“Sách cũ, nhưng giá trị bên trong không hề cũ”
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 22:22, 06/03/2018
Theo thói quen đã có từ lâu, ra xuân, người Hà Nội lại rủ rỉ nhau tìm mua sách hay ở đủ các lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, kinh tế,v.v…Chả thế mà những hội sách cũ mới đươc duy trì từ năm này sang năm khác cho dù cuộc sống ngày càng hiện đại, đầy đủ mọi thứ. Năm nay, Hội sách Xuân 2018 diễn ra ngay tại Hồ Văn, thuộc khu di tích lịch sử Văn Miếu Quốc Tử Giám, trường đại học đầu tiên của nước ta, nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống từ hàng ngàn năm nay.
Với gần 20 tấn sách cũ, thuộc đủ mọi lĩnh vực, Hội sách Xuân 2018 được xem là hội sách cũ lớn nhất trong năm 2018.
Trong tiết trời se lạnh của mùa xuân, ngoài việc đi lễ cầu an, người Hà Nội còn có một thói quen “khó bỏ”, thậm chí nó còn lây lan sang những người tỉnh lẻ đang sinh sống và làm việc ở đây là thú đi săn sách ở các hội sách cũ. Còn gì thích thú và sảng khoái khi lật giở từng trang sách cũ đã nhuốm màu thời gian, xúc động khi cái hương nồng nồng của ngày cũ xộc vào mũi. Hẳn là khi ấy, sẽ có nhiều người phải cay cay nơi sống mũi vì bắt gặp được cuốn sách ưng ý, đọc được câu chữ hay từ trang sách cũ mà hiếm khi họ được thấy bày bán ở các hiệu sách sáng choang với đủ loại sách được trang trí, được thiết kế bắt mắt như bây giờ.
Đi từ Khu đô thị Văn Quán, Hà Đông lên với Hội sách, bà Nguyễn Thị Hán tìm được cuốn sách Phật ưng ý cho mình. Bà bảo dù là những cuốn sách cũ nhưng giá trị trong đó không hề cũ và sẽ thật lãng phí nếu như không gìn giữ chúng. “Nhiều người còn có thể tìm những cuốn sách yêu thích mà bây giờ không tìm được”- Bà Hán chia sẻ.
Cũng giống với bà Hán, ông Lê Quyên, một cựu chiến binh, hiện đang sinh sống ở quận Cầu Giấy ngậm ngùi kể: “Từ ngày về hưu, tôi thường làm bạn với sách báo là chính. Tuổi già như chúng tôi, ở nhà tìm đọc sách báo vừa để cập nhật tin tức hàng ngày, không bị lạc hậu so với con cháu của mình, vừa để lấy làm vui. Đến hội sách cũ như thế này, tôi tìm được nhiều cuốn sách tuy cũ nhưng vẫn còn nguyên giá trị”. Khi được hỏi về việc đọc sách của thế hệ con cháu mình, bác Quyên bảo bây giờ con cháu mình đã chịu khó đọc sách hơn. “Qua việc tổ chức các hội sách như thế này, tôi kỳ vọng văn hóa đọc sách của dân mình nhất là lớp trẻ sẽ khá lên”- bác Quyên kỳ vọng.
Tuy nhiên, khi dạo qua một vòng toàn bộ các gian hàng tại hội sách, không khó để nhận ra đa phần người đến đây là nhóm người lớn tuổi, những người như bà Hán, bác Quyên,v.v…Trong khi đó, rất ít các bạn học sinh, sinh viên đến với hội sách. Chia sẻ về điều này, bạn Kiều Tiến Đạt, sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: “Mình thấy một số bạn trẻ hiện nay quá quan tâm vào Facebook ấy. Nhiều người bạn của mình thường dành khoảng 4 – 5 tiếng một ngày để vào facebook. Thế nhưng, mình cũng thấy là đầu sách mà thu hút được các bạn trẻ thì khá là ít. Bản thân mình, nếu cuốn sách đó không thực sự hấp dẫn, truyền được cảm hứng thì mình sẽ không đọc. Trong khi đó, người lớn cũng không phải ai cũng quan tâm đến sách, chưa nói đến việc truyền cảm hứng cho các con cháu của mình. Như ở gia đình của mình, từ bé mình rất ít đọc sách. Mình nghĩ đó chính là những nguyên nhân khiến giới trẻ hiện nay không còn mặn mà với sách nữa”.
Gian sách kỹ năng sống thu hút nhiều bạn trẻ đến đọc
Chị Đỗ Mai Hương, ở quận Thanh Xuân thì cho rằng việc giới trẻ ít quan tâm đến sách vì bây giờ họ có quá nhiều thứ để quan tâm, họ có thể đọc trên điện thoại, máy tính bảng, thậm chí có cả máy đọc sách, khiến cho họ lười đọc hơn. Tuy nhiên, những thứ hiện đại này lại không thể thay thế được những cuốn sách. Trong một lần trò chuyện với PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện báo chí và Tuyên truyền từng chia sẻ về vấn đề đọc sách hiện nay: “Chúng ta vẫn có thể tham khảo những tài liệu trên mạng nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định mà thôi. Để có thể hiểu sâu sắc, hiểu được gốc gác của vấn đề, hiểu đúng, nhất là các vấn đề có liên quan đến văn hóa dân tộc thì cần phải tìm hiểu thông qua sách vở, tài liệu nghiên cứu do các nhà khoa học, những người có chuyên môn làm ra mới có cơ sở để tin tưởng. Ở Phương Tây, dù công nghệ có phát triển mạnh đến như thế nào nhưng họ vẫn phải dựa vào sách vở, tài liệu khoa học, bộ sử sách chính thống, hay các cuốn từ điển bách khoa chính thống”.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Trung, những gì chúng ta đọc trên mạng internet chỉ là kiến thức chung nhất, là những ý kiến, quan điểm khác nhau được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau nhưng chưa phải là chính thống. Cũng bởi thế, những hoạt động như hội sách, dù mới chỉ dừng lại ở khâu tổ chức, nhưng ít nhiều thông quan đây, người dân được nhắc nhở, được duy trì thói quen tìm mua sách, đặc biệt là những đầu sách cũ, bây giờ không còn được tái bản nữa.
Thực ra, dù xã hội có thay đổi như thế nào, con người được trang bị đầy đủ bao nhiêu thứ hấp dẫn thì những cuốn sách với giá trị thực sự sẽ luôn tồn tại và song hành với cuộc sống của mỗi người.