Tìm hiểu về truyền thuyết tháng cô hồn - tháng lễ vu lan báo hiếu
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 08:47, 09/08/2018
Trong tháng này thường âm khí rất thịnh, tháng mà nhiều người kiêng kị và cho rằng không nên làm gì, cũng là tháng mà khá nhiều người gặp xui xẻo...Để tìm hiểu rõ hơn về truyền thuyết của tháng cô hồn, hãy cùng nghe chuyên gia phong thuỷ Linh Quang chia sẻ.
Truyền thuyết dân gian cho rằng từ mùng 2/7, Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan và đến rằm tháng 7 thì “thả cửa” để cho ma quỷ túa ra tứ phương, đến sau 12 giờ đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục. Bởi vậy, vào đêm 14/7, người ta thường đốt nến, hóa vàng bạc hoặc giết gà vịt cúng quỷ đói để cầu được bình an và những điều tốt đẹp, không bị ma quỷ hại phá, đó chính là nguồn gốc của tên gọi Tết Quỷ. Nguồn cội của Tết Quỷ gắn liền với văn hoá Đạo giáo của Trung Quốc, bởi Phật giáo không có chủ trương sát sinh hoặc đốt vàng bạc hàng mã để cúng tế quỷ thần.
Hình minh họa
Đạo giáo gọi Thiên – Địa – Thuỷ là “Tam Nguyên”. Nguyên tức là sự khởi đầu của tất cả, Trời – Đất – Nước là ba nguyên khí căn bản tạo ra và nuôi dưỡng con người cùng vạn vật. Nếu đem Tam Nguyên này xếp vào ba ngày âm lịch trong năm, thì sẽ có “Tam Nguyệt Nhật”: 15/1 là Thượng Nguyên, 15/7 là Trung Nguyên và 15/10 là Hạ Nguyên. Theo truyền thuyết, Tam Nguyên Nhật là sinh nhật của Tam Quan Đại Đế trong Đạo giáo, địa vị của ba đại đế này chỉ đứng sau Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày Thượng Nguyên là sinh nhật của “Thiên quan tứ phúc đại đế”, ngày Trung Nguyên là sinh nhật của “Địa quan xá tội đại đế”, còn ngày Hạ Nguyên là sinh nhật của “Thủy quan giải nguy đại đế”. Ba đại đế chia nhau cai quản khắp nơi, cho nên Tam Nguyên Nhật trở thành ba ngày lễ lớn quan trọng của Đạo giáo.
Trong dân gian có rất nhiều truyền thuyết về Tam Quan, và thường người ta ghép Thiên Quan, Địa Quan, Thuỷ Quan vào Tam Hoàng: Nghiêu, Thuấn, Vũ. Thiên Quan (Nghiêu Đế) chủ về ban phúc cho nên rất được dân gian tín phụng. Thuỷ Quan (Vũ Đế) chủ về trị thủy, làm cho dân chúng được an cư lạc nghiệp. Còn Địa Quan (Thuấn Đế) chia Trung Quốc thành 12 châu, làm cho dân chúng có cuộc sống ổn định, hơn nữa vua Thuấn lại là người con chí hiếu, cho nên Tam Nguyên Nhật cũng còn được gọi là “Lễ báo hiếu”. Thời cổ, vào ngày lễ báo hiếu, người Trung Quốc giết dê, gà và đốt hương, hoá vàng để tế ông bà tổ tiên, rồi dần dần được mở rộng ra thành ngày phổ độ cho cả cô hồn và từ đó mang tên gọi “Trung Nguyên phổ độ”.
Nhưng ngày 15/7 cũng chính là Lễ Vu Lan của Phật giáo, như vậy Lễ Vu Lan của Phật giáo và Tết Quỷ trong dân gian Trung Quốc là không hoàn toàn giống nhau. Ở Trung Quốc, Lễ Vũ Lan đầu tiên được bắt đầu từ thời Lương Vũ Đế, đến đời Đường (thế kỷ 7-10) đã rất thịnh hành. Vu Lan là dịch ý từ tiếng phạn Ullambana, nghĩa là giải thoát khỏi sự “khốn khổ vì bị treo ngược”. Mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên từng sống sa đọa, gây nhiều ác nghiệp, khi chết bị đoạ địa ngục làm quỷ đói và chịu hình phạt treo ngược người như vậy. Ý nghĩa và nguồn gốc Lễ Vu Lan được ghi chép và giải thích rõ trong Vu Lan Bồn Kinh:
“Thời Phật Thích Ca Mâu Ni còn tại thế, trong số 10 đại đệ tử của ngài có một vị tôn giả tên Mục Kiền Liên. Sau này Mục Kiền Liên đắc quả A La Hán thoát khỏi nghiệp sinh tử và có pháp lực thần thông cao cường. Trước khi Mục Kiền Liên tu thành chánh quả, cha mẹ của ngài đều đã mất sớm và trở thành quỷ đói bị đoạ vào địa ngục. Sau khi đắc đạo, Mục Kiền Liên muốn báo ân phụ mẫu bèn dùng thiên nhãn quan sát khắp nơi, thấy song thân ngài đang bị giam hãm dưới âm ty với hình dạng quỷ đói hết sức đáng sợ: bụng to như núi, mà cổ họng chỉ nhỏ như cây kim, không thể ăn uống gì được, thân thể hai người chỉ còn da bọc xương mà thôi. Mục Kiền Liên thấy vậy vô cùng đau xót bèn cầm một bát thức ăn dùng thần lực mang xuống âm phủ cho mẹ, nhưng thức ăn vừa đưa sát miệng liền hoá thành tro bụi. Mục Kiền Liên đành chịu bất lực, vội đi bái kiến và thuật chuyện của mình cho Phật Thích Ca nghe. Đức Phật nói: “Cha mẹ ngươi thời còn sống đạ tạo ra vô số tội lỗi, cho nên sau khi chết phải bị đoạ vào địa ngục làm quỷ đói để chịu quả báo, một mình ngươi không thể đủ sức cầu độ cho họ được, mà phải dựa vào uy lực của tăng chúng mười phương mới mong giải thoát nổi. Vào ngày rằm từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, tất cả tăng chúng đều cùng tụ họp tinh tiến tu hành, đến ngày rằm tháng 7 thì kết thúc và trong ngày này sẽ có nhiều tăng chúng đắc chánh quả. Ngày ấy, nếu ngươi muốn cứu song thân khỏi khổ quỷ đói, phải cúng dường cơm chay cho tăng chúng, như vậy công đức rất lớn, không những việc làm đó có thể giải thoát cho song thân ngươi khỏi khổ quỷ đói, mà thậm chí còn có thể khiến 7 kiếp của song thân người còn được hưởng phúc trên trời. Giá như cha mẹ ngươi còn tại thế, thì việc cầu cúng ấy cũng có thể khiến họ được thêm phúc đức và trường thọ”. Mục Kiền Liên làm theo lời Phật dạy, quả nhiên cha mẹ của tôn giả thoát được kiếp quỷ đói và siêu thăng”.
Hình ảnh minh họa quỷ đói theo tín ngưỡng dân gian
Dân gian tin rằng rằm tháng 7 là ngày Quỷ Môn Quan mở để ma quỷ được tự do về dương thế, đó cũng là ngày “âm khí xung thiên”, cho nên ngoài việc cầu cúng, người ta cũng đặt ra nhiều điều kiêng cấm để bảo vệ bản thân mình. Dưới đây là 18 điều cần kiêng tránh mà dân gian Trung Quốc thường tuân thủ trong ngày Lễ Vu Lan:
1. Không treo chuông gió ở đầu giường vì tiếng chuông sẽ thu hút sự chú ý của ma quỷ, khi ngủ sẽ dễ bị chúng xâm nhập quấy phá.
2. Người yếu bóng vía, không nên đi chơi đêm vào ngày này, nếu không sẽ dễ gặp điều không may.
3. Không được nhổ lông chân vào ngày này, vì dân gian cho rằng “Một sợi lông chân quản ba con quỷ”, người càng có nhiều lông chân thì ma quỷ càng ít dám đến gần.
4. Không tuỳ tiện đốt giấy, vàng mã vì như vậy sẽ khiến ma quỷ bu đến.
5. Không ăn vụng đồ cúng, vì đó là đồ dành cho ma quỷ, nếu chưa cúng và cầu xin mà lấy ăn sẽ rước tai hoạ vào mình.
6. Không phơi quần áo vào ban đêm, vì ma quỷ trông thấy sẽ “mượn” và để lại “quỷ khí” trong các quần áo ấy.
7. Những người khi đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, đó là điềm xấu.
8. Không nên bơi lội, vì ma quỷ sẽ cùng đùa với bạn, nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị chúng làm trặc trẹo chân.
9. Không hù doạ người khác khiến họ giật mình “hồn bay phách lạc” dễ bị ma quỷ xâm nhập.
10. Cây đa trước nhà là nơi hội tụ âm khí, ma quỷ rất thích những chỗ như vậy, cho nên kỵ đứng, ngồi, nằm, trốn… ở đó.
11. Không nên thức quá khuya, vì như vậy tinh thần sẽ hao tổn suy nhược, dễ nhiễm “quỷ khí”.
12. Nơi góc tường xó tối là những chỗ ma quỷ thường tụ tập nghỉ ngơi, không nên đến gần những chỗ ấy.
13. Không nhặt tiền bạc rơi vãi trên đường, vì có thể đó là tiền người ta cúng mua chuộc bọn quỷ đầu trâu mặt ngựa, nếu người nào phạm kỵ, sẽ gặp tai hoạ không chừng.
14. Khi đi đến qua những nơi vắng vẻ, không ngoái cổ quay đầu nhìn lại phía sau, dù có cảm giác “hình như” có người đang đi theo mình hoặc gọi tên mình. Vì đó có thể do ma quỷ trêu chọc.
15. Khi lên giường ngủ không để mũi dép hướng về phía giường, nếu không ma quỷ nhìn thấy sẽ đoán rằng có người sống đang nằm trên giường và chúng sẽ lên giường ngủ chung với bạn.
16. Không cắm đũa đứng giữa bát cơm, vì đó là hình thức cúng tế, cũng giống như kiểu thắp hương, dễ dẫn dụ ma quỷ vào nhà ăn chung.
17. Không nên ở một mình trong thời gian này, nếu không sẽ dễ bị ma quỷ dẫn dắt hoặc quấy phá.
18.Không chụp ảnh vào ban đêm, bởi ma quỷ luôn lảng vảng chung quanh đó sẽ “vô hình” vào ảnh chung với người sống, đó là điều không tốt.
Như đã nói ở trên, sau 12h đêm ngày 14/7 thì tất cả ma quỷ âm vong đều quay lại cửa ngục, vậy cho nên sau ngày 15/7, tính khoảng từ ngày 16/7 trở đi, dương thế gần như đã trở lại bình thường, âm khí đã tiêu tan, dương khí bắt đầu sinh sôi trở lại. Do đó, trước ngày rằm tháng 7 nên hạn chế làm những việc quan trọng như xây dựng, kinh doanh mua bán, cưới xin, động thổ...Tuy nhiên, sau ngày rằm, mọi việc đều diễn biến trở lại bình thường mà không cần thiết phải kiêng kị quá nhiều, có thể an tâm tiến hành mọi việc mà không lo sự quấy nhiễu của âm vong.