PGS.TS Phạm Ngọc Trung: “Không thể cấm hay loại bỏ hoàn toàn tục đốt vàng mã”
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 18:52, 05/03/2018
Liên quan đến đề xuất loại bỏ tục đốt vàng mã của Trung tâm giáo hội Phật giáo Việt Nam, Báo Công lý vừa thực hiện cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung, nguyên Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền về vấn đề này.
"Rất khó để loại bỏ hoàn toàn tục đốt vàng mã"
Không thể loại bỏ hoàn toàn tục đốt vàng mã
Phóng viên: Thưa ông, tục đốt vàng mã ở ta có từ bao giờ? Và việc Trung tâm Giáo hội Phật giáo Việt nam đề xuất loại bỏ tập tục này xuất phát từ đâu?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Nhìn ở góc độ Tôn giáo học, nguồn gốc xuất hiện và tu hành của Đạo Phật thì không có nghi lễ hay thủ tục đốt vàng hóa mã. Bản chất của Đạo Phật là triết lí tìm con đường giải thoát cho con người. Từ nỗi khổ của con người, đạo Phật khuyên người ta không tham sân si, tìm đường để giải thoát. Sự giải thoát đó nhờ vào trí tuệ, nhờ vào sự rèn luyện, chứ không phụ thuộc vào vị thần linh nào cả, hay phụ thuộc vào nghi lễ nào cả.
Xét dưới góc độ việc thực hành tín ngưỡng dân gian, đây là tín ngưỡng đã ăn sâu bám rễ vào đời sống của người dân ta từ bao đời nay.
Còn xét ở góc độ thực tế, việc Trung tâm Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị bỏ tục đốt vàng mã được xuất phát từ thực tế có quá nhiều người, nhiều gia đình thực hiện nghi lễ tâm linh này. Việc hóa vàng mã diễn ra ngày càng nhiều, mà mã ở đây không chỉ là vàng, vì vàng chỉ là một phần rất nhỏ. Mã ở đây bao gồm cả hình nộm, bao gồm voi ngựa, xe, nhà cửa, biệt thự, thậm chí cả hình osin…theo như quan niệm của dân gia “trần sao âm vậy”. Vì thế mới để xảy ra tình trạng tốn kém, ô nhiễm môi trường, phản cảm.
Trong không gian văn hóa của ngôi chùa, đây là nơi hội tụ rất nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Ngoài hệ thống triết lý của Đạo phật, còn có hệ thống triết lý của người theo Đạo giáo rồi một loạt hệ thống tín ngưỡng dân gian khác. Cho nên khi nhắc đến đền, chùa ở Việt Nam là nhắc đến hệ đa thần, (Thờ Thánh, thờ Đức Ông, thờ Mẫu, thờ Ngọc Hoàng, thờ Thổ Công Thổ Thần, rồi thờ các vị anh hùng dân tộc, v.v)…Vì thế, trong không gian của nhà chùa cũng có sự lộn xộn, không đi vào đúng chuẩn mực của đạo Phật.
-Trước đề xuất loại bỏ, cấm tục đốt vàng mã, cá nhân ông nghĩ như thế nào? Đề xuất này liệu có khả thi?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Đây là đề nghị buộc tất cả chúng ta phải suy nghĩ, nhất là những người quản lý của ngành văn hóa, những người làm nghiên cứu văn hóa như chúng tôi phải suy nghĩ.
Tôi cho rằng chỉ có thể hạn chế được việc đốt vàng mã, chứ không thể cấm hay loại bỏ hoàn toàn. Việc cấm có nên chỉ trong trường hợp những người hóa vàng mã lên tới hàng triệu, thậm chí 200 đến 300 triệu đồng, vì con số này là quá lớn so với mức sống hiện nay của nhiều gia đình ở ta.
Theo phong tục truyền thống, mỗi gia đình đều cúng ông bà, tổ tiên, hay vào những ngày giỗ, ngày lễ, ngày Tết, chúng ta không thể cấm việc họ đốt vài thẻ hương, một ít vàng lá, một vài đinh vàng nén nhằm tưởng nhớ người đã khuất. Bản thân việc đốt vàng mã đã là phong tục, là nét đẹp mang thuần phong mĩ tục của người Việt Nam từ bao đời, nhằm thể hiện lòng thành kính, sự biết ơn đối với ông bà tổ tiên những người đã khuất. Chúng ta chỉ có thể cấm những người lợi dụng tục đốt vàng mã này, hóa mã với số tiền lớn gây lãng phí, những người mang tính chất là cuồng tín, mê tín dị đoan, ảnh hưởng đến tâm linh, đến môi trường xã hội.
-Vậy theo ông, sự lãng phí, phản cảm như đánh giá của dư luận, của báo chí chỉ tập trung ở một nhóm người trong xã hội chứ không phải tất cả?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Qua nghiên cứu ở một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên, Lạng Sơn,… thì tôi nhận thấy phần lớn tập trung vào nhóm người buôn bán, những người làm kinh doanh lớn. Đây là bộ phận khá cuồng tín. Một khi trong quá trình làm ăn buôn bán gặp khó khăn, thất bát, họ sẽ tìm đến việc cúng bái.
Ngoài ra, còn có sự tham gia của một số quan chức cấp thấp, nhỏ, trong quá trình làm việc không may gặp chuyện này chuyện kia thì theo quan niệm “có việc thì vái tứ phương” thì lúc đó họ cũng tìm đến việc cúng bái, dâng sao giải hạn… Một số người mắc bệnh nan y, đã chạy chữa thuốc men đủ mọi cách mà không khỏi thì bản thân họ hay người nhà của những người này “đành tặc lưỡi” trao số phận của mình cho thần linh, khi đó các thầy cúng bảo gì thì họ cũng làm theo với hy vọng cuối cùng…
Đây là ba nhóm đối tượng tham gia đốt vàng mã bởi thực chất người Việt Nam không phải ai cũng có thể bỏ ra số tiền lớn để cúng bái, để mua vàng mã đốt như vậy. Phải cân nhắc kỹ lưỡng, phải đứng trước thử thách rất lớn trong cuộc đời họ mới chi một khoản tiền không phải là nhỏ như thế.
Bên cạnh đó, khi phân loại khu vực, cũng có những đặc thù khác nhau. Trước đây chủ yếu tập trung ở khu vực thành thị còn bây giờ nạn đốt vàng mã đã lan nhanh ra cả nông thôn với tốc độ nhanh chóng, chẳng thua kém gì. Thậm chí như ở làng tranh Đông Hồ ở Thuận Thành, Bắc Ninh, đã có nhiều gia đình chuyển nghề, không làm tranh nữa mà chuyển sang làm hàng mã để cung cấp cho thị trường với nhu cầu ngày càng cao. Hay như một số vùng lân cận Hà Nội cũng đã chuyển sang kinh doanh, làm hàng mã để cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ.
Đưa các giá trị văn hóa truyền thống về đúng vị trí vốn có
-Theo ông, các giá trị văn hóa truyền thống có còn thích ứng với đời sống hiện đại, khi mà công nghệ ngày càng phát triển?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Trong đời sống xã hội hiện nay, mọi thứ đều có mối quan hệ ràng buộc mật thiết với nhau. Người ta tưởng rằng văn hóa và kinh tế chẳng liên quan gì đến nhau nhưng thực ra văn hóa nằm trong kinh tế. Nếu bạn là người hiểu sâu sắc về văn hóa thì chắc chắn bạn có nhiều cơ hội và tìm kiếm nhiều thời cơ.
-Thế nhưng ở một góc độ nào đó, khi áp dụng vào cuộc sống hiện đại, dù ít dù nhiều nó dường như đang bị mất dần đi những giá trị thực sự, mà thay vào đó là sự học đòi, làm sai lệch, hay làm biến tướng…
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Đương nhiên rồi. Giá trị văn hóa không phải là hằng số, mà nó là sản phẩm kết tinh từ thực tiễn, do nhân thức của con người quy định. Vì thế giá trị văn hóa ở vùng này sẽ khác với vùng kia, ở nhóm người này khác với nhóm người khác, ở từng giai đoạn lịch sử lại khác nhau…
Vì thế, muốn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, muốn giữ gìn những giá trị tinh hoa của văn hóa dân tộc thì chúng ta phải bám sát thực tiễn, luôn luôn có sự phân tích, cái nào là đúng, cái nào là phù hợp, tiến bộ thì ta ủng hộ, cái gì là tiêu cực thì phải kiên quyết đấu tranh. Chứ chúng ta không thể ngồi chờ, không thể hô khẩu hiệu chung chung, chờ cho giá trị văn hóa tự kết tinh thành hiện thực thì không thể xảy ra mà đây là kết quả của quá trình phấn đấu, đấu tranh và xây dựng của tất cả mọi người thì mới có thể tạo ra những giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa tốt đẹp.
-Cũng như khi người ta đang lên án về các nghi thức trong lễ hội chọi trâu, nghi lễ chém lợn?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Như tôi đã nói, tất cả những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông để lại, cái nào đúng, cái nào tiến bộ , cái nào phù hợp thì ta ủng hộ, còn những cái tiêu cực thì phải kiên quyết đấu tranh. Tuy nhiên, mọi giá trị đều được sản sinh từ quá trình phấn đấu, đấu tranh và xây dựng của tất cả mọi người, những giá trị tốt đẹp, những tinh hoa của dân tộc phải được sàng lọc và do nhận thức của con người.
Cũng như lễ hội chọi trâu, lễ hội chém lợn hay bất kể một nghi lễ, một hoạt động truyền thống nào đều có nguyên tắc, có quy trình của nó. Ở nghi lễ chém lợn của làng Ném Thượng, từ hàng nghìn năm nay các cụ thực hiện nghi lễ ở hậu cung, nơi được xem là linh thiêng và bí mật, chỉ có những người có chức sắc trong làng mới được tham gia, chứ không phải mang ra giữa sân đình, giữa bàn dân thiên hạ để cho tất cả mọi người xem, để vừa đảm bảo được sự linh thiêng vừa đảm bảo nguyên tắc đã có từ xưa, hơn nữa còn đảm bảo công ước quốc tế về việc bảo vệ động vật mà Việt Nam đã ký kết. Còn đằng này, họ lại tổ chức ở ngay giữa sân đình, giữa bàn dân thiên hạ, dây kéo con lợn bốn hướng rồi chém thì chắc chắn sẽ gây phản cảm…Nhưng khi đưa vào trong hậu cung xử lý rồi đưa ra chia cho mọi nhà thì sẽ không gây ảnh hưởng, không gây phản cảm nữa.
Cho nên cùng một sự vật, cùng một hiện tượng nhưng nếu chúng ta làm sai lệch đi dù chỉ một chút thôi cũng gây ra hiệu ứng khác, có thể đang là một giá trị thiêng liêng rất tốt đẹp cần bảo vệ nhưng rất có thể khiến mọi người tranh cãi, yêu cầu bãi bỏ. Chính vì chúng ta không làm đúng trong không gian của nó, không đúng quy trình, không đúng nguyên tắc của mỗi tín ngưỡng văn hóa thì nó sẽ trở nên phản cảm.
Trong lĩnh vực văn hóa, mà đặc biệt trong lĩnh vực tín ngưỡng tâm linh thì cần phải có yếu tố linh thiêng bí mật. Cũng như các tôn giáo khác cũng vậy, ví dụ đạo Cơ Đốc chẳng hạn, lúc sám hối và rửa tội thì chỉ có con chiên và cha sứ, không có ai được chứng kiến. Thông qua một cái cửa sổ, một không gian linh thiêng.
Vì thế, những người làm trong ngành văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa tâm linh không hề dễ dàng. Họ phải thực sự hiểu rất sâu sắc về mọi mặt.
-Có ý kiến cho rằng các bạn trẻ hiện nay hầu như không còn mặn mà lắm đến các giá trị truyền thống. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Thế hệ trẻ vẫn còn quan tâm đến các vấn đề văn hóa, bản sắc dân tộc vì nó sẽ giúp các bạn hiểu rõ về cội nguồn của dân tộc, hoạt động văn hóa của cộng đồng người Việt…Khi hiểu được rồi thì thực hiện một cách có ý thức hơn. Nếu không tìm hiểu, không hiểu được gốc rễ sâu xa của các hoạt động tín ngưỡng dân gian nói riêng và các hoạt động văn hóa nói chung thì hầu hết các bạn đều cảm thấy mọi thứ xa lại, không liên quan đến mình.
Nhưng khi gắn các hoạt động đó với chính đời sống hàng ngày, gắn liền với ông bà, cha mẹ của mình thì chắc chắn các bạn sẽ muốn tìm hiểu. Có những người không được tiếp cận, tiếp xúc thì chắc chắn họ sẽ không có nhiều hiểu biết về những hoạt động như thế.
Với cuộc sống hiện đại, công nghệ phát triển, các bạn trẻ có thể tìm được mọi thứ qua việc tra cứu trên mạng internet, nhưng thực ra đây chỉ là những kiến thức phổ thông, lại được thể hiện ở nhiều cái nhìn khác nhau, mang tính đa chiều, không sâu sắc, có nhiều thứ thứ còn gây tranh cãi, có nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí có những kiến thức không chính xác. Chúng ta vẫn có thể tham khảo những tài liệu trên mạng nhưng chỉ ở một chừng mực nhất định mà thôi.
Để có thể hiểu sâu sắc, hiểu được gốc gác của vấn đề, hiểu đúng nhất là có liên quan đến văn hóa dân tộc thì cần phải tìm hiểu thông qua sách vở, tài liệu nghiên cứu do các nhà khoa học, những người có chuyên môn làm ra mới có cơ sở để tin tưởng. Ở Phương Tây, dù công nghệ có phát triển mạnh đến như thế nào nhưng họ vẫn phải dựa vào sách vở, tài liệu khoa học, bộ sử sách chính thống, hay các cuốn từ điển bách khoa chính thống.
-Theo ông, những yếu tố nào sẽ giúp chúng ta bảo vệ tốt các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của mình?
PGS.TS Phạm Ngọc Trung: Thứ nhất là vai trò quản lý của nhà nước về vấn đề tâm linh, tín ngưỡng nói riêng và văn hóa nói chung. Không ai có thể thay nhà nước để quản lý những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào, không gian nào nhà nước cũng can thiệp được, thì lúc này vai trò của cá nhân mỗi người, mà nhất là vai trò của người làm chủ gia đình đặc biệt quan trọng. Gia đình là nơi thực hiện các nghi lễ, nghi thức về mặt tâm linh, tín ngưỡng đó. Phải nhận thức tốt, hiểu rõ ý nghĩa của tín ngưỡng dân gian. Nếu không nhận thức được thì họ sẽ làm theo tâm lý đám đông, làm theo sự dẫn dụ của một số thầy cúng, thầy mo, hay một số người chỉ nhằm cầu lợi thì chúng ta khó lòng kiểm soát, định hướng được hoạt động đó. Mà muốn cho dân chúng biết thì phải tuyên truyền, giáo dục, cổ động, đưa các hoạt động đó vào hoạt động của Tổ dân phố, xã phường, v.v…
Nếu nhìn ở góc độ kinh tế, vàng mã cũng là một mặt hàng bán rất chạy vào mỗi dịp lễ Tết, vào ngày Rằm, mùng một hàng tháng… Đây là một sản phẩm hàng hóa cho xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, nhiều vùng quê. Nhưng xét ở góc độ văn hóa thì lợi nhuận về vật chất không thể bù đắp được cho các vấn đề về sức khỏe, về môi trường, về tâm lý của con người.
Xin cảm ơn ông!