Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi tại Đà Nẵng
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 17:05, 21/11/2018
Buổi tọa đàm được tổ chức nhằm lấy ý kiến góp ý về công tác thực hành nghệ thuật Bài Chòi và phương hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa này trong thời gian tới.
Tọa đàm “Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài Chòi tại thành phố Đà Nẵng” có sự tham gia đóng góp ý kiến của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, nghệ nhân và nghệ sĩ thực hành nghệ thuật Bài chòi tại thành phố Đà Nẵng.
Bài bản và làn điệu của Bài Chòi gồm bốn điệu chính: Xuân Nữ, Cổ Bản, Xàng Xê (gồm Xàng Xê lụy và Xàng Xê dựng) và Xồ Quảng (còn được gọi là Hò Quảng). Ngoài ra, ở Đà Nẵng, Bài Chòi còn tiếp thu những làn điệu khác: hò khoan, hát ru, vọng kim lang, vè quảng lý thương nhau, hò giã vôi, hoa chúc, các điệu lý như: lý hò hê, lý tình tang, lý vọng phu, lý vãi chài.
Trình bày thực trạng về di sản nghệ thuật Bài Chòi dân gian trên địa bàn Đà Nẵng, bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết trên địa bàn thành phố có tổng cộng 10 nhóm/đội, Câu lạc bộ Bài Chòi, tập trung ở các quận Sơn Trà, Liên Chiểu và ở huyện Hòa Vang. Trong đó, có 7 nhóm thành lập tự phát, không có sự hỗ trợ của bất cứ đơn vị nào. Các nhóm thành lập tự phát, kinh phí để hoạt động chủ yếu dựa vào đóng góp của các thành viên và khoản thu từ các buổi biểu diễn.
Nghệ thuật Bài Chòi cổ (ảnh minh họa)
Theo đó, tổng số người tham gia các Câu lạc bộ, nhóm/đội và biết hô/hát Bài Chòi trên địa bàn thành phố là trên 200 người. Trong đó, có khoảng 36 nghệ nhân làm anh Hiệu trong các hội chơi Bài Chòi, 05 nghệ nhân độc diễn Bài Chòi dân gian, 13 nghệ nhân chơi nhạc cụ Bài Chòi, 6 người biết đàn Bài Chòi và 49 người có khả năng truyền dạy.
“Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật truyền thống này đang có nguy cơ bị mai một. Trước thực tế trên, chính quyền TP. Đà Nẵng cùng với các nghệ nhân, nghệ sỹ, nhà nghiên cứu đã giúp nghệ thuật Bài Chòi tại thành phố Đà Nẵng mang một sức lan tỏa mạnh mẽ. Đặc biệt, tại khu công viên phía Nam cầu Rồng (đường Trần Hưng Đạo, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng) một Hội chơi Bài Chòi được tổ chức thường xuyên vào các tối thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần và nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo người dân và du khách, trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo của thành phố”, bà Ngô Thị Bích Vân cho biết thêm.
Chia sẻ về khó khăn của các hội nhóm hô/hát Bài Chòi, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ nhiệm CLB Bài Chòi Sông Yên Hòa Vang cho biết vì chưa có chính sách, cơ chế đặc thù liên quan đến bảo tồn và phát huy giá trị di sản cũng như chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân để thu hút họ gắn bó chặt chẽ, lâu dài với loại hình nghệ thuật Bài Chòi nên khả năng phát triển rất là khó khăn. CLB không có điều kiện để mua sắm các trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động Bài chòi cũng như tham gia các buổi tập huấn để học tập, bồi dưỡng, nâng cao trình độ biểu diễn.
Bên cạnh đó, nội dung kịch bản vẫn sử dụng chủ yếu những câu hát cổ, những tác phẩm có sẵn để biểu diễn vì thiếu đội ngũ tác giả, người viết kịch bản kế cận khiến cho hoạt động tuyên truyền, quảng bá Bài Chòi đến công chúng và khách du lịch còn nhiều hạn chế, cũng như chưa có sự hưởng ứng, tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp để kết hợp vào các tour phục vụ du lịch.
Bà Ngô Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng trình bày về thực trạng nghệ thuật Bài Chòi
Về giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật của Bài Chòi, các đại biểu tại tọa đàm cũng thống nhất ý kiến như: tăng cường phổ cập nghệ thuật này trong trường học, từ các cấp Mầm Non đến Trung học, Đại học nhằm mục đích tạo thành phong trào “Người người hát Bài chòi. Nơi nơi hát Bài chòi”; thành lập bộ quy chuẩn chung về các làn điệu, trang phục, diễn xướng Bài Chòi để dễ dàng trong việc hướng dẫn học viên; quan tâm đề xuất hồ sơ xét tặng Danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”, “Nghệ nhân nhân dân” cho các nghệ nhân có đóng góp to lớn trong sự nghiệp gìn giữ và phát huy giá trị Nghệ thuật Bài Chòi tại địa phương; đồng thời tăng cường tổ chức biểu diễn Bài Chòi tại các khu vực công cộng, tạo sự hấp dẫn đối với người xem và khách du lịch hơn nữa, đưa Bài Chòi trở thành “đặc sản” trong các tour du lịch ở địa bàn thành phố.
Bài chòi là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của vùng đất Trung Bộ; được hình thành qua quá trình lao động, giao lưu văn hóa của người Việt khi vào định cư, khai phá vùng đất Đàng Trong. Hiện nay, Bài Chòi ở thành phố Đà Nẵng vẫn là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo và không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tồn tại chủ yếu dưới hình thức hô/hát Bài Chòi dân gian ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố, nhiều nhất là ở huyện Hòa Vang và nhận được sự hưởng ứng, yêu mến của đại bộ phận người dân.