Câu chuyện cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam: "Cực chẳng đã chúng tôi mới phải kêu cứu"
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 06:23, 22/09/2017
Trong khi Bộ VHTT&DL vừa chính thức lên tiếng về những tranh cãi gần đây ở Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Trả lời báo chí sáng 21/9, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định quá trình cổ phần hóa tại VFS đang được thực hiện theo đúng quy trình và đến năm 2018 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, ông Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết, nếu quá trình này có sai sót thì chắc chắn sẽ có chế tài xử phạt.
Còn trong buổi làm việc chiều 21/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã đề nghị thanh tra lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa tại VFS và nhấn mạnh việc thanh tra này phải được minh bạch, công khai.
Trong khi đó, cũng trong sáng 21/9, Hội Điện ảnh Việt Nam cũng đã có buổi gặp gỡ với báo chí, có sự tham gia của các thế hệ nghệ sĩ đã thành danh từ cái nôi VFS như đạo diễn Quốc Trọng, đạo diễn-diễn viên Quốc Tuấn, NSND Thanh Vân, NSND Đoàn Dũng, NSƯT Hồng Ngát, Đạo diễn Xuân Sơn…
NSƯT Hồng Ngát tại buổi gặp gỡ báo chí sáng 21/9
Theo chia sẻ của Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam: “Không ai có thể làm ngơ với truyền thống 60 năm của Hãng phim truyện Việt Nam đang đứng trước nguy cơ thành con số không và bị xóa sổ. Cực chẳng đã, chúng tôi mới phải mất công sức kêu cứu”.
Được biết, Chi hội Điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam, Hội điện ảnh Việt Nam đã làm đơn kiến nghị gửi đi các Bộ ban ngành, gửi đến Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ. Đại diện của Hội điện ảnh Việt Nam cho biết, việc gửi đơn “kêu cứu” này chỉ để bảo vệ thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam, mong các cơ quan quản lý xem xét lại việc cổ phần hóa ở Hãng phim. Nhiều thế hệ nghệ sĩ có mặt trong buổi gặp gỡ này đều đồng tình rằng họ đều ủng hộ việc cổ phần hóa nhưng họ cần những người có sự hiểu biết nhất định về điện ảnh để có thể tiếp nối các thế hệ nghệ sĩ đi trước phát triển nền điện ảnh cho nước nhà.
Theo đại diện của Hội Điện ảnh Việt Nam, thương hiệu Hãng phim truyện Việt Nam phải được xác định dựa trên quá trình hơn nửa thế kỷ xây dựng và phát triển, chứ không phải kết quả kinh doanh thua lỗ trong ngắn hạn 5 năm. Sau 2 tháng cổ phần hóa, nhà đầu tư chiến lược đã thiếu minh bạch, không thực hiện 9 điều cam kết bằng văn bản và những hứa hẹn trước đó như: trả lương chậm và không đầy đủ, bố trí công việc không đúng năng lực và chuyên môn. Được biết, cách đây gần 10 năm, tập thể cán bộ, nghệ sĩ ở đây đã lập đề án Cổ phần hóa từng phần đơn vị điện ảnh nhà nước này.
Đạo diễn Quốc Tuấn
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ này, đạo diễn Quốc Tuấn lại một nữa rơi nước mắt khi nhắc đến VFS đứng trước nguy cơ có thể bị “xóa sổ”. Anh nói: “Đáng ra, việc Hãng phim cổ phần hóa phải là niềm vui vào tạo động lực cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Tuy nhiên, cuộc cổ phần hóa ở Hãng phim truyện Việt Nam lại mang đầy nước mắt, nỗi buồn và sự nhục nhã. Đó là cuộc cổ phần hóa dối trá, thiếu minh bạch".
Để chứng minh cho điều mình nói, đạo diễn Quốc Tuấn đã đưa ra nhiều dẫn chứng khẳng định những việc làm mập mờ của Ban lãnh đạo trong quá trình cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam. Một trong số điều mà anh chia sẻ, đó là việc không công khai về thời gian tổ chức, chọn nhà đầu tư quá gấp gáp khiến những đơn vị thực sự muốn phát triển nghệ thuật không có cơ hội.
Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, người đã gắn cả cuộc đời với VFS rưng rưng tại buổi họp báo. Ông cho biết, các nghệ sĩ nên có phương án, kế hoạch cụ thể chứ không thể chỉ kêu khóc như thế này.
Bên cạnh đó, việc 2 Phó giám đốc của Hãng phim là NSND Thanh Vân và NSND Lý Thái Dũng bị gạt ra khỏi Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa cũng là bằng chứng cho sự nhập nhèm trong khâu tổ chức nhân sự. Chính từ sự thiếu chuyên môn đã dẫn đến việc ban lãnh đạo định giá hơn 400 tác phẩm mà Hãng đang sở hữu không hề có giá trị. Đây là một sự xúc phạm nặng nề tới nhiều thế hệ nghệ sĩ đang làm việc và gắn bó với Hãng phim từ những ngày đầu thành lập.
Đáng nói nhất là việc định giá tất cả khối bất động sản mà hãng sở hữu chỉ vỏn vẹn 19,7 tỷ đồng cho miếng đất 5.000 m2 thuê giá ưu đãi nhà nước, ở vị trí đắc địa tại số 4 Thuỵ Khuê, 7.000 m2 ở Cổ Loa, 1.000m2 ở Hoàng Hoa Thám, 1.000m2 ở quận 1 TP.HCM…
NSND Thanh Vân cũng đã gửi đến báo chí bài viết mà anh hoàn thành vào một đêm muộn, trong đó có dẫn chứng về một số bất cập trong quá trình cổ phần hóa ở VFS.
NSND Thanh Vân chia sẻ những dẫn chứng về sự không minh bạch trong quá trình cổ phần hóa tại VFS
Đạo diễn Xuân Sơn nhấn mạnh thêm: “Tôi là một đạo diễn, những cái gì tôi có hôm nay từ nhà cửa, con cái, lương hưu, danh hiệu, giải thưởng… đều từ Hãng phim truyện Việt Nam. Mảnh đất ấy, ngôi nhà ấy đã cho tôi cuộc đời hôm nay. Tôi nhận thức sâu sắc triết lý và đạo lý đó. Tôi xin hỏi Ban lãnh đạo Hãng phim đâu, nếu đây là sự trốn tránh thì biểu hiện của sự “rước voi giày mả tổ”, “cõng rắn cắn gà nhà”.
Tôi đề nghị truy cứu trách nhiệm người ký cổ phần hoá của Hãng phim. Muốn đi nhẹ nói khẽ nhưng trong bi kịch này, tôi tự dưng phải lên giọng. Cách ông Nguyễn Thuỷ Nguyên - Chủ tịch HĐQT Tổng Cty Vận tải thuỷ nói tôi thấy chợ búa quá. Một người như thế làm sao đứng lên để phát triển điện ảnh, phát triển Hãng. Gọi anh Nguyễn Đức Việt là ăn trộm vì nhặt lại đạo cụ từ đống phế liệu, đồng nát...”.
Tự nhận là “người ngoại đạo”, nhà văn Chu Lai cũng có những chia sẻ tại buổi gặp gỡ này. Ông cũng thẳng thắn trải lòng: “Tôi là khách không mời nhưng vì hấp lực của những điều tâm huyết của các nghệ sỹ mà đến. Không ngờ, khán phòng nhỏ ấm cúng mà đẫm nước mắt. Những giọt nước mắt chân thành và bất lực. Biểu hiện một nỗi niềm điêu linh trước “con quái thú” tên là cổ phần hoá. Dòng chảy lịch sử Việt Nam, cổ phần hoá và tư nhân hóa là cứu cánh nhưng sử dụng sai thì thành cái gì đó ngược lại.
Nhà văn Chu Lai tới dự buổi họp báo tại Hội điện ảnh Việt Nam sáng 21/9
Số 4 Thuỵ Khuê (trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam hiện nay) đã được giới văn chương xem như Hội Nhà văn thứ 2. Số 4 Thuỵ Khuê đã đi vào số phận dân tộc, thâm trầm lịch sử non sông. Đó là hồn vía của một nền văn hóa, là giá tinh thần của sức mạnh dân tộc trong lúc nước sôi lửa bỏng.
Nếu tuyên bố không đến làm không có lương nghĩa là không hiểu gì về đặc thù của nghệ thuật. Có những đạo diễn, biên kịch lang thang dưới mưa, đi suốt đêm lóe lên ý tưởng thì ý tưởng đó là vô giá. Có câu lãnh đạo văn nghệ là không lãnh đạo gì. Đây là sự lao động âm thầm và cô đơn. Không phải lao động sủi bọt trên sông nước. Một lao động cao quý và một lao động cơ bắp, nội tâm và cơ học không đánh đồng được. Đấy là những con người đã tạc vào lịch sử non sông.
Đây không phải địa chỉ bình thường mà thay mặt cho đạo lý dân tộc, chuyển hóa tất cả sinh tử sống còn của một thời kỳ ác liệt thành sức mạnh và giá trị tinh thần. Tôi là lính đặc công, trước khi vào trận nghĩ đến chị Trà Giang, Minh Đức…sức mạnh tinh thần có ý nghĩa ghê gớm. Rồi tất cả sẽ qua đi, năm tháng sẽ qua đi, các cuộc cách mạng sẽ im ắng dần, chiến tranh thôi gào thét, chỉ còn lại văn hóa và tình em tình người là trường tồn.
Có thể nói các vị Tổng Cty Vận tải thuỷ đang nhá nhem giữa tối và sáng, phức hợp của nồi lẩu tư duy trong đầu, giữa thực dụng và tinh thần. Đem giá trị thực dụng áp dụng lên tinh thần, bi kịch nhãn tiền xảy ra.
Có thể khẳng định Tổng Cty Vận tải thuỷ không đủ tư cách, nhân cách và năng lực để làm chủ một hãng phim có một truyền thống lịch sử và là niềm tự hào của dân tộc như Hãng phim truyện Việt Nam. Nếu Bộ VHTT&DL giật mình tỉnh ngủ, cho thôi ngay việc trưng dụng những con người làm kinh tế mà không hiểu chút gì về nghệ thuật, quản lý nghệ thuật. Nếu cứ để tiếp diễn tình trạng tồi tệ kia, số 4 Thuỵ Khuê sẽ không còn là địa chỉ văn hóa mà biến thành chợ trời”.
Trụ sở Hãng phim truyện Việt Nam tại số 4 Thụy Khuê, Hà Nội
Không có mặt trong buổi gặp gỡ này, nhưng NSND Thế Anh cũng như nhiều thế hệ nghệ sĩ gạo cội khác đều có những bức xúc, có những nỗi buồn khi nhắc đến VFS trong thời gian này. "Nội hàm của ngành lịch sử điện ảnh là vô cùng lớn lao. Lịch sử Việt Nam một phần có sự đóng góp lớn lao của các nghệ sĩ. Đừng biến những công lao, xương máu thành những đồng tiền rẻ mạt. Không thể để hãng phim bị huỷ hoại được nên nhất định phải truy cứu trách nhiệm đến tận cùng thì mới giải quyết được"- NSND Thế Anh bày tỏ.
Còn NSND Trà Giang thì trải lòng mình: “Số 4 Thuỵ Khuê - Hà Nội đã ăn sâu vào tình cảm của tôi khi tuổi còn trẻ, từ năm 1961 tới giờ, khi tốt nghiệp trường điện ảnh đã được xưởng điện ảnh tiếp nhận. Có phim được mang vào chiếu cho Bác Hồ xem. Những ngày chiến tranh ác liệt thì lãnh đạo Đảng, Nhà nước qua thăm và làm việc”.