Thưởng trà – Nghệ thuật của người Việt
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 15:14, 17/02/2018
Từ xa xưa, người Việt ta đã có thói quen uống trà. Nghệ thuật thưởng trà ở Việt Nam phản ánh văn hoá dân tộc, từng bước thưởng trà đều thể hiện nét truyền thống riêng người Việt từ khâu chuẩn bị trà, pha trà, rót trà và tận hưởng hương vị của chén trà Việt Nam.
Nghệ thuật thưởng trà ở Việt Nam phản ánh văn hoá dân tộc
Chuẩn bị nước: Trà Việt thích hợp với nước tinh khiết. Trong cách uống trà cổ, người thưởng trà phải dùng nước đọng trên lá sen, hay nước mưa hứng từ tàu cau thì mới cho ra được chén nước trà ngọt vị, thơm hương. Nước hứng được phải đem đun bằng ấm đất trên bếp lò. Bếp lò phải dùng than đốt, vì nó không bốc mùi như củi khô, hay các loại dầu. Nước đun chỉ đến tầm đủ sôi (sủi tăm), nếu không đủ sôi thì trà không phai, nếu sôi quá thì trà lại nồng, các cụ gọi là “cháy” trà.
Đối với trà khô: Người thưởng trà thường dùng Bình (ấm trà) được làm bằng đất (bình gốm, sứ). Bình trà có bình chuyên và bình tống để hãm trà và rót trà. Chén dùng uống trà cũng là loại chén làm bằng đất nung, loại nhỏ như hạt mít.
Trước khi pha trà thì dùng nước sôi để tráng chén và bình, tưới nước lên bình trà, rồi đổ nước ấm lên các chén trà để làm nóng và sạch.
Khi pha trà, cho trà vào ấm phải vừa đủ lượng (cho ít quá thì nhạt, còn cho nhiều quá thì đắng chát). Rót nước pha trà vừa ngập mặt trà rồi đổ đi để “rửa trà”. Sau đó rót nước gần đầy bình chuyên và đạy nắp, rồi rót thêm lên trên nắp bình một ít nước nóng để giữ được hương trà. Sau đó rót hết trà ra bình tống, mở nắp bình chuyên để trà không bị khê, nồng. Dùng bình tống rót trà ra từng chén nhỏ. Nếu không có bình tống, mà rót thẳng vào chén thì rót lần lượt ít một vào từng chén, rồi xoay vòng rót ngược lại. Theo văn hóa người Việt, trà rót cũng rót từ chén của người lớn tuổi nhất, trà rót ra phải uống ngay khi còn nóng. Tay nâng ly trà, nhấp từng ngụm nhỏ, thưởng thức trà bằng tất cả tâm hồn, bằng những cảm xúc giác quan, mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, lưỡi nếm, tay cầm.
Khi thưởng trà, mọi người thường ngồi quay quần bên ấm trà, vừa nhẹ nhàng nhấp từng ngụm vừa cùng nhau hàn huyên câu chuyện
Tuần trà thứ 2 và thứ 3 cũng sẽ làm như vậy để tuần trà nào cũng ra những chén trà vàng đều, đậm đà, đượm vị như nhau.
Khi thưởng trà, mọi người thường ngồi quay quần bên ấm trà, vừa nhẹ nhàng nhấp từng ngụm vừa cùng nhau hàn huyên câu chuyện.
Đối với trà xanh (trà tươi): Ở nhiều vùng quê Việt Nam, uống trà tươi như một thói quen cố hữu của người Việt. Nước dùng để pha trà tươi phải dùng nước giếng khơi của chính nơi cây trà được trồng và lớn lên. Lá trà tươi hái từ trên cây xuống được rửa sạch, vò nhẹ rồi chế nước sôi vừa đủ vào “rửa trà”, gạn hết nước rửa đi rồi chế nước vào đầy bình. Thưởng thức trà tươi là nét văn hóa truyền thống cổ xưa của người Việt, nhằm hun đúc tình làng xóm, đưa mọi người gần gũi nhau hơn vì thế, bình dùng pha trà tươi phải là loại bình đất nung cỡ lớn và rót ra những bát sành lớn. Mọi người thưởng trà tươi thường ngôi quay quần bên nhau, cùng uống thứ nước vàng sóng sánh, ngọt dịu, chát nhẹ, thanh mát cùng với kẹo lạc hoặc kẹo dồi (Một loại kẹo truyền thống của người Việt).
Có thể nói, tìm bạn trà khó hơn tìm bạn rượu vì bạn trà phải là những người hiểu mình, có thể ngồi cùng mình, lắng nghe và trò chuyện, chia sẻ cùng mình bên những chén trà nghi ngút khói.