Tết xưa trong ký ức người Hà Nội

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 08:00, 16/02/2018

Tết xưa trong ký ức của người Hà Nội là cảnh tinh mơ xếp hàng ở cửa hàng mậu dịch để mua vài hộp mứt tết.

Là tiếng nói cười râm ran trong sương mờ se lạnh ngày đông để chọn cho gia đình một cành hoa. Là những điều giản dị của một thời khó khăn về vật chất nhưng vẫn ấm áp tình người…

Tết xưa trong ký ức người Hà Nội

Mâm cơm cúng tổ tiên ngày Tết của người Hà Nội

Tết “bao cấp” là cụm từ rất đỗi thân quen với thế hệ 7X, 6X trở về trước của Hà Nội. Từ sau ngày đất nước thống nhất (1975) đến năm 1986, đây được coi như một giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XX. Việc mua sắm chủ yếu do các công ty mậu dịch quốc doanh đảm nhiệm, được gọi là bách hóa tổng hợp, bách hóa bán lẻ, hay cửa hàng thực phẩm. Vào ngày Tết, các cửa hàng được mở rất sớm và bán tận đến 30 Tết mới nghỉ để phục vụ nhân dân.

Thời đó, hàng hóa được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, chế độ hộ khẩu được thiết lập để phân phối lương thực, thực phẩm theo đầu người. Bà Nguyễn Thanh Vân, một người con gái Hà Nội thế hệ 5X rưng rưng kể lại, ngày đó Tết chỉ có vài hộp mứt thập cẩm, gọi là thập cẩm chứ chỉ có vài miếng mứt bí, mứt cà rốt, vài cái kẹo lạc…Xếp hàng cả buổi chiều mới mua được vài lạng đỗ xanh để gói bánh chưng, may chăng thì mua được ít thịt, có thêm bánh pháo tép và mấy bông hoa tươi nữa là thành cái Tết linh đình.

Trong ký ức của mỗi người dân Hà Nội, ngày Tết vẫn là những sinh hoạt quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Tuy không được trang hoàng rực rỡ đèn, hoa như bây giờ mà chỉ là những tiếng chuông vọng ra từ đền Ngọc Sơn, đền Hàng Trống, chùa Bà Đá, quyện trong mưa phùn đêm giao thừa là mùi hương trầm phảng phất nhưng cũng đủ tạo nên không khí Tết đường phố không bao giờ quên.

Hà Nội khi đó cũng có nhà cao tầng nhưng hoang sơ lắm, con đường đê Yên Phụ bây giờ rộng và đẹp lung linh như thế, nhưng trước đây, chỉ là một con đê đất rợp cỏ và những cây gạo ven đê. Chợ hoa khi đó nằm trên phố Hàng Lược, Tết đến, đào Nhật Tân, quất Quảng Bá mang xuống chợ hoa nở rực rỡ. Ngày đó, mọi người có thói quen chơi đào cành chứ không mua cả chậu cây như bây giờ. Trên ban thờ mỗi nhà đều cắm một cành đào Nhật Tân nhỏ, nụ chúm chím hồng thật tao nhã.

Tết xưa trong ký ức người Hà Nội

Cảnh xếp hàng sắm Tết những năm bao cấp 

Ông Nguyễn Văn Nam, 67 tuổi (ở Hàng Trống, Hoàn Kiếm) hồi tưởng, Tết Hà Nội xưa đơn sơ là thế nhưng rất đỗi thân thương và ấm cúng vô cùng. Hà Nội 36 phố phường bắt đầu đón Tết bằng sự xuất hiện của những quầy bán tranh trên phố Hàng Bồ trước đó tới vài tháng. Những ông đồ áo the, khăn xếp ngồi trên chiếc chiếu hoa trải ở vỉa hè. Tranh Đông Hồ từ Thuận Thành vẽ gà vẽ lợn, tranh giấy dó tươi tắn, sặc sỡ được treo trên những sợi dây chăng sát mép tường.

Bà Phạm Ngọc Quy, 70 tuổi, sống ở phố Hàng Cân nhắc đến những ngày Tết “năm ấy” với những dòng ký ức miên man.

Vốn là một cô gái Hà Nội gốc, khéo tay và tinh tế, bà luôn tự tay sắm tết, từ thực phẩm đồ khô như mộc nhĩ, miến dong cho tới gạo nếp, đỗ xanh để gói bánh chưng. Dù nhà có con sen, nhưng bà vẫn muốn tự tay gói những chiếc bánh chưng vuông vắn, có đủ đậu, thịt. Tất nhiên, năm nào bà cũng không quên gói vài cái nhỏ nhỏ xinh xinh cho bọn trẻ con trong nhà. Những chiếc bánh ấy để dành làm phần thưởng cho lũ trẻ sau cả ngày háo hức đi ra, đi vào, ngồi canh nồi bánh chưng nghi ngút khói đến tận đêm.

Bà vẫn nhớ, mâm cúng Tết của người Hà Nội luôn phải có bánh chưng, giò, vài món xào và không thể thiếu được món canh bóng. Bún thang của người Hà Nội là một món không thể nào thiếu trong mỗi dịp xuân về.

Trong ký ức đơn sơ ấy, bọn trẻ thường nối đuôi nhau qua các con hẻm, ngó nghiêng, nô đùa, xem người lớn sắm Tết. Sáng mùng một, sau khi các gia đình đã làm xong thủ tục “xông nhà” để "lộc phước dồi dào", ai nấy xúng xính quần áo đi chúc Tết. Bọn trẻ con thích nhất là được mừng tuổi. Những đồng tiền lẻ ít ỏi, cũ kỹ, không phải những xấp tiền mới, mệnh giá cao như bây giờ nhưng đứa nào cũng thích, cũng nâng niu và cất giữ cẩn thận.

Vào ngày đầu năm mới, người Hà Nội có thói quen đi lễ chùa. Đền Quán Thánh, chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ 3 ngày Tết luôn chật cứng người, chủ yếu là người đi bộ.

Trong cái đủ đầy của xã hội hôm nay, ngày Tết cổ truyền cũng ấm cúng hơn, người lớn có nhiều lựa chọn hơn cho việc mua sắm, trẻ con súng sính hơn trong những bộ quần áo ấm áp, tươi tắn. Nhưng trong ký ức của những người đã từng trải qua năm tháng nghèo nàn của Hà Nội thì Tết Hà Nội xưa là những ngày đẹp nhất trong ký ức mỗi người. 

Hoàng Hà