại Việt Nam, đường kính được quản lý theo hạn ngạch thuế quan, với Trung Quốc thì thuộc diện cấm nhập. Cũng theo thông tin của ngành Hải quan, qua tổng kiểm tra hàng hóa tồn đọng tại các cảng biển năm 2011, hải quan đã phát hiện, tạm giữ hàng trăm container hàng tạm nhập tái xuất là hàng cấm, hàng không khai báo trong hồ sơ.
Tháng 8-2011, Tổng cục Hải quan đã có văn bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ đề xuất không cấp phép tạm nhập tái xuất các loại hàng thuộc diện cấm xuất nhập khẩu. Với các loại hàng khác thì chỉ cấp phép kèm theo cam kết theo thông lệ quốc tế với cơ chế quản lý đặc thù riêng. Qua theo dõi, Bộ Công an thấy nhiều mặt hàng tạm nhập tái xuất như: thuốc lá, rượu, xăng dầu... chủ hàng Trung Quốc và đầu nậu Việt Nam thường bắt tay nhau để buôn lậu vào Việt Nam.
Về hiệu quả kinh tế, Bộ Công an cho rằng, mô hình kinh tế tạm nhập tái xuất tồn tại nhiều bất cập, lợi nhuận không cao, chỉ tập trung một số doanh nghiệp và cá nhân. Trong khi đó, với những tồn tại như trên cùng với quá trình thực hiện phải giải quyết nhiều rủi ro, hàng hóa vận chuyển trên bộ hầu hết bằng đường container gây thiệt hại về đường sá, cầu cống, cản trở giao thông. Do vậy, Bộ Công an rất có lý khi đề xuất Chính phủ nên cân nhắc xem xét cho dừng hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất hoặc có quy định mới nhằm siết chặt quản lý, hạn chế một số mặt hàng. “Xin đừng tham bát bỏ mâm - Tạm nhập tái xuất gieo mầm họa tai!” .
Bảo Dân