Văn bản trái luật, sai sót còn nhiều nhưng việc xử lý rất ít
Chính trị - Ngày đăng : 10:07, 19/09/2017
Tại phiên họp thứ 14 diễn ra vào chiều 18/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe và thảo luận về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội.
Văn bản sai sót còn nhiều nhưng xử lý ít
Trình bày Báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ triển khai thi hành Hiến pháp trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, công tác triển khai thi hành Hiến pháp trong 8 tháng năm 2017 đã được Chính phủ chỉ đạo sát sao và được các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, phổ biến các đạo luật được tiến hành kịp thời, khẩn trương và sâu rộng trong phạm vi cả nước, qua đó quy định, nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Công tác xây dựng, ban hành các luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 về cơ bản đã được Chính phủ, Quốc hội hoàn thiện trong giai đoạn 2014 - 2016, trong đó đã ban hành 55/82 tổng số luật, pháp lệnh. Công tác xây dựng pháp luật đã gắn kết hơn với công tác thi hành pháp luật, tập trung vào một đầu mối là tổ chức pháp chế, góp phần rút ngắn quy trình ban hành văn bản, nâng cao chất lượng công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Mặc dù, vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản, nhưng đã giảm dần so với các năm trước, cụ thể đã giảm 22 văn bản so với cùng kỳ năm 2016.
Về kết quả triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo Nghị quyết 67/2013/QH13 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thời gian qua Chính phủ Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ thường xuyên theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết. Mặc dù vẫn còn tình trạng nợ ban hành văn bản (13 văn bản) nhưng đã giảm nhiều do với các năm trước. Công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn còn một số hạn chế, nhiều văn bản quy định chi tiết chưa được ban hành để có hiệu lực cùng thời điểm với luật, pháp lệnh. Nhiệm vụ trong thời gian tới của Chính phủ là tiếp túc xây dựng, ban hành 141 văn bản quy định chi tiết; triển khai thi hành các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, UBTVQH thông qua; đồng thời thực hiện nghiêm các giải pháp nhằm tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh và ban hành văn bản quy định chi tiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phát biểu tại Phiên họp
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ các báo cáo của Chính phủ về kết quả triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết trong năm 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, Cơ quan thẩm tra ghi nhận, trong giai đoạn 2014-2016, triển khai thi hành Hiến pháp, một số lượng lớn các luật đã được Chính phủ xây dựng trình Quốc hội ban hành, hệ thống pháp luật cơ bản đã được rà soát, bổ sung, hoàn thiện. Sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, nhiệm vụ xây dựng pháp luật để cụ thể hóa Hiến pháp tiếp tục được Chính phủ quan tâm, tập trung vào các quy định liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Tuy nhiên, qua theo dõi việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cho thấy, còn nhiều vấn đề cần được Chính phủ lưu ý, rút kinh nghiệm như tình trạng thường xuyên không thực hiện đúng, không hoàn thành Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; vẫn còn hiện tượng dự án luật trình đã được Quốc hội cho ý kiến, nhưng cơ quan soạn thảo chưa dự tính được hết các tác động nếu được thông qua, chưa thống nhất được các quy định và trách nhiệm của các Bộ, ngành có liên quan...
Tình trạng văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành, văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức và kỹ thuật trình bày vẫn còn nhiều, song theo Báo cáo của Chính phủ, việc xử lý đối với các văn bản này còn rất ít, mới chỉ có 1/31 văn bản quy định chi tiết của Bộ, cơ quan ngang Bộ được sửa đổi sau khi phát hiện có nội dung trái pháp luật.
Báo cáo của Chính phủ xác định một trong những nguyên nhân của tình trạng nợ đọng văn bản là “Nhiều trường hợp nội dung của văn bản quy định chi tiết là những vấn đề mới, khó, phức tạp, nội dung chính sách chưa rõ hoặc thiếu sự định hướng cụ thể về chính sách…”, nhưng Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này là chất lượng soạn thảo văn bản. Do đây là những vấn đề mới, khó, phức tạp nên bản thân cơ quan soạn thảo cũng còn băn khoăn chưa biết dự thảo các nội dung đó trong luật như thế nào, vì vậy thường đề nghị chưa quy định cụ thể ngay trong luật, pháp lệnh, nghị quyết mà giao lại Chính phủ, các Bộ, ngành quy định chi tiết. Bên cạnh đó, một số vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thảo luận tại Quốc hội nhưng chưa dự tính được khả năng khó khăn quy định chi tiết nên khó thực hiện trên thực tế.
Để khắc phục các tình trạng nêu trên, Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan khẩn trương hoàn tất việc rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để đề xuất đưa vào Chương trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới 19 dự án luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân, một số luật trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, lao động thuộc danh mục ban hành để thi hành Hiến pháp hoặc sửa đổi, bổ sung danh mục này cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Hoàn thiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh khắc phục những hạn chế
Thảo luận tại phiên họp, đa số các ý kiến phát biểu của UBTVQH cơ bản tán thành với các nội dung của các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Pháp luật; đánh giá cao việc Chính phủ đã nghiêm túc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH trong việc chuẩn bị 02 Báo cáo về hai nội dung này một cách đầy đủ, có chất lượng.
Cho rằng các báo cáo này đủ điều kiện để gửi đến các đại biểu Quốc hội xem xét, nghiên cứu, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị làm rõ thêm một số tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQHi như Chính phủ cần thống nhất trong nội bộ các nội dung của dự án luật trước khi trình lên UBTVQH, Quốc hội; rút kinh nghiệm tình trạng dự án luật mới làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tổ chức bộ máy; nhiều nội dung trong dự thảo luật chưa được tổng kết đánh giá; hạn chế tình trạng một luật sửa nhiều luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại Phiên họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cùng cho rằng, thời gian qua, nhiều dự thảo luật không có tổng kết, tổng kết không đầy đủ, không bảo đảm hồ sơ theo yêu cầu của luật định, đánh giá tác động chủ quan, đánh giá theo hướng mình chọn, kỷ luật, kỷ cương trong quá trình soạn thảo không bảo đảm dẫn đến chất lượng dự án luật không cao. Vì vậy cần phải sửa đổi, bổ sung Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian tới để hoàn thiện quy trình xây dựng luật, pháp lệnh khắc phục những bất cập hiện nay, xác định rõ thiết kế tổng thể hệ thống pháp luật, kiểm soát tính ổn định của hệ thống pháp luật.
Đánh giá cao nội dung các báo cáo, song Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng chỉ rõ, những tồn tại, hạn chế xảy ra trong thời gian qua là do chúng ta chưa thực hiện tốt, nghiêm túc quy định của pháp luật, trong đó có Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Vấn đề là nếu chấp hành tốt các quy định này sẽ cơ bản khắc phục được những tồn tại, hạn chế nêu ra. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhất trí với kiến nghị của Chính phủ về việc tới đây phải tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo, kiểm tra, tổ chức giám sát thực hiện, chuyển trọng tâm từ ban hành thể chế sang trọng tâm thực hiện.