Tiết kiệm thực chất
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Bộ Tài chính có công văn (số 867/BTC-TCDN ngày 17-1-2012) kêu gọi các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì rõ là chuyện quá hay. Không dừng lại ở lời kêu gọi chung chung, con số cụ thể “tiết giảm 5-10% chi phí quản lý” cũng được Bộ Tài chính đặt ra nhằm “giảm giá thành sản phẩm; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh”.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đăng ký tiết kiệm 3.715 tỷ đồng
Trong vòng một tháng, hầu hết các tập đoàn kinh tế và nhiều tổng công ty nhà nước đã lần lượt ký cam kết với Bộ Tài chính về việc “tiết giảm 5-10% chi phí quản lý” với những con số hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng. Chẳng hạn Tập đoàn Tài chính-Bảo hiểm Bảo Việt (cam kết tiết giảm 145 tỉ đồng), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (178,6 tỉ đồng), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (105 tỉ đồng), tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (137 tỉ đồng), tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (hơn 900 tỉ đồng), Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị (125 tỉ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (1.800 tỉ đồng), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đăng ký tiết kiệm 3.715 tỷ đồng...
Tuy nhiên, qua các diễn biến trên, bạn đọc nhất là các chuyên gia vẫn có những băn khoăn vì sao đến thời điểm này, sau khi có nghị quyết của Chính phủ, các tập đoàn mới đặt mạnh vấn đề tiết giảm chi phí quản lý?
Nếu chỉ cắt giảm 5-10% chi phí quản lý thì tại sao không sớm đặt ra một cách quyết liệt? Lẽ nào sau một thời gian thả nổi chi tiêu nay mới đặt ra ở chính những khoản chi bây giờ mới bị cắt giảm? Và vấn đề cuối cùng là sau năm 2012, có còn tiết kiệm?
Các chuyên gia nêu ví dụ một trường hợp khó tiết kiệm thực chất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tập đoàn này ký cam kết sẽ tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh với mục tiêu đạt 1.800 tỉ đồng trong năm 2012, trong khi thất thoát ở mức cao và đang nợ đìa. Vậy, "tiết kiệm" ở đây phải chăng cũng chỉ nhằm "giảm lỗ".
Việc phô trương hình thức ngay trong các cuộc ký kết tiết kiệm cũng cần chấn chỉnh. Thay vì họp, lãnh đạo ra nghị quyết để thực hiện, thì người ta lại tổ chức hội nghị quá đông, khách mời rộng rãi. Gây lãng phí không cần thiết ngay khi bàn về tiết kiệm là một điều trớ trêu.
Nếu việc hô hào tiết kiệm cũng chỉ là hình thức thì đây lại là một sự lãng phí nữa.
Bảo Dân