Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017: Giá trị văn hóa nghề tơ tằm

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:15, 25/05/2017

Đây sẽ là sân chơi cho những nghệ nhân ngành dệt trong nước và cả thế giới nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa nghề tơ tằm ở nước ta do cha ông để lại.

Nằm trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017, Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới sẽ được tổ chức từ 12/6/2017 đến 13/6/2017 tại Làng Lụa Hội An và Khu phố cổ Hội An.

Chương trình có sự tham gia của các quốc gia: Nhật, Trung Quốc, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Thái Lan, Myanma, Cam-pu-chia, Brazin; các tổ chức như Hiệp hội tơ lụa châu Á, Hiệp hội tơ lụa thế giới, Học viện Mêkông Thái Lan; cùng gần 20 làng nghề tơ lụa và cơ sở dệt luạ trong nước.

Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017: Giá trị văn hóa nghề tơ tằm

Festival Văn hóa Tơ lụa Việt Nam-Châu Á 2017 chuẩn bị diễn ra vào tháng 6

Festival Tơ lụa - Thổ cảm Việt Nam và thế giới 2017 được tổ chức nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa của nghề tơ tằm Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng, khuyến khích các nghệ nhân gìn giữ những giá trị truyền thống của cha ông để lại. Đồng thời, chuỗi sự kiện này còn tạo thêm một sản phẩm văn hóa du lịch trên nền tảng khai thác văn hóa, từng bước xây dụng và phát triên Làng Lụa Hội An thành một điểm đến cho hoạt động nghiên cứu, giao luu văn hóa nghề tơ lụa Quảng Nam và cả nước.

Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch hội đồng công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam cho biết ngành tơ lụa Việt Nam đang hồi sinh ở Bảo Lộc, Lâm Đồng 5 năm nay. Nếu trước đây, nhà máy sản xuất tơ lụa tại huyện Bảo Lộc phải nhập nguyên liệu 100% từ Brazil và Trung Quốc về để sản xuất. Nhưng 3 năm trở lại đây thì người dân ở đây đã tự trồng dâu nuôi tằm và nhập công nghệ máy móc hiện đại trên thế giới để lấy sợi. Từ đó, thay thế được 50% nguyên liệu từ Trung Quốc và Brazil. Đầu ra của mặt hàng tơ lụa này được xuất khẩu sang Nhật Bản, đất nước có yêu cầu khắt khe về tơ lụa.

Trên con đường bảo tồn và phát triển ngành tơ lụa truyền thống của Việt Nam, Festival tơ lụa sẽ là cơ hội để lôi kéo các nhà thiết kế cũng như các nhà đầu tư trên thế giới tới tham gia, qua đó giúp các nghệ nhân trong nước học hỏi và phát triển công nghệ sản xuất tơ lụa, ông Vũ cho hay. Bên cạnh đó, việc tổ chức Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017 sẽ góp phần quảng bá di sản văn hóa thế giới Hội An ra cộng đồng sản xuất tơ lụa thế giới, giới thiệu ngành công nghiệp thời trang may đo Hội An cho cả thế giới thông qua khách du lịch.

Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017: Giá trị văn hóa nghề tơ tằm

Nuôi tằm sản xuất tơ lụa tại Làng Lụa Hội An- Ảnh: Quốc Hải

Với sự tham gia của các tổ chức Hiệp hội Tơ lụa Thế giới, Hiệp hội Tơ lụa Châu Á, Học viện Mekong, các doanh nghiệp sản xuất tơ lụa Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Lào, Campuchia, Brazil, các nước Châu Âu, Festival sẽ tạo điều kiện giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp tơ lụa trong và ngoài nước. Có gì tại Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017.

Chương trình này gồm nhiều hoạt động đặc sắc như: Lễ dâng hương bà chúa Tàm tang; Lãnh đạo Hiệp hội tơ lụa thế giới gặp mặt và làm việc với lãnh đạo địa phương; Ra mắt BCH Hiệp hội tơ lụa Việt Nam; Tham quan không gian trưng bày sản phẩm “ Tơ lụa và thổ cẩm” của các làng nghề, giao lưu với các làng nghề và nghệ nhân; Hội thảo về tơ lụa trong đời sống hiện đại của hiệp hội tơ lụa; Thưởng thức ẩm thực “Buffet gánh chợ quê” Làng Lụa; chương trình thời trang “Đêm lụa phương Đông” do nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh thực hiện; Hội thảo khoa học quốc tế “Hệ thống thương cảng miền Trung với con đường tơ lụa trên biển - Vai trò và các mối liên hệ” do Trung tâm QLBTDSVH Hội An phối hợp với Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội.

Festival Tơ lụa - Thổ cẩm Việt Nam và thế giới 2017: Giá trị văn hóa nghề tơ tằm

Nội dung chương trình

BTC Festival tơ lụa cho biết, trong 2 ngày có nhiều hoạt động tại Làng lụa Hội An gồm: Trưng bày, giới thiệu sản phẩm các làng nghề tơ lụa Việt Nam; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm các doanh nghiệp, công ty thời trang; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm tơ lụa, TCMN Quốc Tế.

Ông Lê Thái Vũ cho biết, Quảng Nam sẽ mời làng nghề tơ lụa Vạn Phúc, Hà Đông tham dự Festival năm nay. Ông cũng khẳng định sẽ không có tình trạng lụa Trung Quốc gắn mác tơ lụa Vạn Phúc, lụa giả kém chất lượng xuất hiện tại Festival.

Cũng theo ông Vũ, cùng với các sản phẩm lụa Việt Nam, các sản phẩm lụa Hàng Châu, Tô Châu, Tứ Xuyên Trung Quốc cũng tham gia trưng bày sản phẩm tại Festival với nguồn gốc xuất xứ được ghi rõ ràng.

Bên cạnh đó, Hiệp hội Tơ lụa cũng sẽ đưa ra các giải pháp trước tình trạng lụa thật, lụa giả, đưa vào đề cương hoạt động của Hiệp hội, gửi tờ trình định hướng để tác động đến người tiêu dùng và nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan chính quyền, ông Vũ cho hay.

 

Hà Thu