Bộ VHTT&DL ủng hộ chủ trương hạn chế đốt vàng mã

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:17, 01/03/2018

Bộ VHTT&DL hoàn toàn đồng tình, ủng hộ quan điểm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở tôn giáo.

Đây là quan điểm của phía Bộ VHTT&DL tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018 tại Hà Nội, khi được hỏi về đề xuất hạn chế đốt vàng mã của Trung ương Phật giáo Việt Nam.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Như chúng ta đều biết, tập tục đốt vàng mã là một phần nghi thức gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Việc tuyên truyền, thuyết phục để người dân nhận thức về tập tục này, hạn chế trong đời sống đương đại, Bộ VHTT&DL với trách nhiệm quản lý của mình gần đây đã có nhiều quy định, văn bản hướng dẫn đề nghị người dân khi tham gia lễ hội tại các cơ sở tôn giáo, lễ hội… có ý thức để hạn chế đốt vàng mã.

Như vậy, đối với công văn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi các chùa, tổ đình, cơ sở thờ tự về việc không đốt vàng mã tại các cơ sở này, Bộ VHTT&DL hoàn toàn đồng tình, ủng hộ quan điểm của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc hạn chế đốt vàng mã trong các cơ sở tôn giáo.

Bộ VHTT&DL ủng hộ chủ trương hạn chế đốt vàng mã

Đồng thời, Bộ VHTT&DL cũng có trách nhiệm tham mưu với Chính phủ trong việc hạn chế đốt vàng mã tại các lễ hội, di tích. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tại một số di tích có tình trạng đốt quá nhiều vàng mã, bị dư luận phản ứng gay gắt. Bộ VHTT&DL đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với chính quyền địa phương nghiên cứu, đề xuất các quy định cụ thể.

Cụ thể như tại đền Bà chúa Kho (Bắc Ninh), đến nay tình trạng đốt vàng mã đã giảm đáng kể. Cùng với đó, chính sự vào cuộc của chính quyền địa phương cũng mang lại hiệu quả tích cực. Do đó việc hạn chế đốt vàng mã tại các cơ sở tôn giáo, lễ hội là hoàn toàn khả thi”.

Trước đó, Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam có gửi công văn số 031/CV-HĐTS, nêu rõ: "Đề nghị chư tôn đức tăng ni nêu cao tinh thần Bồ tát đạo, hướng dẫn đồng bào Phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam". Ngay sau đó, đại diện của Bộ VHTT&DL cũng đã lên tiếng ủng hộ và đồng tình với đề xuất này và cho rằng hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn tại các cơ sở thờ tự.

Bên cạnh đó, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (thuộc Bộ VHTT&DL) Ninh Thị Thu Hương cũng ký văn bản số 91 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu năm 2018. Trong đó, có yêu cầu các ban quản lý di tích, ban tổ chức lễ hội đảm bảo việc hướng dẫn thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định.

Cũng theo Cục này, hiện tại, ở một số lễ hội, di tích vẫn còn xảy ra hiện tượng đốt nhiều đồ mã, vàng mã, hương, nến gây tốn kém, lãng phí, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy nổ, mất an toàn trong di tích và lễ hội.

Cũng trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2018, khi được hỏi về việc thu phí di tích tại một số địa phương, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết: “Về việc thu phí di tích tại một số địa phương, căn cứ Luật Phí và Lệ phí, Nghị định 120/NĐ-CP 2016 hướng dẫn một số điều của Luật Phí và Lệ phí, Thông tư 250 năm 2016 của Bộ Tài chính… và theo rà soát mà chúng tôi nắm được, tất cả các địa phương khi có thu phí, lệ phí đều đã căn cứ các quy định nêu trên, không có việc thu phí tùy tiện.

Việc điều chỉnh tăng, giảm đều có thông qua HĐND với những căn cứ cụ thể. Với việc thu phí tại Yên Tử, chúng tôi đã rà soát và được biết việc triển khai đã theo đúng quy định của pháp luật, được HĐND tỉnh Quảng Ninh thông qua. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thấy rằng việc thu phí là chủ trương chung của các địa phương để có nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo di tích. Nhiều khu di tích hiện đã khang trang, đẹp đẽ hơn, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách nhờ nguồn thu phí thăm quan di tích”.

Hà Thu