Chân dung người gìn giữ dòng tranh Hàng Trống
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 07:32, 14/01/2018
Sau buổi triển lãm đầu tiên về Tranh Hàng Trống với tên gọi “Những điều xưa cũ mới mẻ”, tôi tìm gặp người sáng lập cũng là Trưởng dự án này. Chị là Trịnh Thu Trang, giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, tác giả của cuốn sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống chuẩn bị ra mắt.
Đường đến với tranh Hàng Trống
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Trang yêu mến và thấy gần gũi với những giá trị văn hóa truyền thống, tử tế của một Hà Nội xưa cũ đã bị mai một rất nhiều, thậm chí mất hẳn. Trong đó có tranh Hàng Trống, dòng tranh đặc trưng của thị dân Hà thành xưa song nguy cơ thất truyền rất cao do nhu cầu hưởng thụ văn hóa, đời sống tâm linh đã thay đổi quá nhiều.
Trịnh Thu Trang và nhóm nghiên cứu
Hành trình tìm về tranh Hàng Trống để hiểu sâu hơn về dòng tranh đặc biệt này, tìm cách lưu giữ những giá trị tốt đẹp xưa của Trang bắt đầu từ một tình cờ gặp gỡ nghệ nhân tranh Hàng Trống cuối cùng Lê Đình Nghiên. Trong quá trình thực hiện dự án, Trang gần như ngày nào cũng ở nhà người nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống. Vốn là người không thích ồn ào, nghệ nhân Lê Đình Nghiên lúc nào cũng tập trung thời gian và tâm huyết cho "những đứa con tinh thần". Trịnh Thu Trang kể: "Bác Nghiên không thích những nơi đông đúc, ồn ào, bác chỉ muốn dành thời gian thật nhiều cho tranh. Chỉ những ai thật sự yêu tranh, mê tranh, mê nghệ thuật,..bác sẽ nói say sưa. Chứ đông người, nhiều người quá, bác không muốn xuất hiện...".
Nhớ lại lần đầu tiên được nhìn thấy tranh Hàng Trống, Thu Trang kể: “Lần đầu tiên được nhìn thấy những bức tranh thờ, tranh tết Hàng Trống thật ở khổ lớn - có bức lên tới 1,5m - với màu sắc nổi bật, đứng trước tranh như đứng trước một thế giới của màu sắc, tôi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ ấy. Nghệ nhân xưa tạo hình rất táo bạo, sử dụng tất cả các màu tương phản rất mạnh, xanh, vàng, đỏ kết hợp với nhau tạo nên tính thẩm mỹ, màu sắc hấp dẫn”.
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê và Trịnh Thu Trang tại nhà bác vào một buổi sáng tháng 11.
Bên cạnh đó, Trịnh Thu Trang còn may mắn gặp được hoạ sỹ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Phan Ngọc Khuê. Trang cho biết: "Bác Khuê là người cố vấn chuyên môn cho Họa Sắc Việt trong quá trình S River thực hiện dự án và làm sách nên thường xuyên bị nhóm “làm phiền” trong thời gian bác rảnh rỗi. Mặc dù vậy nhưng “người thầy” ngoài 80 tuổi này chưa một lần khó chịu, mà ngược lại, mỗi câu hỏi, mỗi thắc mắc của nhóm, bác đều giải đáp hết sức tận tình, tỉ mỉ và sâu sắc. Nếu được một lần gặp nhà mỹ thuật đã dành cả đời say mê nghiên cứu về tranh dân gian Hàng Trống này, chắc chắn bạn cũng sẽ bị cuốn hút và say mê bởi cách bác kể chuyện nghề - tâm huyết và uyên thâm; cách bác chia sẻ với các dự án của người trẻ - tha thiết và nhiều hy vọng.
Màu sắc trong tranh Hàng Trống có những nét riêng rất đặc thù so với các dòng tranh dân gian khác. Có lẽ do được vẽ tay nên màu sắc trong tranh Hàng Trống cũng rực rỡ, phóng khoáng hơn dù chỉ có sáu màu cơ bản. Ngoài những màu làm từ tự nhiên, nghệ nhân còn sáng tạo màu mới bằng phẩm màu.
Hai màu đặc trưng của tranh Hàng Trống chính là xanh da trời và hồng điều. Màu phẩm đó đã làm nên một thần thái riêng. Các màu tươi khác như đỏ, cam, vàng thư, xanh lá cây… cũng được vận dụng, kết hợp tài tình với hệ thống nét đen của màu tự nhiên lấy từ than lá tre ủ kỹ, khiến cho các tác phẩm tranh Hàng Trống vô cùng rực rỡ cuốn hút nhưng cũng không kém phần tao nhã, tinh tế.
Ban đầu, Trang dành dụm tiền để đặt tranh. Bộ Tố Nữ chính là tranh Tết đầu tiên cô được tiếp cận và cảm thấy quý trọng trước ý nghĩa sâu xa mà gần gũi. Không chỉ đơn giản là bốn cô gái với nhạc cụ trên tay, bộ tranh còn gửi tới người thưởng thức những thông điệp đặc biệt khác.
Theo nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê, bộ Tố Nữ xuất phát từ tục thờ cúng của người Việt như hát chèo, hát cửa đình để dâng những âm thanh đẹp đẽ lên thần thánh. Còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên lại nói về bộ Tố Nữ một cách giản dị mà vô cùng ấm áp. Những âm thanh không chỉ là tiếng đàn, tiếng phách mà còn là những âm thanh vui vẻ trong mỗi gia đình: Tiếng cười con trẻ, tiếng lanh canh dọn mâm cơm, tiếng vợ chồng trò chuyện… Bộ tranh là lời chúc Tết của nghệ nhân gửi tới mọi gia đình: Năm mới hạnh phúc tràn đầy “tiếng vui”…
Khi đã đặt mua một số lượng tranh nhất định, Thu Trang xin tài trợ địa điểm để tổ chức 2 triển lãm nhỏ, kết hợp dạy trẻ em vẽ tranh Hàng Trống. Cô cẩn thận mời nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê tới thuyết giảng cho khách tham quan cái hay - cái đẹp – cái khác biệt của tranh dân gian Hàng Trống; phân tích ý nghĩa một số tranh thờ - tranh tết tiêu biểu; giới thiệu các công đoạn vẽ tranh cơ bản…
Thật bất ngờ, đại đa số khách tham quan là người trẻ (khi giới thiệu dự án trên fanpage Họa Sắc Việt vào năm 2017, tỷ lệ độ tuổi người quan tâm như sau: Khoảng 50% từ 18 - 24 tuổi, 10% từ người 25 - 34 tuổi…). Một số khách trẻ sau khi đã hiểu biết về tranh Hàng Trống đã tới nhà nghệ nhân đặt mua tranh...
Số hóa họa tiết, bảng màu để ứng dụng vào thiết kế đồ họa, nội thất, thủ công mỹ nghệ, thời trang
Dần dần, dưới con mắt của người thiết kế, Trịnh Thu Trang nhận ra tiềm năng ứng dụng rất lớn vào thiết kế đồ họa của tranh Hàng Trống nói riêng (và mỹ thuật dân gian Việt Nam nói chung) qua việc sưu tầm, phân tích, hệ thống thành một nguồn họa tiết và màu sắc phong phú dành cho giới thiết kế và mỹ thuật. Các sản phẩm thiết kế sẽ mang nghệ thuật truyền thống đến với mọi người ở mọi lứa tuổi và ngành nghề.
Trong bối cảnh ngành thiết kế của nước ta đang thiếu những nguyên liệu truyền thống mang bản sắc Việt Nam. Vì thế, Trang quyết định đúc kết các ý tưởng trên thành một cuốn sách, với mục đích tạo một kho nguyên liệu cung cấp mẫu hoạ tiết ứng dụng cho mỹ thuật và thiết kế hiện đại, với hy vọng lan tỏa đến người đọc – nhất là các bạn trẻ.
Năm 2017, Trang quyết định thành lập nhóm S River quy tụ các thành viên trẻ (nhiều bạn mới ngoài 20 tuổi) có cùng cảm hứng để cùng biên soạn quyển Họa Sắc Việt với hy vọng dần dần xây dựng bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các họa tiết và màu sắc dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại. Tranh Hàng Trống là dòng tranh đầu tiên mà Trang và cộng sự nghiên cứu.
“Từ dự án số hóa những họa tiết, bảng màu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống để sáng tạo thành thiết kế đồ họa đương đại mang yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam, tôi hy vọng có thể truyền cảm hứng cho người trẻ để họ có thể bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian Việt Nam – một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng.
Mỗi người chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy. Nếu như chúng ta cảm thấy lĩnh vực nào của Việt Nam chưa sánh được với quốc tế, ta hãy đi tìm xem mình có bỏ sót điều gì không? Nếu thực sự không có gì như ta mong đợi thì chúng ta hãy bắt đầu khơi dòng và khởi tạo. Đó là tinh thần của S River, và cũng là điều chúng tôi muốn gửi tới các bạn trẻ”, cô bày tỏ.
Nhóm sinh viên thiết kế tái hiện tranh Hàng Trống theo những cách vui tươi, mới lạ.
Cụ thể hơn, dự án là một cách tiếp cận mới về việc duy trì, bảo tồn những giá trị truyền thống. S River không cố gắng bê nguyên chúng đặt vào thực tại, không cố níu kéo những điều thuộc về lịch sử mà chắt lọc những chất liệu dân gian có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc hiện tại của những người thiết kế đồ họa, những nhà thiết kế thời trang, nội thất hay giới nghệ thuật khác. Đó là cách S River thực hiện với mong muốn những giá trị dân gian xưa “sống lại”, ở bất cứ đâu trong đời sống đều có thể dễ dàng bắt gặp.
Mục tiêu của dự án là mang sản phẩm đồ họa lấy cảm hứng từ dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng. Các dữ liệu sẽ được số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ.
“Tôi mong muốn giá trị thẩm mỹ, yếu tố tinh thần của tranh Hàng Trống sẽ đi vào đời sống của người dân và có sức sống, tính cuốn hút của riêng mình. Và trong thời đại của công nghiệp và công nghệ số tranh dân gian cần được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện tại.
Chúng tôi lựa chọn một vài chi tiết, họa tiết, hình ảnh, bảng màu ưng ý từ một hoặc vài ba bức tranh rồi sáng tạo, tưởng tượng, sắp xếp, phối trộn chúng trở thành giá trị thẩm mỹ mới, đặt trong bối cảnh mới, mang sứ mệnh mới và có khả năng ứng dụng vào thiết kế. Song tôi luôn khẳng định, tất cả những sản phẩm mới kia đều có nguồn gốc từ tranh dân gian Hàng Trống.
Từ đó, tôi mong muốn sản phẩm đồ họa đó góp phần quảng bá trở lại cho dòng tranh Hàng Trống như là một cách bảo tồn dòng tranh của thị dân Hà thành xưa và Hà Nội ngày nay”, Thu Trang nhấn mạnh.
Tranh Hàng Trống là một trong những dòng tranh dân gian tiêu biểu của Việt Nam, đồng thời cũng được xem là dòng tranh đại diện cho mảnh đất Thăng Long kết tinh nhiều giá trị thẩm mĩ, tinh thần và tín ngưỡng của người Kinh kỳ xưa. Hàng Trống xưa kia thuộc đất cũ của thôn Tự Tháp, tổng Tiền Túc (sau đổi thành Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Phố Hàng Trống nằm kề các phố Hàng Nón, Hàng Hòm, Hàng Quạt... là nơi chuyên sản xuất cả đồ thủ công mỹ nghệ nhất là đồ thờ như: tranh thờ, trống, quạt, lọng, cờ... Dòng tranh này hiện nay gần như đã bị mai một hết, chỉ còn lưu giữ trong các viện bảo tàng. Chính vì vậy, những nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống giảm hẳn. Hiện, chỉ còn duy nhất nghệ nhân Lê Đình Nghiên còn gắn bó với nghệ thuật tranh Hàng Trống và những nét tinh hoa của dòng tranh |