Mối tình gần 70 năm qua những bức thư vượt thời gian của cặp nhà văn nổi tiếng
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 08:01, 14/05/2017
Chiều qua (13/5), nhà văn Vũ Tú Nam, nguyên Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam và nhà văn Thanh Hương, nguyên Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam và Thành viên Bí thư Hội Nhà báo Việt Nam có buổi ra mắt cuốn sách mới, một ấn phẩm tiếng Anh có tựa đề "Letters in Love and War".
Vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và Thanh Hương tại buổi ra mắt phiên bản tiếng Anh của cuốn Hồi ức tình yêu
“Letters in Love and War” là một tuyển tập được biên dịch từ những lá thư tình mà hai nhà văn đã trao đổi khi còn là các nhà báo trẻ trong thời kỳ kháng chiến thế kỷ trước, được ra mắt công chúng vào năm 2002 với hơn 200 bức thư tình. Từng được xuất bản bằng tiếng Việt với tựa đề Hồi ức tình yêu, bản gốc tiếng Việt cũng được tái bản vào cùng thời điểm.
Đây là những bức thư mà vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam và Thanh Hương gửi cho nhau trong thời gian xa cách bởi chiến tranh và bệnh tật... Những bức thư là những mảnh ghép chân thực của cuộc sống đời thường, thể hiện tình yêu thủy chung, tình vợ chồng gắn bó, những lo toan vun đắp cho gia đình và sự nghiệp viết văn...
Ngay khi công bố cuốn sách gần như là "chuyện riêng" này, nhà văn Vũ Tú Nam từng bộc bạch: "Thực tình chúng tôi rất đắn đo khi cho công bố những lá thư riêng này. Tôi và Thanh Hương quen thân nhau từ năm 1949 ở Thanh Hóa. Hồi đó, tôi làm báo Chiến sĩ, cô ấy là cán bộ phụ nữ. Một lần, tiểu đoàn tôi mời đại diện hội phụ nữ đến nói chuyện. Tôi đứng trong hàng ngũ tiểu đoàn nghe một cô gái trẻ măng nói chuyện hay quá, thế là mê luôn. Đám cưới được tổ chức giản dị tại cơ quan Cục tuyên huấn Quân đội ở chiến khu Việt Bắc. Chúng tôi may mắn giữ được hơn 500 lá thư viết cho nhau từ năm 1950 trở đi. Nhờ sự khuyến khích của một bạn văn Mỹ là chị Lady Borton, tác giả "Tiếp sau nỗi buồn" viết về chiến tranh Việt Nam, chúng tôi mang thư ra đọc và sắp xếp lại".
Bìa sách Letters in Love and War- Hồi ức tình yêu chính là hình ảnh cháu gái của nhà văn-siêu mẫu Hà Anh
Biết nhau lần đầu tiên năm 1949, Vũ Tú Nam và Thanh Hương khi đó đều đang ở tuổi đôi mươi, là những thanh niên hăng hái tham gia vào cuộc kháng chiến lịch sử của dân tộc. Những bức thư trở thành cầu nối hai con người, hai tâm hồn cùng chung lý tưởng, khát vọng sống để rồi một gia đình hạnh phúc hình thành và hai con Huy, Giang lần lượt chào đời.
Dù vất vả chăm sóc gia đình, lo lắng cho những lần Vũ Tú Nam đau ốm, lại phải luôn hoàn thành tốt công việc ở báo Phụ nữ, nhưng Thanh Hương không quản ngại khó khăn vì tình yêu luôn rực sáng: “Thương anh, yêu anh – lấy nhau lâu, nhưng sao em không hề thấy tình yêu “già” đi, hay bớt “lãng mạn” đi trong em...”.
Những bức thư tay úa màu thời gian, được chuyển bằng đường bưu điện hay qua những người thân quen sau hơn sáu mươi năm vẫn còn được giữ gìn đến tận bây giờ. Đó là tư liệu lịch sử quý giá về cuộc sống của con người Hà Thành, của một thế hệ nhà văn tâm huyết trong cuộc kháng chiến chín năm gian khổ như nhà văn Mỹ Lady Borton đã nói: “Đây là những lá thư riêng, nhưng cũng là một phần nhỏ lịch sử của đất nước các bạn”.
Bà Thanh Hương cười thật hạnh phúc khi nhìn chồng- nhà văn Vũ Tú Nam. Cả hai ông bà vẫn son sắt giữ trọn tình yêu của mình khiến nhiều người phải ngưỡng mộ
Nhà thơ, nhà báo Dương Kỳ Anh từng viết như thế này khi đọc Hồi ức tình yêu của vợ chồng nhà văn Vũ Tú Nam: "Tôi đọc Hồi ức tình yêu của Thanh Hương và Vũ Tú Nam, tự bảo mình rằng, có lẽ ít có ai ở xứ ta đem xuất bản những bức thư tình riêng tư như thế. Đọc kỹ, tôi mới hay, không chỉ là chuyện tình yêu đôi lứa, tình yêu vợ chồng mà trong đó chính là tấm lòng, trách nghiệm, cách thức…nuôi dạy các con của hai vợ chồng nhà văn qua những thăng trầm của cuộc sống".
Ngưỡng mộ và tự hào về ông bà, siêu mẫu Hà Anh không khỏi xúc động khi các thành viên trong gia đình đọc vài đoạn trong cuốn tái bản tiếng Việt, còn chồng cô – thầy giáo tiểu học – Olly Dowden trích đọc một vài phân đoạn tiếng Anh.
Siêu mẫu Hà Anh nền nã trong tà áo dài lụa màu trắng thể hiện lại hình ảnh chính bà nội của mình thời xuân trẻ trong cuốn “Hồi ức Tình yêu”. Bên cạnh siêu mẫu là ông xã và người cô ruột của mình. Cả ba thay nhau trích từng bức thư trong cuốn sách của ông bà
Đặc biệt, sau gần 70 năm, vợ chồng nhà văn Tú Nam và Thanh Hương lại run run trao nhau cặp nhẫn cưới do chính cháu ruột của mình là siêu mẫu Hà Anh thay mặt gửi tặng nhân dịp kỷ niệm bởi vẫn nhớ ông bà kể rằng “ngày xưa thành hôn với nhau trong thời kỳ gian khổ còn không có chiếc nhẫn cưới để trao nhau”. Đau đáu trong lòng về câu chuyện này, Hà Anh và gia đình đã quyết tâm dành điều bất ngờ đến với ông bà.
Ông bà trao nhau nhẫn cưới sau gần 70 năm là vợ chồng. Đây là món quà mà cô cháu gái đã đặc biệt chuẩn bị cho hai ông bà
Nhà văn Trần Đăng Khoa cũng có mặt tại sự kiện
Tác phẩm ra mắt bạn đọc thế giới và hứa hẹn sẽ mang đến cho độc giả quốc tế cái nhìn sâu sắc vào cuộc sống, tình yêu trong bối cảnh thời chiến Việt Nam, là minh chứng cho sức mạnh và sự trường tồn của những mối tình trong thời kỳ chiến tranh đầy gian khổ. Ở Việt Nam, Hồi ức tình yêu cho đến bây giờ vẫn làm nhiều người xúc động bởi chuyện tình vượt qua bom đạn của cặp đôi nhà báo, nhà văn trong suốt quãng thời gian xa nhau bởi cuộc chiến.
Theo Michael Arnold, người biên tập bản dịch, “Vũ Tú Nam và Thanh Hương đã sống qua những thời kỳ quan trọng và thú vị của lịch sử; họ đã biết và gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đã tham gia vào những chiến thắng quan trọng, và họ vẫn tiếp tục cống hiến cho nền văn học Việt Nam trong suốt những năm sau chiến tranh. Vẫn bên nhau và tràn đầy tình yêu sau gần 70 năm trao đổi những lá thư đầu, họ vẫn có rất nhiều điều để dạy cho các thế hệ mới về bản chất của chiến tranh, sự tranh đấu, và tình yêu vĩnh cửu”.
Cuốn sách Hồi ức tình yêu đã minh chứng cho một tình yêu đẹp lớn lên cùng đất nước. Họ là những biểu tượng sinh động cho nhiệt huyết và nghị lực sống, chiến đấu và lao động nghệ thuật…