Chương trình giao lưu nghệ thuật “Biển đảo quê hương”: Gợi nhiều chiều cảm xúc
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 14:22, 13/09/2017
Từ bao đời nay, biển đảo luôn có vị trí thiêng liêng trong trái tim của mỗi người dân nước Việt. Để Tổ quốc có cõi bờ rộng dài bát ngát, không gian sinh tồn khang trường khoát lộng như hôm nay, cha ông ta đã phải đánh đổi biết bao mồ hôi, xương máu. Nối nghiệp cha ông, giờ đây, trên mỗi cánh sóng âu tàu, hàng ngàn, hàng vạn người lính không quản gian nan đang ngày đêm chắc tay súng bảo vệ bảo vệ, gìn giữ từng đảo nổi đảo chìm thuộc để hình hài của Tổ quốc mãi được vẹn nguyên.
Với mong muốn góp một phần công sức nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc và tình yêu biển đảo trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời bày tỏ những tình cảm chân thành của toàn thể cán bộ, Thẩm phán, công chức, viên chức, người lao động TAND, TAQS các cấp đối với lực lượng Hải quân và đơn vị chấp pháp, Ban Tổ chức đã dày công xây dựng đêm giao lưu nghệ thuật "Biển đảo quê hương" thực sự có ý nghĩa. Và quả thật, với những tiết mục văn nghệ đặc sắc, không gian âm nhạc được dàn dựng công phu cùng những hình ảnh, phóng sự ấn tượng về biển đảo, chương trình đã để lại nhiều xúc cảm, dư âm tốt đẹp trong lòng các đại biểu tham dự và hàng ngàn, hàng vạn khán giả theo dõi chương trình.
“Tôi sinh ra ở Bình Sơn, lớn lên từ mặn mòi của biển, giờ lại có vinh dự được công tác tại Lý Sơn, quê hương của những hùng binh trong Hải đội Hoàng Sa thuở trước. Thế nên đối với tôi, biển đảo gần gũi, thân thương chả khác gì góc sân mảnh vườn nhà mình vậy. Dù đã từng tham dự trực tiếp cũng như xem qua truyền hình nhiều chương trình tương tự, nhưng đây là chương trình để lại trong tôi nhiều xúc cảm mãnh liệt nhất”, Thẩm phán Phạm Văn Biểu, Chánh án TAND huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi), chia sẻ.
Chánh án TAND huyện Lý Sơn - Phạm Văn Biểu
Còn Thẩm phán Nguyễn Xuân Hải, Chánh án TAND huyện Triệu Phong (Quảng Trị) thì bảo: “Lâu lắm rồi tôi mới xem một chương trình gợi nhiều chiều cảm xúc đến thế, vừa xúc động, vừa xen lẫn tự hào. Trong suốt cả buổi giao lưu, mắt tôi gần như không rời khỏi sân khấu. Ngay cả khi chương trình khép lại, tôi vẫn không hết lâng lâng, rạo rực. Chương trình này không chỉ là món quà về tinh thần để có thể khích lệ động viên những chiến sĩ, những ngư dân nơi đảo xa mà nó còn kết nối, bắc cầu cho những trái tim ở đất liền hướng về biển đảo”.
Chánh án TAND huyện Triệu Phong Nguyễn Xuân Hải
Để có một chương trình gợi nhiều chiều cảm xúc như thế, phải kể đến những nỗ lực của anh em nghệ sỹ. Có lẽ cũng vì luôn dành cho biển, đảo quê hương một tình yêu đặc biệt nên từ Ngọc Anh, Anh Thơ cho đến Trọng Tấn, Tân Nhàn đều cố gắng gửi gắm tình cảm của mình vào những lời ca tiếng hát, hòa chung nhịp đập con tim cùng ngư dân và chiến sĩ. Khi lời hiệu triệu hùng tráng của Tổ quốc gọi tên mình được cất lên da diết và mãnh liệt qua giọng hát của ca sĩ Trọng Tấn, cả khán phòng đã lặng đi. Cùng với đó, hình ảnh Trường Sa, Hoàng Sa dần nhiện lên với “Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước” ở giữa “nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây” và những chiến sỹ Hải quân trong tư thế vững vàng, hiên ngang như thành trì giữa bão tố như một chất xúc tác thổi bùng lên tình yêu đất nước trong lòng người xem.
“Cứ mỗi lần tham gia các chương trình về biển đảo, tôi và các anh chị em nghệ sĩ đều mong muốn được gửi gắm nhiều tình cảm đến các chiến sĩ nơi đảo xa. Nhìn hàng ngàn khán giả ngồi kín hội trường, tôi cảm nhận được trái tim của họ cũng đang hướng về các chiến sĩ ở hải đảo. Tôi cũng giống như họ, luôn dành tình cảm đặc biệt đối với “Tổ quốc nơi đầu sóng”, chỉ là tôi may mắn hơn, được được cất lên lời ca, điệu múa để nói lên tiếng lòng mình”, diễn viên múa Phạm Kiều Trang tâm sự.
"Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi"
Trường Sa dù xa xôi và khắc nghiệt khi “Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng quanh ghềnh trúc san hô” hay “Long lanh giữa sóng cuồng bão dập”, nhưng trong lòng người lính biển vẫn mang một niềm tin mãnh liệt rằng: “Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu Trường Sa ơi/Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.
"Không xa đâu Trường Sa ơi, không xa đâu ơi Trường Sa ơi!” - Lời hát nhẹ nhàng như gió thoảng, rồi lại da diết như sóng biển xa. Vượt gió, vượt sóng, Trường Sa tưởng rằng thật xa, nhưng lại rất gần.
Bên cạnh những tiết mục đặc sắc thì phần giao lưu trực tiếp với những người đang trực tiếp đứng nơi đầu sóng ngọn gió cũng làm xúc động nhiều khán giả. Những người lính biển rắn rỏi trước sóng biển là thế, nhưng khi đứng trên sân khấu họ lại khiêm nhường biết bao. Các anh kể về cuộc đời lính biển, về những ngày “cưỡi sóng” ngoài đảo xa, về cuộc sống thường ngày thật dung dị, mộc mạc và đáng khâm phục…Có lúc thăng, lúc trầm, lo lắng, lúc lại vui vẻ, hạnh phúc. Nhưng trên tất là trong tim mỗi người lính biển, lúc nào cũng có hai chữ Tổ quốc. Trong câu chuyện ấy, niềm tự hào luôn thường trực trong giọng nói, ánh mắt, cử chỉ dù là rất nhỏ của các anh.
Đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân giọng rắn rỏi, chia sẻ: “Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ thiêng liêng của Quân đội nhân dân Việt Nam trước yêu cầu của cả dân tộc về sự toàn vẹn giang sơn mà ông cha ta đã dày công gây dựng, mở mang và gìn giữ. Đây là một quá trình chiến đấu bền bỉ, gian nan mà qua đó Quân đội nhân dân ngày một trưởng thành, ngày càng nhận được nhiều hơn sự tin yêu của toàn thể đồng bào”.
Giao lưu với Chuẩn Đô đốc Phạm Minh Hải và Đại úy Ngô Văn Hợi
Có mặt ngay từ sớm, trước khi cả khi chương trình diễn ra, một người phụ nữ đến từ huyện đảo xa xôi của Tổ quốc đã không giấu được sự xúc động khi vượt qua hàng ngàn cây số để có mặt trong chương trình. Chị bảo mình là dân đảo chính cống, lại đang công tác trong Tòa án ở huyện đảo này, chị thấu hiểu hơn ai hết cuộc sống của người dân vùng đảo, cuộc sống của những người lính biển. Chị kể, cũng như những người lính biển, những người làm trong Tòa án ở huyện đảo này cũng đang hàng ngày khắc phục khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất là những chuyến xử án lưu động, di chuyển từ xã đảo này sang xã đảo khác. Nhưng cũng như những người lính biển, cán bộ Tòa án ở huyện đảo này chẳng khác nào người lính trên mặt trận bảo vệ công lý, không ngừng rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh, làm tốt công tác xét xử, thực hiện quyền tư pháp công bằng.
Khi chiến tranh qua đi, những người lính biển vẫn tiếp tục cầm chắc cây súng bảo vệ cho vùng hải đảo được bình yên. Bao năm qua luôn như thế, hình ảnh người lính đứng trên đảo vững chãi như ngọn hải đăng vẫn luôn rạng ngời và soi sáng cho bao lí tưởng, làm ấm thêm niềm yêu thương nơi quê nhà. Ngày hôm nay, khi biển xanh quê hương với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa ngày càng trở thành niềm tự hào bởi những giá trị tài nguyên vô tận.
Chương trình giao lưu nghệ thuật Biển đảo quê hương khép lại, nhưng trong trái tim của mỗi người vẫn luôn hướng trái về những người lính biển nơi đảo xa, những con người ngày đêm “vượt nắng, thắng mưa”, canh gác cho biển trời quê hương.