Triển lãm “Côn Đảo xưa và nay” nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 16:13, 11/06/2018
Sáng ngày 11/6, tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (tọa lạc tại ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, Vĩnh Long), Ban tuyên giáo Tỉnh ủy; Sở Giáo dục và đào tạo; Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, tỉnh Đoàn Vĩnh Long phối hợp với Bảo tàng Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) tổ chức triển lãm chuyên đề “Côn Đảo xưa và nay”.
Trước khi vào buổi lễ, các vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và huyện Long Hồ đã vào dâng hương tưởng nhớ và tri ân cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc và quê hương Vĩnh Long.
Các vị lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và huyện Long Hồ đã vào dâng hương tưởng nhớ và tri ân cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng
Tham dự buổi lễ còn có sự tham dự của hơn 500 em học sinh đến từ các trường học trong tỉnh. Triển lãm “Côn Đảo xưa và nay” tập trung ở ba chủ đề chính gồm Nhà tù Côn Đảo và quá trình đấu tranh của tù nhân qua các thời kỳ (1862 - 1975); Quá trình xây dựng và phát triển Côn Đảo (1975 - 2016) và Tầm nhìn Côn Đảo đến năm 2030.
Các vị đại biểu tỉnh, huyện xem triển lãm.
Triển lãm bao gồm hơn 300 bức ảnh về Côn Đảo xưa, từ những bữa cơm tù, giấc ngủ trong nhà giam chuồng cọp kiểu Pháp; chuồng cọp kiểu Mỹ; khu biệt lập, kiến trúc trại giam Cỏ Ống Mỹ - ngụy; bệnh xá; những kiểu tra tấn đánh đập dã man của thực dân Pháp;… cho đến Côn Đảo nay với sự phát triển về mọi mặt: kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng, du lịch biển đảo, vượt lên những khó khăn để trở thành một vùng đất tươi đẹp, trù phú.
Một góc triển lãm “Côn Đảo xưa và nay”
Thông qua buổi triển lãm, nhằm cung cấp cho người xem những cái nhìn khái quát nhất về Côn Đảo (một huyện đảo của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), qua đó truyền tải đến các em học sinh, người dân trong và ngoài tỉnh có thể hiểu sâu hơn về lịch sử đấu tranh của một nhà tù lớn nhất, dã man nhất và lâu đời nhất trong hệ thống nhà tù dưới chế độ thực dân cũ và mới đã hiện hữu tại Côn Đảo từ năm 1862 đến năm 1975.
Một số bức ảnh trong triển lãm
Tại buổi triển lãm, các đại biểu còn được giao lưu gặp gỡ hai đồng chí Trịnh Văn Lâu và đồng chí Nguyễn Thị Hà, cựu tù Côn Đảo. Qua đó giúp cho học sinh hiểu biết thêm về những ngày tháng gông cùm khổ sai ở Nhà tù Côn Đảo, để có cảm nhận sâu sắc hơn về giá trị một Côn Đảo xưa và nay.
Toàn bộ hình ảnh tư liệu tại triển lãm này cũng được Bảo tàng Côn Đảo gửi tặng lại cho tỉnh Vĩnh Long để tiếp tục tuyên truyền triển lãm trong thời gian tới.