“Gìn giữ giá trị truyền thống theo cách mới, chứ không hoài cổ”
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 15:33, 10/01/2018
Sáng 10/1/2018, Trịnh Thu Trang, Giảng viên Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, Trưởng dự án Họa Sắc Việt, tác giả cuốn sách "Họa Sắc Việt từ tranh Hàng Trống” và người sáng lập nhóm S River ra mắt Triển lãm tranh hàng Trống- Những điều xưa cũ mới mẻ, “đứa con tinh thần” sau 7 năm ròng rã miệt mài, kiên trì thực hiện. Chị cùng với 9 thành viên nữa, đa số là sinh viên của mình đã bỏ công sức ra sưu tập và tìm hiểu về tranh Hàng Trống, bắt đầu từ năm 2013. Theo chia sẻ của Trang, hiện chị sở hữu bộ sưu tập gần 70 bức tranh Hàng Trống, những bức tranh còn lại của dòng tranh có lịch sử lâu đời của Hà Nội và gắn liền với những giá trị văn hóa truyền thống của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trịnh Thu Trang (ngoài cùng bên phải), Nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê và các thành viên của S River
Được biết, Trịnh Thu Trang đã tổ chức 2 triển lãm về Tranh Hàng Trống vào năm 2014 và 2015 dưới sự chỉ dẫn và bảo trợ chuyên môn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên và nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê. Hai triển lãm đều nhận được sự ủng hộ của đông đảo nghệ sĩ trong ngành công nghiệp sáng tạo. Và lần này, Trang lại tiếp tục ra mắt một triển lãm về tranh Hàng Trống với “đứa con tinh thần” nữa là bộ sách Họa sắc Việt nhìn từ tranh Hàng Trống.
Không giấu được niềm hạnh phúc, Trịnh Thu Trang bảo khó có thể nói hết được niềm vui, niềm hạnh phúc khi bộ sách Họa sắc Việt nhìn từ tranh Hàng Trống ra đời, cùng với triển lãm mang tên Những điều xư cũ. Và Trang cũng cho biết, khó có thể nói một cách cụ thể và chi tiết về tổng số kinh phí mà cả chị và các thành viên đã bỏ vào “đứa con tinh thần” này. “Thật sự là rất khó nói, vì đó công sức mà suốt 7 năm qua, từ năm 2013 cho đến bây giờ tôi cùng với các thành viên của mình thực hiện. Nhưng chắc chắn đó là một con số không hề nhỏ. Gần 1 năm nay, tôi cũng đã nghỉ hẳn công việc để tập trung thực hiện dự án. Nhưng cũng may, nhiều bạn biết đến dự án, biết đến cuốn sách của chúng tôi đã thực sự yêu thích và đã đặt mua trước, nên chúng tôi có một khoản kinh phí trước để tiếp tục thực hiện các công đoạn của dự án của mình”- Trịnh Thu Trang chia sẻ.
Trịnh Thu Trang dành 7 năm để nghiên cứu, sưu tập tranh Hàng Trống
Trịnh Thu Trang nói rằng, mong muốn lớn nhất khi thực hiện dự án này là giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống của ông cha từ những bức tranh Hàng Trống theo một cách mới, chứ không dừng lại ở việc hoài cổ, thương nhớ những giá trị cổ xưa mà phải làm cho nó thực sự sống trong cuộc sống hiện đại, trong mỗi con người.
“Từ những họa tiết, màu sắc mà các nghệ nhân xưa sử dụng, chúng tôi đã phối lại để tạo một sản phẩm mới của riêng mình, chúng tôi đã phân tích từng mảng màu, cách phối màu của các nghệ nhân, phân tích tài liệu tìm được để có những sản phẩm mới, đây cũng là cách để các bạn trẻ tiếp cận một cách dễ dàng hơn, có hứng thú hơn với những cái gọi là giá trị cổ xưa theo cái mới.
Bản thân là một giảng viên Đại học trường ĐH Kiến trúc Hà Nội, nên tôi luôn đặt vấn đề giáo dục, hướng về những giá trị văn hóa truyền thống, thu hút các bạn trẻ. Và nhóm dự án của chị trong số khoảng 10 người thì tới 6 thành viên là sinh viên, 4 sinh viên trường ĐH Kiến trúc và 2 sinh viên của trường Mỹ thuật Hà Nội”- Trịnh Thu Trang cho biết.
Bức Tranh "Hổ Tướng"
Theo Trịnh Thu Trang, các bạn sinh viên tham gia vào dự án của mình vô cùng hào hứng, thích thú. Khi thực hiện, với vốn kiến thức hơn 10 năm trong ngành, chị Trang đã truyền tải tới các sinh viên của mình, các thành viên trong nhóm; ngược lại, chị cũng nhận được những chia sẻ của các bạn sinh viên, những góc nhìn mới của các bạn về dòng tranh Hàng Trống. Như thế, cả thầy và trò đều cùng bổ sung, hỗ trợ cho nhau khi tiến hành làm mới lại dòng tranh Hàng trống vốn còn số lượng rất ít như bây giờ. Mỗi thành viên lại có cách tiếp cận riêng…
Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Trịnh Thu Trang thì cái khó nhất chính là quá trình sưu tập, tìm kiếm tư liệu. Chị đã phải mất rất nhiều thời gian để tìm kiếm, thu thập tư liệu mới có vì dòng tranh này còn rất ít,thậm chí có những nguồn tư liệu rất khó mua. Để khắc phục khó khăn, theo chị Trang cho biết thì không có cách nào khác là phải kiên trì tìm tòi, sưu tập nguồn tư liệu, nguồn tranh còn lại. Việc tìm kiếm này chiếm tới gần như toàn bộ thời gian thực hiện, trong khoảng 4-5 năm. Vì khi có được những tư liệu quý, chị cùng với các thành viên chỉ việc bắt tay vào làm ngay.
Bên cạnh đó, Trịnh Thu Trang cho biết: “ Trong quá trình tìm hiểu về họa tiết của dòng tranh hàng trống, tôi thấy ở trên mạng ra rất nhiều tư liệu về họa tiết của Trung Quốc, Nhật Bản, và nhiều quốc gia khác…mà không có ở Việt Nam. Vì thế tôi càng quyết tâm hơn để cho ra mắt cuốn sách Họa sắc Việt để đưa mọi người có thể tiếp cận được với những họa tiết truyền thống của người Việt Nam, thể hiện cuộc sống của người Việt”.
Còn khi hỏi về kinh phí để thực hiện dự án này, chị Trang bảo rằng để nói một con số cụ thể rất là khó, nhưng đó là công sức của cả nhóm trong vòng 6-7 năm vừa qua.
Được biết, cuốn sách Họa sắc Việt nhìn từ tranh Hàng Trống của nhóm Trịnh Thu Trang hướng tới các nhà thiết kế, là những người đã tạo ra nhiều sản phẩm cho các đối tượng khác nhau, cà trẻ em và người lớn. Chị Trang cho biết, trong tương lai nhóm sẽ làm những sản phầm dành riêng cho trẻ em. Được biết, những họa tiết trong dự án này có tính ứng dụng cao, thể sử dụng và trang trí cho các sản phẩm bao bì như túi xách, khăn quàng,…Hiện nhóm đã chạy thử nghiệm hai sản phẩm mới là hộp mứt Tết và bánh gạo.
Bức tranh Cá chép trông trăng tại buổi triển lãm
Bức tranh Tố nữ
Về sản sản phẩm bánh gạo vị Việt, nhóm thiết kế của S River sử dụng những họa tiết trong bức “Canh nông vi bản” của tranh Hàng Trống để đưa lên bao bì của sản phẩm. Những họa tiết và màu sắc tươi vui của một vụ mùa rộn ràng: người nông dân, con trâu, cái cày, gánh lúa… góp phần giới thiệu những giá trị tinh thần và giá trị văn hóa thuần Việt đến bạn bè quốc tế. Còn hộp mứt Tết, sản phẩm này sử dụng họa tiết nụ hoa trong bức Con nai (tranh Tết) kết hợp với họa tiết mây và búp lá non trong bức Hương chủ (tranh thờ) của tranh Hàng Trống. Những họa tiết được lấy cảm hứng từ mùa xuân với hoa lá đâm chồi nảy lộc để tạo nên một màu sắc, diện mạo mới mẻ cho hộp mứt Tết truyền thống.
“Nhiều bạn khi mới biết đến dự án của chúng tôi thường thắc mắc tại sao nhóm lại lựa chọn tranh Hàng Trống, trong khi nghệ thuật truyền thống Việt Nam còn rất nhiều dòng tranh khác như tranh Đông Hồ, tranh Kim Hoàng…
Câu trả lời của chúng tôi, chắc có thể gói trong một chữ "duyên". Với cái duyên cá nhân giữa tôi và dòng tranh Hàng Trống, nhóm S River được hình thành, các thành viên cùng đi theo nguồn cảm hứng đó và bắt đầu tìm hiểu về dòng tranh dân gian này. Chúng tôi chọn cái tên "Hoạ Sắc Việt" với hy vọng sẽ tạo nên một bộ sách chuyên về nghiên cứu và ứng dụng các hoạ tiết và màu sắc của văn hoá dân gian Việt Nam vào mỹ thuật ứng dụng đương đại của nước nhà. Tranh Hàng Trống là đối tượng đầu tiên nhóm mình lựa chọn để nghiên cứu.
Không gian triển lãm tranh dân gian Hàng Trống “Những điều xưa cũ mới mẻ” . Được biết, triển lãm này kéo dài từ 10 – 25/1/2018 tại Hà Nội