Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nêu các giải pháp xây dựng, phát triển du lịch và văn hóa

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:13, 31/10/2019

Trong buổi thảo luận sáng 31/10, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du Lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nêu các giải pháp xây dựng, phát triển du lịch và văn hóa.

Hôm nay 31/10, các đại biểu Quốc hội bước vào ngày làm việc thứ 2, thảo luận về kinh tế xã hội, ngân sách năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Đề cập đến kết quả ngành du lịch đạt được thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã có những đánh giá và giải pháp trong thời gian tới.

Thứ nhất là giải pháp để đưa Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Hiện nay du lịch Việt Nam đang nằm ở đâu? Có thể nói rằng thời gian vừa qua ngành Du lịch đã đạt được những kết quả quan trọng. Từ 2015-2018, khách quốc tế tăng gần 2 lần, từ 8 triệu lên 15,5 triệu và tốc độ tăng trưởng là 25,5%/năm, là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới, và khách nội địa tăng 1,4 lần từ 57 triệu lên 80 triệu năm 2018, đóng góp 8,4% GDP. Trong 10 tháng đầu năm 2019 thì Du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 13% so với tăng trưởng 4% của Du lịch toàn cầu và 5% của khu vực Đông Nam Á. Có thể nói rằng Du lịch Việt Nam đạt được rất nhiều giải thưởng: giải thưởng du lịch hàng đầu Châu Á; điểm đến ẩm thực hàng đầu Châu Á; điểm đến văn hóa hàng đầu Châu Á; thành phố Hội An được bình chọn là thành phố hàng đầu Châu Á. Nhiều tập đoàn lớn của Việt Nam như Vin Group, Sun Group, FLC, Viettravel, Saigon Tourist, Hanoi Tourist đã giành được rất nhiều giải thưởng danh giá của thế giới và Châu Á. Năng lực cạnh tranh của Du lịch VN liên tục được cải thiện và trong 2 lần xếp hạng thì đã tăng lên được 12 bậc, hiện nay đứng thứ 63/140 nước. Các chỉ tiêu của Du lịch Việt Nam như chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam thì có thể nói rằng đến năm 2020 đạt 10 triệu thì hiện nay dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi và năm 2019 sẽ cơ bản thực hiện được Nghị quyết của Bộ chính trị đề ra.

Tuy vậy, phát triển Du lịch Việt Nam vẫn gặp rất nhiều, tồn tại hạn chế như chất lượng  Du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú và còn rất là nhiều hạn chế. Để Du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi xin đề xuất các giải pháp: trước hết là tiếp tục đổi mới nhận thức, phát triển Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đa ngành đa lĩnh vực, mang tính xã hội hóa cao. Hai là phải tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, phối hợp công tư, trung ương địa phương, ứng dụng công nghệ và đặc biệt là tăng nguồn kinh phí cho 2 chương trình du lịch hiện nay của chúng ta rất thấp, chỉ đạt được 54 tỷ (2,5 triệu) so với Thái Lan là khoảng 80 triệu đô la. Tiếp tục đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch như đại biểu Đinh Công Sỹ vừa nêu. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, tập trung đào tạo kỹ năng nghề cho lao động du lịch, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đa dạng hóa thị trường du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch và đẩy mạnh xã hội hóa du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch. Trong thời gian vừa qua chúng ta thấy rằng ngành Du lịch Việt Nam trong 4 năm vừa qua thì số lượng buồng, phòng đặc biệt là 4,5 sao tăng gấp đôi, và trong đó thì cũng là nhờ vấn đề xã hội hóa. Rồi hàng không, có thể nói rằng sau khi có những hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo ra đời thì có hàng trăm chuyến bay thẳng đến các điểm đến du lịch hàng đầu Châu Á và có rất nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng du lịch như sân bay Vân Đồn, cảng Hạ Long, v.v… Đây là những kinh nghiệm để sắp đến chúng ta đầu tư, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, Long Thành, v.v… Thì đó là về lĩnh vực Du lịch, xin có mấy ý kiến như vậy.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Nêu các giải pháp xây dựng, phát triển du lịch và văn hóa

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu ở Quốc hội sáng 31/10

Đối với vấn đề Văn hóa, được phát triển từ đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 đến nay, Đảng ta luôn xác định Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội. Lĩnh vực Văn hóa luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo, đầu tư phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Văn hóa từng bước trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển Văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết. Giờ đây chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội, v.v… Rõ ràng rằng tất cả những cái đó đều là vấn đề của Văn hóa, liên quan đến Văn hóa và có nguyên nhân từ Văn hóa. Xây dựng Văn hóa hay là sự phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển. Tuy vậy so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực Văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường Văn hóa lành mạnh như Nghị quyết số 33 – BCH TW 9, khóa XI đã chỉ ra. Vì vậy, để Văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, theo chúng tôi cần tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

  • Thứ nhất là nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của Văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
  • Thứ hai là xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển Văn hóa, con người Việt Nam. Môi trường Văn hóa lành mạnh thì gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách, văn hóa và giáo dục lối sống cho con người để cái tốt, cái thiện được bảo vệ, nhân lên; cái xấu, cái ác bị lên án, loại trừ.
  • Thứ ba là tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.
  • Thứ tư, để Văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội phải quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
  • Thứ năm, phát huy sứ mệnh của Văn học Nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử.
  • Thứ sáu, phải tăng cường đầu tư xứng đáng cho văn hóa, tương xứng với vai trò của Văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực.
  • Thứ bảy là tăng cường hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời giới thiệu quảng bá văn hóa Việt Nam ra bạn bè thế giới.

"Lúc sinh thời Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước. Bác nói văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, là nguồn nội sinh quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước", Bộ Trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh khi kết thúc bài phát biểu.

Minh Khang