Nhọc nhằn quá trình lưu giữ mộc bản- hiện vật lưu giữ quá khứ
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:40, 21/12/2017
Tối qua (20/12), trong buổi trò chuyện của nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Hưng với chủ đề: “Mộc bản – Hiện vật lưu giữ quá khứ”, nhiều người không khỏi giật mình trước sự tồn tại “thoi thóp” của mộc bản, một trong những hiện vật, hay có thể gọi là nhân chứng lịch sử hàng nghìn năm nay.
Theo đánh giá của Nguyễn Đình Hưng, mộc bản có giá trị hiện vật, là bằng chứng cho công nghệ in ấn của người Việt xưa, tư liệu hiện vật để nghiên cứu hoạt động xuất bản và truyền bá trí thức.Về mặt giá trị thông tin, mộc bản giúp mọi người bổ sung các thông tin còn thiếu trong các kho sách. Bên cạnh đó, mộc bản còn có giá trị về văn tự, thư pháp, cung cấp hình ảnh về bút tích của người viết chữ, các mẫu tự dạng chữ Nôm mộc bản Vĩnh Nghiêm đã được chọn làm mẫu cho tạo font Nom Na Tong theo tiêu chuẩn ISO.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng tại buổi trò chuyện
Ở phần đầu buổi trò chuyện, nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đinh Hưng giải thích: “Mộc bản là những tấm gỗ khắc chữ ngược, được sử dụng làm khuôn in sách vở ở khu vực Đông Á nói chung và Việt Nam nói riêng khi công nghệ in ấn của phương Tây chưa được du nhập vào”. Những cuốn sách, tài liệu, văn thơ của các nho sĩ xưa, hay ngay cả những bức tranh Đông Hồ nổi tiếng cũng được in trên các ván gỗ hay còn gọi là các mộc bản này. Chưa biết chính xác thời gian xuất hiện mộc bản đầu tiên, nhưng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng thì nó bắt đầu từ thời Lý cho đến năm 1951, nghĩa là đã trải qua hàng nghìn năm lịch sử.
Trong quá trình tìm hiểu, thu thập các mộc bản còn lại, Nguyễn Đình Hưng rút ra quy trình để chế tạo mộc bản gồm 12 bước như sau. Đầu tiên là lựa chọn gỗ để làm mộc bản. Ở công đoạn này, người thợ sẽ lựa chọn những loại gỗ nhiều thịt, gỗ vàng tâm, gỗ thừng mực (hay còn gọi là lồng mực). Loại gỗ này sẽ giúp người thợ có thể dễ dàng khắc chữ hay bức tranh, hơn nữa nó cũng giúp việc lưu giữ các mộc bản được lâu hơn.
Khi đã có gỗ ưng ý, người thợ bắt đầu xẻ thành từng miếng ván, nhưng phải xẻ ngang thớ, rồi mang đi ngâm tẩm trong một thời gian khá dài, rồi vớt lên, hong khô. Sau đâu đó, họ mới bắt đầu xử lý miếng ván này, đầu tiên là công đoạn tạo mặt phẳng cho miếng ván như một tờ giấy. Công đoạn nẹp ván theo Nguyễn Đình Hưng là công đoạn quan trọng nhất trong quá trình làm mộc bản. Người thợ phải nẹp hai bên mép ván để giữ cho ván hạn chế bị cong vênh. Có thể nẹp bằng tre và theo logic thì người thợ thực hiện công đoạn này trước khi in hay khắc chữ. Tiếp theo là chuẩn bị giấy, ở Việt Nam chủ yếu là sử dụng giấy dó, loại giấy mỏng, dai và bền. Còn phần chuẩn bị mực, do chi phí để mua mực Tàu khá đắt nên người thợ Việt có thể thay thế bằng than củi, rơm….
Công đoạn nẹp tre trong quá trình làm mộc bản
Công đoạn tiếp theo là viết chữ, đây cũng là một công đoạn quan trọng. Ở công đoạn này, không phải người thợ khắc ván nào cũng có thể khắc chữ được lên tấm ván. Trong khi đó thợ viết chữ giỏi rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo tài liệu nghiên cứu của Nguyễn Đình Hưng, nhóm thợ Hồng Lục- Liễu Tràng ở Hải Dương là những người thợ khắc mộc bản trên cả nước. Có những bộ sách, người thợ viết chữ phải làm cả năm trời. Có nhiều nhà in, việc khắc chữ do mỗi người thợ làm vì thế mà trong quá trình in sẽ có nhiều dị bản khác nhau, chẳng hạn như Truyện Kiều của Nguyên Du vì thế mà có nhiều dị bản khác nhau.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng thực hiện công đoạn dán giấy, in chữ lên giấy
Sau khi người thợ khắc chữ hoàn thiện sẽ đến hai công đoạn dán giấy lên ván và khắc ván. Công đoạn cuối cùng là điều bản, đây là bước mà người thợ kiểm tra lại toàn bộ chữ đã khắc. Khi ván in có chữ bị sai, thợ khắc có thể đục bỏ những chỗ sai đó và khắc chữ mới lắp vào.
Theo nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Hưng, ở Việt Nam, mộc bản có thể mang văn tự Hán, Nôm, hoặc Quốc ngữ; và vẫn được chế tạo, sử dụng cho tới giữa thế kỉ 20. Hiện nay, trên cả nước có khoảng 50.000 mộc bản với 350 nhà in, chủ yếu ở Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang), chùa Từ Đàm (Huế), Viện nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Đà Lạt), trường học Phúc Giang, Phủ Tuy Lý Vương (Bào tàng Cung đình Huế).
Trong đó, đáng chú ý là kho mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng, Bắc Giang. Bộ mộc bản này có niên đại khoảng 700 năm, gồm 3.050 bản với 34 đầu sách chứa đựng những giá trị to lớn về ngôn ngữ, văn học, y học, phong thủy và thẩm mỹ học do những người thợ tài hoa và am hiểu sâu sắc về văn hóa chế tác.
Kho mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Bắc Giang. Ảnh: Báo Lao động
Trải qua nhiều biến cố, đến nay bộ Mộc bản vẫn được bảo toàn nguyên vẹn. Năm 2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận kho mộc bản tại chùa là Di sản Tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mới đây, ngày 17/12, UBND huyện Yên Dũng phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh Bắc Giang tổ chức khánh thành nhà lưu giữ và trưng bày Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mộc bản triều Nguyễn là di sản tư liệu thế giới đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận ngày 31 tháng 7 năm 2009, gồm 34.618 tấm, là những văn bản chữ Hán - Nôm được khắc ngược trên gỗ để in ra các sách tại Việt Nam vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Dưới triều Nguyễn, do nhu cầu phổ biến rộng rãi các chuẩn mực của xã hội, các điều luật bắt buộc thần dân phải tuân theo, để lưu truyền công danh sự nghiệp của các vua chúa, các sự kiện lịch sử..., triều đình đã cho khắc nhiều bộ sách sử và các tác phẩm văn chương để ban cấp cho các nơi. Quá trình hoạt động đó đã sản sinh ra một loại hình tài liệu đặc biệt, đó là mộc bản.
Mộc bản Triều Nguyễn
Khi công nghệ in ấn thay đổi, và các văn tự khối vuông (chữ Hán, chữ Nôm) mất đi vị trí chính thức trong xã hội Việt Nam, mộc bản không còn được sử dụng, nằm im lặng trong các thư viện, nhà kho trong chùa, nằm ở các di tích rải rác khắp nơi. Từ chỗ chỉ là một khuôn in, chúng trở thành một hiện vật lưu giữ quá khứ. Chịu sự tàn phá của thời tiết, mối mọt cũng như tác động của con người, mộc bản dần dần hỏng nát và biến mất kéo theo việc một phần thông tin, tri thức bị xóa đi dấu vết. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng kể lại, vì không còn được sử dụng nữa nên có những mộc bản còn được đem ra để đóng cửa sổ, đóng bàn, thậm chí còn bị mang ra chẻ củi.
Mặc dù xót lắm, tiếc của nhưng Nguyễn Đình Hưng cũng phải ngậm ngùi khi nhìn những hiện vật lưu giữ quá khứ ngày mai một đi. Bởi theo anh, số người nghiên cứu Hán Nôm đếm trên đầu ngón tay. Mỗi năm, có khoảng 30 người theo học Hán Nôm, nhưng chỉ có ít người trong số đó theo được nghề. Bởi thế, các mộc bản nằm rải rác trên các di tích, các ngôi chùa trên cả nước không còn được nhiều người biết đến, hoặc không còn được sử dụng nữa mà chỉ có những nhà nghiên cứu như Nguyễn Đình Hưng mới nhận thức được hết những giá trị thực sự của nó. Trước câu hỏi của nhiều người về việc gìn giữ các mộc bản hiện nay đang ở mức báo động, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng cũng báo một tin vui rằng nhóm nghiên cứu Hán Nôm đang cố gắng phục dựng lại để có thể công bố bộ mộc bản hoàn chỉnh tới mọi người.
Đôi nét về nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Hưng: Nguyễn Đình Hưng tốt nghiệp Đại học ngành Hán Nôm ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn năm 2015, sau đó công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm. Dựa trên những tư liệu Hán Nôm còn lưu giữ được và thông tin từ những chuyến điền dã, những nghiên cứu của Nguyễn Đình Hưng tập trung vào lĩnh vực phật giáo và tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam. Dựa trên những tư liệu Hán - Nôm còn lưu giữ được và thông tin từ những chuyến điền dã, những nghiên cứu của Nguyễn Đình Hưng tập trung vào lĩnh vực Phật giáo và tín ngưỡng truyền thống của Việt Nam. Một số nghiên cứu nổi bật mà anh đã thực hiện gồm Tác phẩm Phật giáo Trung Quốc Hương Sơn bảo quyển từ tiếp cận tư liệu Hán - Nôm Sự tiếp xúc của Phật giáo miền Bắc Việt Nam với tam tạng kinh Nhật Bản đầu thế kỷ XX; Nghiên cứu phiên dịch Hán - Nôm tài liệu Phật giáo qua đối chiếu hai bản dịch Uy nghi thành thơ lục bát; Nghiên cứu hiện tượng đa hành văn tự ở bản in Phật giáo trong phong trào Chấn hưng Phật giáo miền Bắc Việt Nam (1924 - 1954)... |