Đêm nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Yên Bái tràn đầy cảm xúc, nhớ thương

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 17:45, 01/10/2018

Đêm qua, 30/9, tại sân vận động thành phố Yên Bái đã diễn ra đêm nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Yên Bái.

Khán đài sân vận động là di tích nơi Bác Hồ thăm Yên Bái trò chuyện cùng đồng bào nhân dân các dân tộc trong Tỉnh và các vùng lân cận vào sáng mùa Thu ngày 25/9/1958. Đêm nghệ thuật được ví như một ngày hội đặc biệt của Yên Bái, từ buổi chiều, người dân, đặc biệt là đại diện người dân của các dân tộc tỉnh Yên Bái và các vùng lân cận đã xôn xao chuẩn bị tới xem chương trình. Và, hơn 33 ngàn khán giả đã phủ kín sân vận động khiến những nhân chứng từng được dự buổi nói chuyện của Bác 60 năm trước rưng rưng nói, ngày ấy, nơi bác nói chuyện cũng đông như thế này, ai cũng mong được nhìn thấy Bác, được nghe thấy lời của Người…

Đêm nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Yên Bái tràn đầy cảm xúc, nhớ thương

Đêm nghệ thuật “Yên Bái sáng mãi theo dấu chân Người”  đã khiến khán giả hào hứng và mãn nhãn ngay từ những giây phút đầu tiên với chương đầu “Huyền sử Âu Lạc”. Hiệu ứng 3D mapping lung linh huyền ảo kể về huyền thoại cha Rồng mẹ Tiên của dân tộc Việt, sinh ra bọc trăm trứng, 50 người con theo mẹ Âu Cơ lên rừng đã đặt dấu chân đầu tiên tại Ngòi Mon, Yên Bái. Lần đầu tiên, đạo diễn trẻ Lê Hải Yến mạnh dạn sử dụng công nghệ Hologram kết hợp 3D mapping chuyển động ngoài trời cùng tấm màn cuốn khổng lồ để tái hiện màn Sử thi huyền ảo này. Công nghệ Hologram kết hợp 3D mapping  cùng màn cuốn khổng lồ thường chỉ dám thực hiện ở điều kiện trong nhà, nhưng đạo diễn Lê Hải Yến đã mạnh dạn sử dụng ngoài trời để đem đến hiệu quả sân khấu cao nhất.  Khán giả nhí đã phấn khích, hào hứng khi thấy hình ảnh chiếc thuyền rồng thật bay qua sân khấu trong ánh sáng lung linh của công nghệ ánh sáng giúp phần trình diễn này vừa thực vừa ảo, mãn nhãn người xem.  Ca sĩ Tùng Dương và nhóm Con gái đã cùng viết nên câu chuyện huyền thoại ấy qua bản mashup “Mẹ Âu cơ” và “Đất nước lời ru”.

Tiếp nối dấu chân của mẹ Âu Cơ, đêm nghệ thuật “Yên Bái sáng mãi theo dấu chân Người” đã đưa 33ngàn người xem thuộc mọi thế hệ dõi theo dấu chân Chủ tịch Hồ Chí Minh, trở lại với buổi sáng mùa Thu năm ấy Bác thăm Yên Bái qua chương 2 “Dấu chân Bác”. Bám sát câu chuyện lịch sử, nữ đạo diễn 8X Lê Hải Yến đã khéo léo, tinh tế kể một câu chuyện giản dị, nồng ấm về Bác Hồ, đặc biệt là phần tái hiện ngày Bác thăm Yên Bái khiến trái tim người xem liên tục rung lên vì xúc động.

Câu chuyện kể ấy theo dấu chân Bác từ hành trình Bác lên tàu ra đi tìm đường cứu nước ở Bến Nhà Rồng qua ca khúc “Dấu chân phía trước” do ca sĩ Vũ Thắng Lợi và nhóm con gái biểu diễn. Hình ảnh bến Nhà rồng, mô hình con tàu Đô Đốc Latouche- Tréville tiến ra sân khấu khiến người xem vô cùng thích thú, như thấy lại được hình ảnh lịch sử thân thuộc mà sống động. NSƯT Thanh Lam tiếp tục mạch chuyện kể về tình yêu bao la của Bác dành cho mỗi người, cho mọi người qua ca khúc “Bác Hồ một tình yêu bao la”, một sáng tác do chính cha chị, nhạc sĩ Thuận Yến viết. Giọng hát da diết, chứa chan tình cảm của Thanh Lam cùng hình tượng hàng trăm cánh sen hồng trên sân khấu vừa làm khán giả mãn nhãn, vừa khiến người xem lắng lại, rưng rưng trước tình cảm của người cha già dân tộc.  Đáp lại tình yêu thương vô bờ của Bác, tiếng hát tươi sáng, trong veo của bé Nhật Minh (Quán quân the voice kid, Đồ Rê Mí) và dàn hợp xướng thiếu nhi vang lên với ca khúc “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng” như đã nói hộ lòng kính yêu Bác của người dân Việt, thiếu nhi Việt Nam. Và, cả sân vận động đã như vỡ òa khi hình ảnh đoàn tàu cùng tiếng đoàn tàu hú vang lên rộn rã, NSND Tiến Hợi trong hóa thân hình tượng Bác Hồ bước ra từ đoàn tàu với sự chào đón, tiếng hô vang “Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm” không ngớt . Đạo diễn Lê Hải Yến đã hấp dẫn người xem khi sử dụng hiệu ứng hình ảnh kết hợp với mô hình sân khấu đem đến một cách tái hiện hết sức chân thực hình ảnh ngày Bác thăm Yên Bái. Khán đài sân vận động nơi Bác đứng nói chuyện cùng người dân cũng được mô phỏng trên sân khấu. Trong tiếng hô vang của người dân, Bác Hồ bước lên khán đài, trò chuyện, căn dặn người dân Yên Bái. Lời của Bác gần gũi, thân tình, trầm ấm đã khiến người dân Yên Bái ghi nhớ từng lời. Cả 33 ngàn khán giả đã lặng đi khi thấy lại khoảnh khắc lịch sử ngày ấy, nhiều khán giả nhí níu áo cha, mẹ nói “Mẹ ơi, Bác Hồ kìa…”, “Mẹ ơi, con thấy nhớ Bác Hồ quá”…, những khán giả lớn tuổi không khỏi bồi hồi xúc động, thấy “gai người” khi xem phần biểu diễn này. NSND Tiến Hợi đã khiến người xem như thấy Bác hiện diện với từng cử chỉ, với giọng nói trầm ấm quen thuộc. NSND Tiến Hợi nói, để thực hiện phần trình diễn này, ông đã xem rất nhiều tư liệu về Bác thăm Yên Bái năm 1958, cũng như bàn bạc với đạo diễn Lê Hải Yến hàng tháng trời để làm sao có được phần thể hiện chân thực nhất. Ông cũng dành lời khen cho đạo diễn trẻ Lê Hải Yến: “Tôi đã làm rất nhiều chương trình, thể hiện rất nhiều lần hình tượng Bác Hồ, nhưng lần này tôi có những cảm xúc đặc biệt bởi Lê Hải Yến đã kể một câu chuyện về Bác khiến tôi rất thích, rất dung dị, ấm áp, xúc động mà rất giàu tính nghệ thuật, không khiến người ta có cảm giác bị “mô tả”, mà dẫn dắt người xem đi qua các cung bậc cảm xúc khá ấn tượng”.

Đêm nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Yên Bái tràn đầy cảm xúc, nhớ thương

Ngay sau đó, ca sĩ Tùng Dương xuất hiện, 33 ngàn khán giả thấy tim mình xôn xao lên với ca khúc “Lời Người vọng vang”, một sáng tác của nhạc sĩ Khánh Băng viết riêng cho dịp kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Yên Bái. Ca khúc không chỉ khắc họa hình ảnh Bác thăm Yên Bái, mà còn nói lên tình cảm, mong ước của Bác đối với đồng bào các dân tộc Yên Bái. Lời ca hào sảng mà nồng ấm một lần nữa gợi lại ký ức, thể hiện niềm tự hào của người dân Yên Bái được đón Bác, khẳng định giá trị lời Bác căn dặn năm nào.

Đang xôn xao, hào hùng là thế, cả sân khấu chợt lặng đi, bồi hồi cùng ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” (ca sĩ Thành Lê biểu diễn). Nữ đạo diễn Lê Hải Yến cũng lại tái hiện xúc động khoảnh khắc lịch sử muôn dân nghẹn ngào khi nghe tin Bác rời cõi tạm qua loa đài. Hàng trăm diễn viên mặc áo dài trắng trên tay cùng những ngọn nến được thắp sáng làm người xem thấy rưng rưng. Và, nữ ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh đã cùng khán giả nói rằng Bác mãi mãi ở trong trái tim của mỗi người dân và nhân loại qua ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh”. Dấu chân của Người đã đưa dân tộc đến với tự do và dấu chân của Người nâng bước thế hệ hôm nay vững bước, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên.

Và, Yên Bái hôm nay theo dấu chân Người, đã bừng sáng tạo nên dấu chân của chính mình như câu chuyện kể ở chương 3 “Yên Bái- Sáng mãi niềm tin”. Người xem đã vô cùng thích thú khi hàng loạt “đặc sản” văn hóa, du lịch của Yên Bái đã nức tiếng trong nước và Quốc tế được đạo diễn Lê Hải Yến đưa lên sân khấu vô cùng hấp dẫn, khiến người ở phương xa như muốn ào tới Yên Bái ngay. Lễ hội xòe Thái rực rỡ cùng những cô gái Thái duyên dáng làm nao nức người xem, chiếc nón Thái khổng lồ trên sân khấu xuất hiện cùng màn dù lượn được coi là “đặc sản” của du lịch Yên Bái cũng làm khán giả “tròn mắt”.  Câu chuyện kể của ngày hôm nay đã bắt đầu từ mối tình của chàng du khách tới từ cánh dù lượn với cô gái Dao trong ngày hội đoàn kết dân tộc qua ca khúc “Điệu xòe thương nhau” (NSƯT Thanh Hương biểu diễn). Tình yêu ấy bừng nở như đóa hoa rừng, trong thiên nhiên đẹp rực rỡ say đắm của đất trời Yên Bái, theo câu hát, lời ca của người con gái núi rừng. Sao mai Sèn Hoàng Mỹ Lam cũng đã có phần thể hiện khá thú vị với ca khúc “Theo câu hát Sluông” ngợi ca tiếng đàn tính, điệu hát then nổi tiếng. Và đặc biệt, hình ảnh đám cưới người Dao đỏ đã được tái hiện cùng hàng trăm diễn viên trên sân khấu làm người xem cực kỳ phấn khích, xuýt xoa. Qua tiếng hát của ca sĩ Hồ Quang Hiếu với ca khúc “Xuân về trên rừng núi”, Hồ Quang Hiếu không chỉ mang đến cho người xem hình ảnh núi rừng khi xuân về, mà còn mang đến cho người xem cảm nhận về một hạnh phúc ngọt ngào giữa chàng du khách và cô gái người Dao trong đám cưới tưng bừng mà linh thiêng. Trong một khoảng thời gian ngắn trên sân khấu, người xem được chứng kiến toàn bộ những nghi lễ đặc biệt của đám cưới người Dao, “đặc sản” văn hóa truyền thống các dân tộc của Yên Bái. Đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, để thực hiện được phần biểu diễn này, chị đã mời những nghệ nhân từ dân tộc Dao trực tiếp tới sân khấu vấn khăn, sửa soạn trang phục cưới cũng như thị phạm nghi lễ đám cưới cho diễn viên. Một Yên Bái đậm đà bản sắc văn hóa rất riêng biệt cùng non nước hữu tình qua âm nhạc đã thực sự tạo nên một sức quyến rũ khó cưỡng với người xem. Và, ở đây người xem cũng thấy được một Yên Bái phát triển rực rỡ của ngày hôm nay qua ca khúc “Yên Bái phố” của nhạc sĩ Nguyễn Cường và “Mùa thu Khau Phạ” của nhạc sĩ Khánh Băng.

Đêm nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Yên Bái tràn đầy cảm xúc, nhớ thương

Nhận được “mưa” lời khen, bày tỏ sự xúc động, thích thú với chương trình từ khán giả ở sân khấu cũng như khán giả xem truyền hình trực tiếp, đặc biệt khi nghe khán giả nhí nói “Mẹ ơi, con nhớ Bác Hồ”, nữ đạo diễn Lê Hải Yến đã bật khóc vì hạnh phúc. Cô chia sẻ, cô đã vô cùng áp lực khi thực hiện đêm nghệ thuật về Bác Hồ, bởi những người đi trước đã làm rất nhiều chương trình thành công, cô là thế hệ sau, làm sao để thực hiện một chương trình về Bác Hồ, một chương trình mang tính kỷ niệm khiến khán giả mọi thế hệ thấy yêu thích, say mê là điều vô cùng khó khăn. Đạo diễn Lê Hải Yến cũng mất rất nhiều đêm mất ngủ để xây dựng kịch bản, tập luyện cho chương trình, cô đã đem tất cả mơ ước được thực hiện một chương trình nghệ thuật về Bác từ thời trẻ của mình để viết nên câu chuyện. Trước đây khi còn ngồi trên giảng đường Đại học, cô từng nhiều lần tham gia các cuộc thi Kể chuyện về Bác Hồ, cô tự biên tập nên câu chuyện về khoảnh khắc xúc động trước lúc đi xa của Bác, chính cô cũng đã khóc trong lúc kể lại câu chuyện ấy. Kể từ đó, cô luôn ao ước sẽ có được một lần sẽ sân khấu hóa hình tượng Bác kính yêu. Và, Lê Hải Yến đã thực sự tạo được một dấu ấn mới trong cách kể về Bác Hồ cũng như cách làm một chương trình nghệ thuật kỷ niệm qua đêm nghệ thuật kỷ niệm 60 năm Bác Hồ thăm Yên Bái. Như nhạc sĩ Minh Đạo chia sẻ khi ngồi dưới hàng ghế khán giả theo dõi, thì đêm nghệ thuật dù mang tính kỷ niệm nhưng đã đem đến một cảm xúc hoàn toàn khác biệt so với  những chương trình nghệ thuật kỷ niệm. “Chương trình là một mạch kể liên tục, xuyên suốt đưa người xem bước vào một câu chuyện từ dấu chân mẹ Âu Cơ với huyền thoại Âu Cơ- Lạc Long Quân đến dấu chân của Bác và của thế hệ hôm nay. Tuy nhiên, thú vị là đạo diễn Lê Hải Yến đã không phải “tường thuật” mà dẫn lối người xem bằng cách kể theo cảm xúc, âm nhạc rất vừa vặn, nhiều cao trào, giúp người xem bị cuốn theo chương trình, luôn thấy chờ đợi phần tiếp theo..”- nhạc sĩ Minh Đạo chia sẻ.

Minh Khang