Phát triển bền vững ĐBSCL: Thích nghi với biến đổi khí hậu, biến thách thức thành cơ hội
Chính trị - Ngày đăng : 07:35, 28/09/2017
Tiếp tục các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu diễn ra tại Thành phố Cần Thơ, ngày 27/9, Hội nghị đã họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cùng trên 700 đại biểu là lãnh đạo, đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đoàn thể, các địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, đối tác phát triển và các chuyên gia, nhà khoa học thuộc các lĩnh vực liên quan.
Sau phần phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các đại biểu tiếp tục đóng góp ý kiến đối với những vấn đề trọng tâm như: xác định rõ các thách thức mang tính sống còn mà ĐBSCL đang đối mặt và phải vượt qua trong thời gian tới; quan điểm chỉ đạo đối với việc định hình chuyển đổi mô hình phát triển; các giải pháp cấp bách, chiến lược lâu dài, các chương trình, đề án, nhiệm vụ ưu tiên, phù hợp với từng giai đoạn cụ thể; việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật, tạo đột phá trong huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực;…
Lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi
Hội nghị đã nghe phát biểu của Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Giám đốc điều hành Ủy hội sông Mê Công quốc tế; Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân; đại diện các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển; ý kiến của các địa phương, doanh nghiệp về quan điểm, định hướng phát triển các tỉnh vùng ĐBSCL trong điều kiện biến đổi khí hậu; báo cáo kết quả các phiên thảo luận chuyên đề gồm: kết quả thảo luận về các chủ đề quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và nguồn lực; kết quả thảo luận về nông nghiệp bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở; kết quả thảo luận về những cơ hội, thách thức và giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho ĐBSCL.
Ý kiến phát biểu của các đại biểu trong nước và quốc tế cho rằng, ĐBSCL là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, trong đó lớn nhất là nhóm thách thức từ nội tại, nhóm thách thức mang tính khu vực và nhóm thách thức mang tính toàn cầu do biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn hán gia tăng, các hiện tượng khí hậu, thời tiết cực đoan…
Vì vậy, để ứng phó với những khó khăn, thách thức, phát triển bền vững ĐBSCL, việc chuyển đổi mô hình phát triển phải được xem xét trong tổng thể chung của đồng bằng. Phải lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, trung tâm, làm cơ sở xuyên suốt cho việc hoạch định chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển vùng. Việc chuyển đổi mô hình phải dựa trên hệ sinh thái, phù hợp với quy luật tự nhiên; phải kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, hiện đại với tri thức, kinh nghiệm truyền thống bản địa. Quá trình chuyển đổi cần có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên cho thích ứng với biến đổi khí hậu nhưng cũng phải tận dụng các cơ hội để phát triển kinh tế xanh, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Trong chuyển đổi mô hình phát triển phải đảm bảo tính ổn định, sinh kế của người dân; phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, Nhà nước đóng vai trò định hướng, dẫn dắt....
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hội nghị đã nghe nhiều báo cáo, nhiều ý kiến có giá trị, sâu sát thực tiễn và đặc biệt là những báo cáo về kinh nghiệm của thế giới về phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sau khi phân tích, chỉ ra những thách thức đối với vùng ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên 3 quan điểm phát triển ĐBSCL là: thứ nhất, kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng trên cơ sở chủ động thích ứng, chuyển hoá được những thách thức, biến thách thức thành cơ hội, bảo đảm được cuộc sống ổn định và khá giả của người dân cũng như bảo tồn được những giá trị truyền thống, văn hoá của ĐBSCL. Thứ hai, thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ số lượng sang chất lượng gắn với chuỗi giá trị; từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ và công nghệ cao. Chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ gắn với phát triển kinh tế nông nghiệp. Thứ ba, tôn trọng quy luật tự nhiên, chọn mô hình thích ứng theo tự nhiên, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên, phát triển bền vững theo phương châm chủ động sống chung với lũ, sống chung với mặn, khô cạn, thiếu nước, phù hợp với điều kiện thực tế.
Biến thách thức thành cơ hội
Về chủ trương và định hướng chiến lược phát triển ĐBSCL, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, mô hình phát triển vùng ĐBSCL phải lấy con người làm trung tâm, chú trọng về chất lượng hơn là số lượng, chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, thực thi tiếp cận chủ động, linh hoạt trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu, việc khai thác, sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn sông Mê Công và các điều kiện tự nhiên khác. Chuyển đổi mô hình phát triển không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử, sự đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.
Đồng thời, xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi. Phải biến thách thức thành cơ hội. Coi nước lợ và nước mặn là một nguồn lực của tài nguyên bên cạnh nguồn tài nguyên nước ngọt; tăng cường quản lý và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm và bền vững nguồn tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác trong vùng; chú trọng phát triển vùng duyên hải, vùng đặc quyền kinh tế và vị trí địa chính trị của đồng bằng. Áp dụng kinh nghiệm và công nghệ mới để khắc phục “nhân tai” và đối phó với thiên tai.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị
Việc chuyển đổi mô hình phát triển phải bảo đảm sự hài hoà về điều kiện tự nhiên về đất, nước, đa dạng sinh học và văn hoá, con người; kế thừa các thành tựu, giá trị nhân văn và tri thức bản địa; phù hợp với các quy luật tự nhiên, chú trọng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ; nhất là các lợi thế của Việt Nam trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tiếp cận tổng thể, tích hợp, chú trọng hợp tác liên kết phát triển. Tạo lập liên kết phát triển giữa các địa phương trong vùng và giữa vùng ĐBSCL với TP HCM và cả Miền Đông Nam bộ; giữa Tây và Đông nam bộ; giữa Việt nam với các nước, trước hết là các nước tiểu vùng Mê kông,... Mọi hoạt động đầu tư phải được điều phối thống nhất, đảm bảo tính chất liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, có trọng điểm, có lộ trình hợp lý, trong đó trước mắt tập trung ưu tiên các công trình cấp bách có tính chất không hối tiếc, các công trình có tính chất động lực thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng, các công trình thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân.
Chủ động hợp tác với các nước trên lưu vực sông Mê Công trên cơ sở cùng có lợi để chuyển hoá những thách thức thành cơ hội. Tăng cường hợp tác với các quốc gia ven sông Mê Công thông qua các sáng kiến hợp tác vùng và hợp tác song phương nhằm cùng nhau sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan trong lưu vực sông Mê Công.
Sống chung với nước mặn và ngập
Về các giải pháp tổng thể, Thủ tướng nhấn mạnh cần xây dựng Quy hoạch tích hợp phát triển phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. Định hình sự phát triển bền vững ĐBSCL phải đặt trong bối cảnh có rất nhiều bất định đến từ biến đổi khí hậu và việc sử dụng nguồn nước trên thượng nguồn, đặc biệt về thủy văn và trầm tích, ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định của chính đồng bằng. Trước hết cần rà soát lại các quy hoạch tổng thể, ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Quy hoạch mới cần chuyển từ “sống chung với lũ” sang “sống chung với nước mặn và ngập”, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả cao nước ngọt, khai thác nước lợ và nước mặn ở vùng biển chiếm ưu thế; đảm bảo nước ngọt cho sinh hoạt của người dân. Quy hoạch phát triển ĐBSCL cần bao gồm cả phần nước biển ven bờ chứ không chỉ trong đất liền như lâu nay vẫn làm. Mọi dự án công trình phải được tính toán thật kỹ trên cán cân được – mất ở cả 3 mặt kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học bảo đảm không hối tiếc đầu tư.
Phấn đấu đến năm 2050: ĐBSCL trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước, có trình độ tổ chức xã hội tiên tiến, GDP bình quân đầu người đạt gần 10.000 USD/năm; tỷ trọng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm trên 80%; độ che phủ rừng đạt trên 5% (so với 4,3% hiện nay), các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng được bảo tồn. Trong điều kiện biến đổi khí hậu và thực hiện các chuyển đổi lớn, chiến lược tại ĐBSCL thì việc đảm bảo sinh kế cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm.
Tổ chức không gian lãnh thổ theo hướng khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên của vùng đồng ĐBSCL dựa trên đặc trưng sinh thái đất, nước gắn liền với văn hoá, con người trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu theo các kịch bản và các tác động từ bên ngoài.
Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hoá, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ưu tiên công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp; phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên, tập trung công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản tạo thành chuỗi giá trị của vùng.
Tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển vùng. Phải khắc phục cho được việc quản lý nhà nước thừa chồng chéo nhưng thiếu phối hợp; chậm ban hành một cơ chế phát triển vùng để tạo nên sức mạnh tổng hợp của cả vùng.
Tiếp tục cập nhật và hoàn thiện Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại Việt Nam cho đến năm 2100. Kịch bản phải được công bố công khai theo định kỳ để thường xuyên cập nhật, bổ sung các Chiến lược, Quy hoạch phát triển.
Sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước
Nhấn mạnh vấn đề nổi cộm chính là nguồn nước ngày càng khan hiếm đi, Thủ tướng cho rằng chiến lược đầu tiên là chọn cây trồng nào ít sử dụng nước và không tiếp tục gia tăng hoặc giữ diện tích trồng lúa nhiều như hiện nay. Cần thiết xen canh mô hình canh tác lúa - cá, lúa - tôm để giảm bớt sử dụng nước trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Cơ cấu lại và phát triển bền vững nông nghiệp đồng bằng sông Cửu Long theo hướng liên kết vùng, hướng tới xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Hạn chế tối đa làm nhiệt điện than, nếu làm thì không được ảnh hưởng tới môi trường, chủ yếu hướng tới phát triển năng lượng tái tạo, trước hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời.
Tận dụng lợi thế sông nước để phát triển các tuyến giao thông thủy, thay vì đầu tư quá nhiều cho các dự án cao tốc, đường bộ lớn. Phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống đường thủy phù hợp, bảo đảm tính liên thông, gắn kết với các loại hình giao thông khác, đảm bảo lưu thông hàng hóa cho một nền sản xuất lớn và phát triển nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp đặc trưng vùng sông nước để phát triển du lịch.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần chủ động hợp tác với các nước trên lưu vực sông Mê Công trên cơ sở cùng có lợi để chuyển hoá những thách thức thành cơ hội; tranh thủ sự hỗ trợ của đối tác phát triển; mở rộng thị trường hàng hoá với các nước trên thế giới và mở ra không gian hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Tăng cường hợp tác với các quốc gia ven sông Mê Công thông qua các sáng kiến hợp tác vùng và hợp tác song phương nhằm cùng nhau sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên có liên quan trong lưu vực sông Mê Công.
Thủ tướng yêu cầu, ngay sau Hội nghị này, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu, tổng hợp ý kiến của các địa phương, các đại biểu, xây dựng ngay dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu để đưa ra thảo luận tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.