Phiên chợ Tết có lịch sử 100 năm tuổi giữa Hà Nội
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 11:21, 13/02/2018
Theo thông lệ hàng năm, cứ vào sáng 27 Tết, ngay trước đình Quan Nhân, Phường Nhân Chính, Quận Thanh Xuân, Hà Nội lại diễn ra phiên chợ cuối năm và cũng là phiên chợ duy nhất được tổ chức. Người Quan Nhân gọi phiên chợ này là “Chợ 27”.
Được biết, “Chợ 27” đã có tuổi đời đã hơn một trăm năm, đặc biệt mỗi năm chỉ họp một phiên duy nhất vào sáng 27 Tết. Được biết, "chợ 27" xưa kia là nơi tụ họp của 7 làng lân cận. Đây là dịp để cho bà con vốn quanh năm chỉ biết cấy cày được mua sắm, trao đổi hàng hóa ngày Tết. Ngày xưa bà con cứ mang cả một quang gánh là có thể mua gạo nếp, lá dong, cá, đậu, thịt về là xong một cái Tết. Trải qua năm tháng, chợ 27 chủ yếu phục vụ các cháu nhỏ.
Chợ được họp trên vùng đất Nhân Mục xưa có tên nôm là Kẻ Mọc, tên chữ là Mộc Cự, sau đổi là Nhân Mục. Nhân Mục phát triển thành 2 xã là: Nhân Mục Cựu (gồm 2 thôn Thượng Đình và Hạ Đình) và Nhân Mục Môn (gồm các thôn Quan Nhân, Cự Lộc, Chính Kinh, Giáp Nhất), nay là phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Thời trước, Kẻ Mọc là những xóm làng nằm trên bờ Nam sông Tô Lịch, phía ngoài luỹ thành đất Thăng Long. Nói đến Kẻ Mọc người ta thường nhắc nhiều đến Nhân Mục Môn. Các làng Mọc của Nhân Mục Môn vẫn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống và nhiều di tích lịch sử còn nguyên vẹn.
Kẻ Mọc vốn nổi tiếng đất văn hiến, khoa bảng và làm quan. Kẻ Mọc cũng là đất của rất nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng như: Đặng Trần Côn, Lê Đình Dao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân…
Kẻ Mọc nay vẫn còn lưu giữ được rất nhiều di tích lịch sử như: Đình Giáp Nhất, Đình Quan Nhân, Đình Cự Chính. Đặc biệt nơi đây còn giữ được khá nhiều cổng làng cổ kính, những ngôi nhà cổ nằm lọt thỏm giữa các dãy nhà cao tầng nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của một Kẻ Mọc xưa.
Năm nay, chợ 27 thu hút hàng nghìn người dân tham dự, vừa mua - bán, vừa thưởng thức không khí cổ truyền, mộc mạc. Từ mọi ngả đường dẫn vào đình Quan Nhân trở nên tấp nập và nhộp nhịp người mua, kẻ bán.
Chợ 27 Tết làng Mọc từ xa xưa là phiên chợ phuc vụ nhu cầu sắm Tết của người dân trong vùng. Ngày nay, bên cạnh ý nghĩa gìn giữ nét văn hoá truyền thống, chợ vẫn là nơi mua sắm rau quả, thịt gạo cùng các đồ dùng truyền thống cho các bà, các mẹ để chuẩn bị đón Tết.
Là phiên chợ cổ truyền, mặt hàng được bán ở chợ cũng đậm chất thôn quê, mộc mạc. Phiên chợ chỉ diễn ra trong buổi sáng và kéo dài khoảng 3 - 4 tiếng nhưng đối với người dân ở làng Mọc, đây là phiên chợ đặc biệt, mang Tết về với làng. Người đi chợ không hẳn là đi chợ, đi sắm Tết mà còn thưởng thức không khí nhộn nhịp của những ngày giáp Tết. Đối với trẻ con thì đây là dịp để các em vốn sinh ra và lớn lên ở Thành phố được tiếp xúc và hiểu hơn đến không gian của một phiên chợ truyền thống, nét văn hóa của dân tộc.
Theo NSND, Họa sĩ Dân Quốc, người Hà Nội chính gốc đã có 10 năm sinh sống ở Quan Nhân và tham gia 10 lần phiên chợ Tết ở đây cho biết: “Chợ quê của làng Quan Nhân mang tính truyền thống, từ xưa tới nay chúng tôi vẫn luôn gìn giữ. Phiên chợ chỉ họp duy nhất vào sáng 27 Tết và đó là nét độc đáo của Hà Nội trong dịp tết đến xuân về. Chợ diễn ra từ sáng sớm, có những người từ đêm đã trải chiếu, mang bạt ra đây, nói vui là để “chiếm chỗ”. So với những năm trước, chợ bây giờ không có gì thay đổi nhiều. Vẫn là những thức quà quê như kẹo kéo, kẹo bột hay những con giống…Tuy nhiên bây giờ có thêm một số mặt hàng mới, của cuộc sống hiện đại đan xen vào”.
NSND Dân Quốc chia sẻ về lịch sử chợ 27
Cũng theo bác Dân Quốc, phiên chợ này hàng năm không chỉ có mỗi người dân của làng Quan Nhân mà còn có dân tứ xứ về đây. Thậm chí, còn có cả những du khách nước ngoài nữa, họ không chỉ đi chợ, đi sắm Tết mà nhiều người đi hưởng cái không khí đón Tết rộn ràng chỉ có ở chợ Tết. Đặc biệt, đối với trẻ con thì đây là một trải nghiệm và được tìm về cội nguồn, về truyền thống của làng quê. Bởi chợ ở đây chẳng khác gì một phiên chợ quê ở nông thôn, đầy đủ các thức hàng đậm chất quê”.
Chẳng hạn như kẹo kéo, một thức quà dân dã bây giờ rất khó tìm ở nhiều vùng quê nhưng đến phiên chợ 27 của làng Mọc, Quan Nhân lại được bày bán khá nhiều. Cô Lan, xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm kẹo kéo 40 năm ở Hà Nội cũng có mặt tại phiên chợ 27 này. Cô cho biết: “Trước kia, kẹo kéo chủ yếu là mạch nha nên khi ăn rất ngọt, dễ chán. Còn bây giờ, người làm kẹo kéo nghĩ ra cách cho thêm chút dừa đã bào nhỏ và kẹp giữa hai bìa ốc quê để giảm bớt vị ngọt nên mọi người rất thích”.
Trước kia, kẹo kéo là món ăn dân dã, ít tốn kém, thậm chí trẻ con ở nông thôn còn đổi lấy kẹo bằng phế liệu như sắt vụn, giấy loại. Thế mới có chuyện trẻ con ở quê thường có câu “đổi kẹo kéo”. Cũng bởi thế mà kẹo kéo thường được bán rong khắp làng. Đây cũng là một nét độc đáo mà phiên chợ 27 còn lưu giữ được cho đến ngày nay.
Chiếu xẩm trong phiên chợ của Quan Nhân
Bên cạnh đó, trong phiên chợ, một nhóm các bà, các mẹ nằm trong CLB dân gian của Quan Nhân diện mớ ba mớ bảy xuất hiện ở một góc chợ. Họ đến chợ để hát xẩm, để góp vui cùng mọi người. Tất cả đều là những cán bộ đã về hưu, vì mê các loại hình dân gian như xẩm, chèo,..mà cùng nhau thành lập một câu lạc bộ, dưới sự hướng dẫn của nghệ sĩ Kim Dung. Cô Song Ngư, 65 tuổi, một trong những thành viên của CLB dân gian Quân Nhân cho biết: "Chiếu xẩm của các cô ở chợ không chỉ góp vui với người đi sắm Tết, đi chơi Tết mà quan trọng là muốn lưu giữ lại những văn hóa truyền thống của cha ông, để các cháu nhỏ khi đi chợ Tết cùng với ông bà, cha mẹ hiểu được rằng chợ quê có xẩm, có các loại hình hát dân gian khác".
Ngoài nhóm Xẩm của cô Song Thu, chợ 27 cũng là dịp để các ông Đồ "mang mực tàu giày đỏ" để cho chữ, cầu may, mang hạnh phúc tới mọi nhà khi một năm cũ chuẩn bị qua đi.