Tổng Giám đốc Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI: Các bạn hãy tự hào về nguồn gốc Châu Á của mình!
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:10, 05/10/2019
Hơn 140 giáo sư, chuyên gia, giảng viên và sinh viên chuyên ngành sân khấu biểu diễn đến từ 19 trường nghệ thuật sân khấu thuộc 16 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã cùng hội ngộ về Hà Nội tham dự chương trình 'Hội ngộ Hà Nội' – Thành phố Hòa Bình diễn ra từ ngày 23 đến 28 tháng 9 năm 2019 với một chương trình Sân khấu – Du lịch hết sức độc đáo và mới lạ.
Giáo sư Tobias Biancone, Tổng Giám đốc Hiệp hội Sân khấu Thế giới ITI, đồng thời là Chủ tịch mạng lưới Giáo dục và Đào tạo Toàn cầu của UNESCO đã từ Paris chia sẻ: "Tôi đã tham dự Festival các trường Nghệ thuật Sân khấu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương được Đạo diễn Lê Quý Dương tổ chức năm 2013 tại TP Hồ Chí Minh. Điều này đã làm thay đổi nhận thức của tôi và trở thành một bước ngoặt to lớn đối với Hiệp hội Sân khấu Thế giới. Qua các buổi trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kiến thức và các bài biểu diễn thực hành được tổ chức và dàn dựng rất sáng tạo, tôi nhận ra một Châu Á - Thái Bình Dương với sự giàu có và đa dạng về về văn hóa, đặc biệt là sân khấu biểu diễn. Ngay sau đó, Hiệp hội Sân khấu Thế giới đã lên chương trình thành lập văn phòng tại Thượng Hải và điều này đã làm nên lịch sử khi sân khấu Châu Á - Thái Bình Dương thực sự cần xuất hiện trong toàn cảnh sân khấu thế giới.
Các bạn hãy tự hào về nguồn gốc Châu Á của mình bởi chính các giá trị văn hóa và nghệ thuật mà các bạn đã tạo nên. Sân khấu châu Á cần được phổ biến và trình diễn trên toàn cầu. Các bạn hãy luôn ở bên nhau chia sẻ học hỏi và kết nối để tạo nên những nghệ sỹ biểu diễn xuất chúng. Tôi tin rằng việc các tổ chức giáo dục sân khấu trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hợp tác bền vững thông qua các chương trình của Hiệp hội các trường Sân khấu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là nền móng vững chắc để tạo nên một diện mạo đầy bản sắc và sáng tạo của sân khấu tương lai trong khu vực này.
Tôi tin rằng Hà Nội - Thành phố Hòa Bình và giàu có truyền thống văn hóa, nơi các bạn đang hội ngộ bên nhau trong chương trình đặc biệt mới lạ và sáng tạo của Đạo diễn Lê Quý Dương, sẽ là điểm khởi đầu cho một tương lai sáng lạn của nghệ thuật sân khấu và đào tạo sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tôi xin dành sự ngưỡng mộ và lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các bạn, đặc biệt tới đạo diễn Lê Quý Dương và các đồng nghiệp đã tạo nên sự kiện quan trọng này."
Đạo diễn Lê Quý Dương - Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Sân khấu Thế giới, Chủ tịch Diễn đàn Festival Quốc tế - ITI/UNESCO chia sẻ: "Các bạn hoàn toàn không lấy thù lao. Tôi là một trong các thành viên sáng lập ra Hiệp hội các trường Nghệ thuật Sân khấu Châu Á - Thái Bình Dương nên việc mời không khó. Festival này là lần thứ 12. Tất cả 11 lần trước đã diễn ra ở các nước khác nhau trong đó có Việt Nam tại TP.HCM năm 2013. Họ với tinh thần học hỏi chia sẻ kinh nghiệm. Không bán vé. Không diễn trước công chúng vì là phát triển kỹ năng chuyên môn sâu giữa các trường. Cái khó là các vấn đề thủ tục hành chính vì sự kiện có liên quan tới yếu tố nước ngoài nên phải qua nhiều khâu thủ tục của các cơ quan ban ngành. Các đoàn vào quá gấp vì nghĩ đơn giản như các nước khác. Cái khó là phải thích ứng với toàn bộ các điều kiện mới như không gian tổ chức và chương trình. Kế hoạch cũ là biểu diễn sân khấu lớn được thay bằng một chương trình hoàn toàn mới thích nghi và tuân thủ các qui định của Việt Nam. Chính trong cái khó đó, một quan niệm mới và cách tổ chức mới với mô hình mới đã được tìm thấy hiệu quả hơn. Đó là, ngoài sân khấu lớn, các nghệ sĩ có thể biểu diễn, cháy hết mình ở bất cứ nơi đâu miễn nơi ấy có khán giả. Mô hình này đã được thống nhất để áp dụng cho các sự kiện sau ở các nước khác. Mô hình mới đó là tạo nên những thách thức để sinh viên, nghệ sĩ trẻ nâng cao năng lực thích nghi, trí tưởng tượng sáng tạo và sự kết nối chia sẻ giữa những bản sắc văn hóa khác biệt. Ngoài mô hình mới, dự án mới cũng xuất hiện tại giao lưu giữa các trường nghệ thuật quốc tế đó là: Sân khấu- Du lịch. Ngoài học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm diễn xuất, họ được khám phá nhiều nét văn hoá, cảnh đẹp khắp nơi để tích luỹ vốn sống của mình."
Chương trình được tổ chức với sự đồng hành của Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Tập đoàn TAM GROUP, chuỗi nhà hàng B. deli và Trung tâm Đào tạo Sự kiện và Sân khấu Biểu diễn MP Centre của Đạo diễn Lê Quý Dương. Trong một tuần với lịch làm việc dày đặc, thành viên của các trường nghệ thuật sân khấu quốc tế đã giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và học tập chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt các buổi giao lưu về kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh sân khấu, phương pháp tổ chức thị trường cho một vở diễn sân khấu, cách tiếp cận và sáng tạo các chương trình giao lưu sân khấu quốc tế cộng hợp nhiều bản sắc văn hóa, đã diễn ra hết sức sôi nổi và lý thú. Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ liên hoan lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường, giúp các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương hiện nay.
Điều đặc biệt thú vị là lần đầu tiên tại Hà Nội, hơn 140 sinh viên sân khấu biểu diễn xuất sắc được tuyển chọn từ 19 trường nghệ thuật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với những nét truyền thống văn hóa hết sức khác nhau đã cùng hội nhập trong không khí vô cùng thân thiện, chuyên nghiệp và sáng tạo.
Toàn bộ kinh phí tổ chức chương trình Liên hoan Sân khấu – Du lịch với chủ đề “Hội ngộ Hà Nội” được xã hội hóa 100% với sự quan tâm ủng hộ của Hội Nghệ Sĩ Sân khấu Việt Nam, Cục Nghệ thuật Biểu diễn và Bộ Văn hóa Thể Thao và Du Lịch. Chương trình đã đóng góp tích cực vào việc giới thiệu hình ảnh thủ đô Hà Nội – Thành phố Hòa Bình – và để lại những ấn tượng tốt đẹp và kỷ niệm sâu sắc cho các giảng viên và sinh viên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
NSUT Lê Thu Huyền (Nhà hát Múa rối Thăng Long): "Chúng tôi được hiểu thêm nhiều sự kết hợp tính hiện đại với môn nghệ thuật dân tộc như rối nước. Trong cuộc giao lưu sân khấu quốc tế, các bạn quốc tế rất cởi mở và thông mình. Chúng tôi mang con rối nước, rối cạn, các bạn đưa ra câu hỏi về nguồn gốc và nét độc đáo về con rối. Họ còn gợi ý sáng tạo thêm cách diễn để con rối đặc sắc hơn. Chúng tôi còn được tìm hiểu những loại hình sân khấu mới mẻ của các bạn Mông Cổ, Hàn Quốc, Malaysia….. Điều đó góp phần tạo tăng thêm kiến thức, tạo niềm đam mê đầy hứng khởi với các nghệ sĩ đóng góp cống hiến cho sự phát triển sân khấu Việt Nam."