Thu Vọng Nguyệt khép lại, chuyện quảng bá văn hóa Hà Nội mở ra
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 11:22, 02/10/2017
Ngay sau đêm thứ 3 với chủ đề Thu Tuổi Thơ và cũng là đêm cuối cùng trong chuỗi sự kiện văn hóa Thu Vọng Nguyệt diễn ra với màn thắp sáng 500 chiếc đèn trung thu của hàng trăm em nhỏ và gia đình, nhạc sĩ Quốc Trung nhanh chóng viết trên trang cá nhân rằng “Ba đêm đã qua, cảm ơn những người đã vất vả để bắt đầu một lễ hội cho Hà Nội và cho các cháu. Cảm ơn đơn vị tổ chức đã cho mình được tham gia”.
Khung cảnh nhộn nhịp trong lễ thắp đèn và rước đèn ông sao
Những dòng “biết ơn” đó cho thấy nhà sáng lập Monsoon Music Festival đã nhìn ra tương lai của Thu Vọng Nguyệt. Theo đó, sự kiện văn hóa lần đầu tiên diễn ra vào dịp trung thu này hoàn toàn có khả năng nhân rộng, trở thành lễ hội thường niên ở không gian đắc địa nhất của Hà Nội.
Với thành công của Thu vọng nguyệt, ít ai biết rằng ba đêm lễ hội công phu, hoành tráng có khởi nguồn từ một sự kiện khiêm tốn hơn do Quán Ăn Ngon tổ chức để tri ân khách hàng mỗi dịp rằm tháng tám. Với tình yêu văn hóa Hà Nội và có tiếng về lưu giữ giá trị truyền thống qua ẩm thực, bà chủ Phạm Thị Bích Hạnh đưa ra sáng kiến nâng tầm sự kiện nhỏ diễn ra tại một trong những địa điểm của Quán Ăn Ngon tại phố Phan Đình Phùng trở thành lễ hội chào đón hàng vạn lượt người dân vui chơi, thưởng lãm.
Như “quý vật tìm quý nhân”, ý tưởng lưu giữ, khơi dậy ký ức về những giá trị trung thu truyền thống tốt đẹp trong sự đan xen với những giá trị mới, hiện đại; đồng thời tạo không gian đoàn viên, hạnh ngộ, gắn kết gia đình được đạo điễn Phạm Hoàng Nam, nhạc sĩ Quốc Trung, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhiều tên tuổi khác mau chóng hưởng ứng.
Một ê kíp “thiện chiến” hình thành, cùng nhau thắp lên một vầng trăng mới mang tên Thu vọng nguyệt tại khuôn viên đậm tính lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Kết quả, vầng trăng ấy đã “sáng”, được không chỉ công chúng hân hoan thưởng lãm, mà còn có nhiều nhà văn hóa, nghệ sĩ xuýt xoa khen ngợi.
Một khán giả lớn tuổi cho biết, cô cảm thấy xúc động trào dâng khi được nhớ lại cảm giác: “Tết trung thu rước đèn đi chơi” khi thấy hàng trăm đèn ông sao được thắp sáng.
Ba đêm Thu vọng nguyệt gồm Thu tinh hoa (29/9), Thu hội ngộ (30/9) và Thu tuổi thơ (1/10) diễn ra trong tiết trời Hà Nội chiều lòng người. Cùng ánh trăng chiếu dọi từ trên cao, ở cả ba ngày, nơi sân khấu trình diễn còn có “ông trăng” lớn nhô lên từ mái vòm sân Thái Học. Tô điểm cho trăng trên trời – trăng dưới đất là muôn trùng đèn lồng, hoa đăng, sắp đặt ánh sáng được khán giả miêu tả là “rực rỡ, lung linh mà vẫn huyền ảo, tinh tế”.
Không gian lộng lẫy, cổ kính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở nên không thua gì cung vua, phủ chúa, đó chính là điểm cộng lớn của Thu vọng nguyệt. Dòng sông ánh sáng và những khoảng sắp đặt thị giác bắt mắt của Lê Thiết Cương không chỉ thỏa mãn nhu cầu ngắm nhìn, chụp ảnh của khách tham gia, mà còn khiến con đường một chiều băng qua Văn Miếu trở nên tấp nận, người dân qua lại không khỏi tò mò, thích thú.
Ước tính đã có hàng vạn người, từ trẻ mới sinh đến các cụ già đến với sự kiện, hòa vào không khí trung thu vừa truyền thống vừa hiện đại, cùng vui chơi, ngắm trăng và phá cố. Thu hút đông người tham dự nhất là khu tổ chức các trò chơi dân gian như nu na nu nống, ô ăn quan, kéo co, rồng rắn lên mây, nhảy bao bố, gánh thóc, bịt mắt đánh trống... Những hoạt động văn hóa dân gian tương tác với nghệ nhân như làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, nặn tò he, làm bánh trung thu cổ truyền, làm giỏ thiên nga bông hay giỏ thị... cũng được nhiều phụ huỳnh và em nhỏ quan tâm.
Hàng loạt tiết mục biểu diễn nghệ thuật với chèo, ca trù, ả đào kết hợp âm nhạc hiện đại ở đêm khai mạc; quan họ hòa phối với nhạc điện tử ở đêm thứ hai; những khúc hát tuổi thơ trong trẻo ở đêm thứ ba… được đánh giá tích cực cả về tính giải trí và nghệ thuật. Cùng với đó, những bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ thơ ca, hội họa và văn hóa truyền thống Hà Nội của các NTK Anh Thư, Đức Hùng, Hà Linh Thư khiến đêm trăng trở nên thanh khiết, ngọt ngào cùng hương vị của trà, bánh, trái cây trên bàn tiệc.
Đến với Thủ Vọng Nguyệt, trẻ nhỏ sẽ được trải nghiệm Tết trung thu truyền thống trong không gian giáo dục ngược dòng lịch sử mà ông bà cha mẹ đã từng.
Không chỉ có các phần trình diễn, ở Thu vọng nguyệt, thành viên nhiều thế hệ trong gia đình có dịp ngồi lại với nhau trong không gian mang tính ngược dòng lịch sử, tìm về ngày tết trung thu xưa qua hồi ức, tư liệu của nhà sử học Dương Trung Quốc, tiến sĩ Nguyễn Nhã, nhà phục dựng Trịnh Bách.
Một trong những khoảnh khắc xúc động nhất ở Thu Vọng Nguyệt là lúc màn hình lớn phát tư liệu hơn 100 năm trước về bức thư của cậu bé 13 tuổi trường Đông Kinh Nghĩa Thục viết gửi người bạn nghèo. Ngay sau đó, Thu vọng nguyệt mang tới một món quà gây bất ngờ với nhiều người có mặt, đó là toàn bộ số tiền bán vé hơn 1,3 tỷ đồng của ba đêm dành lập quỹ Tình yêu của mẹ. Quỹ ra đời với mục đích tiếp tục hỗ trợ về đời sống và học tập cho các em nhỏ có cảnh sống khó khăn đã trải qua phẫu thuật trong chương trình Hành trình Thiện Nhân do chị Mai Anh, mẹ bé Thiện Nhân đảm trách.
Toàn bộ số tiền bán vé trong 3 đêm Thu Vọng Nguyệt được trao cho người sáng lập Quỹ Thiện Nhân
Như thế, Thu vọng nguyệt đã không chỉ là phá cỗ trông trăng, tái dựng những nét đẹp của trung thu truyền thống mà còn mang tới mùa thu của sự kết nối, đoàn viên, sẻ chia, tương thân tương ái.
Có một chi tiết đáng nói nữa ở Thu vọng nguyệt, đó là dù đêm nào cũng “cháy vé”, cung vượt quá cầu; vậy mà từ trong đến ngoài Văn Miếu không hề xảy ra cảnh giẫm đạp, chen lấn xô đẩy như một số “lễ hội làm tội người dân” từng khiến người Hà Nội ngao ngán và “mang tiếng”.
Vậy nên điều mà nhạc sĩ Quốc Trung nhìn thấy trước về sự nối dài của Thu vọng nguyệt là còn là ở khả năng làm văn hóa của “mạnh thường quân” kiêm nhà tổ chức Quán Ăn Ngon. Như thế, tại sao Thu vọng nguyệt không có thêm một cái tên tiếng Anh, như một cách để giá trị của văn hóa truyền thống chạm đến trái tim, trở thành “điểm hẹn” của bạn bè, du khách quốc tế?