Thanh Hóa: Nô nức tham dự trò diễn Xuân Phả
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 19:41, 15/03/2019
Lễ hội Xuân Phả năm nay diễn ra với các hoạt động chính như: rước thánh thẻ, rước văn, rước sắc và tổ chức lễ cáo tại nghè thờ thành hoàng làng vào buổi chiều. Từ sáng sớm 10/2 âm lịch- ngày chính thức của lễ hội, từ mọi nẻo đường, du khách gần xa và nhân dân ở 6 làng văn hóa trong xã, nhà nhà, người người, già trẻ, gái trai, tất cả đều tạm gác lại công việc hàng ngày, mặc những bộ quần áo đẹp nhất, cùng nô nức đổ về sân nghè để tham gia lễ hội.
Nhiều hoạt động sôi nổi trong Lễ hội trò Xuân Phả
Trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn rã, các làng đi thành từng đoàn lộng lẫy cờ- lọng, rước kiệu, rước cỗ về sân tế. Làng nào cũng cố gắng chuẩn bị kiệu, cỗ và đội hình rước đẹp nhất.
Lễ hội làng Xuân Phả nhằm tưởng nhớ công ơn của vị Thành hoàng làng Đại Hải Long Vương Hoàng Lang tướng quân người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân. Đây được xem là sinh hoạt văn hóa truyền thống thường niên của dân làng, lễ hội diễn ra với các hoạt động chính: lễ rước văn, rước sắc, rước, kiệu, rước cỗ, tế lễ truyền thống, thi kéo hội và 5 điệu múa trò Xuân Phả, thi kéo co giữa các làng văn hoá. Đặc trưng của lễ hội là thi múa trò Xuân Phả của 6 làng với 5 điệu múa dân gian đặc sắc với tên gọi Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống gồm: Hoa lang, Tú huần, Chiêm thành, Ai lao, Ngô quốc, mô phỏng các bộ tộc và nước lân bang đem đồ tiến cống vua Đinh.
Một trò diễn dân gian "độc nhất vô nhị"
Tháng 9/2016, trò Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia. Di sản này không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.
Từ lễ hội ăn mừng chiến thắng, các nước lân cận đem lễ vật đến tiến cống, chúc mừng nhà vua đất Việt, với cả các điệu múa như Ai Lao (nước Lào), Chiêm Thành (dân tộc Chăm ở phía Nam); Ngô Quốc (bộ tộc của đảo Hải Nam Trung Quốc); Lục Hồn Nhung (bộ tộc Lục Hồn ở phía Bắc nước ta); Hoa Lang (một bộ tộc Cao Ly ở Triều Tiên). Ngay sau đó, để đền đáp công ơn, nhà vua đã ban 5 điệu múa trên cho nhân dân làng Xuân Phả với tên gọi “Ngũ quốc lân bang đồ tiến công”.
Trò diễn Xuân Phả được biểu diễn ở nhiều nơi trong và ngoài nước
Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.
Xuân Phả có ba điệu mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung. Hàng ngày, bà con xóm làng không ai là không biết nhau, đặc biệt là các nghệ sĩ tham gia múa Xuân Phả, thế nhưng, khi đã hóa trang, vào vai rồi thì không ai nhận ra ai được nữa. Ở trò Chiêm Thành, áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm đỏ hồng, không thêu thùa hoa văn. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình. Chúa và quân, quấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu, ngậm mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công...
Thông qua những trò diễn, điệu múa nhà vua muốn nhân dân Xuân Phả phải biết đoàn kết, cùng nhau làm ăn lao động sản xuất... Điển hình, điệu múa Hoa Lang người múa dùng những cái quạt, múa những động tác như là tung hoa, thể hiện sự vui mừng. Cùng với đó, người múa sử dụng những bài chèo thể hiện cuộc sống, làm ăn kiếm sống bằng đường sông nước. Hay điệu Lục Hồn Nhung thể hiện cuộc sống sinh hoạt trong một gia đình, có nhiều thế hệ gồm bà cố, có mẹ và có con... nhằm bảo ban con cháu phải biết sống kính trên, nhường dưới, đoàn kết trong gia đình.
Lễ hội truyền thống làng Xuân Phả là niềm tự hào của nhân dân Thọ Xuân, Thanh Hóa thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào tự tôn, tinh thần đoàn kết và bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là dịp sinh hoạt văn hoá tâm linh và thực sự là ngày hội lớn của nhân dân Xuân Trường cũng như đông đảo du khách gần xa.