Chuyện ít biết về tác giả “ Cửa mở” gây chấn động một thời, vừa ra đi
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 14:30, 08/05/2017
Nhớ lần kỷ niệm 50 năm thành lập hội nhà văn Việt Nam tại cung văn hóa Hữu Nghị, tan buổi, tôi đứng chờ xe tắc xi để về nhà thì gặp nhà thơ Việt Phương, ông bảo “Dương Kỳ Anh ơi, lên đây cùng về với mình”.
Buổi đầu, tôi cứ tưởng xe cơ quan đón ông, nhưng khi tôi lên xe ô tô mới biết đó là xe riêng của con trai ông. Thấy phong thái con trai ông lễ phép, thân tình và cởi mỏ, tự nhiên tôi muốn đến thăm gia đình ông, gia đình của một nhà thơ từng gây chấn động dư luận với tập thơ “ Cửa mở”.
Nhà thơ Việt Phương họ Trần, Trần Việt Phương, tên thực của ông là Trần Quang Huy. Năm ông 17 tuổi, tham gia hoạt động bí mật chống thực dân Pháp, bị bắt, bị giam với một người bạn tù cũng xấp xỉ tuổi ông. Hai người ở hai xà lim nhưng cũng thường trao đổi với nhau. Lúc đó ông có bí danh là Việt Phương và người bạn tù lại lấy tên ông là Trần Quang Huy làm bí danh. Sau này người bạn tù đó trở thành bộ trưởng Trần Quang Huy (tên thực là Vũ Đắc Huề ).
Ông có hai người con trai là Trần Trung Thực sinh năm 1956 và Trần Quang Huy sinh năm 1960. Là ông lấy tên khai sinh của mình đặt tên cho con. Ông kể rằng, trong hộ khẩu của ông có hai tên Trần Quang Huy nên dạo còn bao cấp mỗi lần đi mua gạo mua dầu…người ta vặn hỏi ông, ông nói vui rằng nhà tôi có Trần Quang Huy 3 lít dầu và Trần Quang Huy 1/5 lít dầu (người lớn được mua 3 lít, trẻ con 1/5 lít).
Nhà thơ Việt Phương sinh năm 1928, đậu tú tài thời Pháp thuộc Ông là trợ lý của thủ tướng Phạm Văn Đồng mấy chục năm. Đã ở tuổi gần 90 mà trông ông rất minh mẫn. Ông kể nhiều chuyện vui và hài hước. Những chuyện về văn chương, gia đình, những chuyện ít ai biết về số phận những tập thơ của ông.
Vợ ông , bà Trần Tú Lan năm nay kém ông mấy tuổi, từng là cô giáo với nhiều học trò nổi tiếng như Dương Trung Quốc, Chu Hảo…Bà kể chuyện con trai đầu của ông bà là Trần TrungThực nhiều lần được ăn cơm cùng Bác Hồ. “Có lần, Bác gắp cho cháu Thực một miếng táo, nó cứ nhìn miếng táo để trong bát …chắc thấy lạ vì Bác Hồ thường ăn táo sau khi đã hấp chín… Bác cũng hay cho cháu Thực sách để đọc. Một lần cháu Thực cầm cuốn sách lên thưa với Bác là cuốn này cháu đã đọc rồi ạ. Bác bảo: Cháu thật thà thế là tốt.Rồi Bác đi tìm cuốn sách khác đưa cho Thực ...” .
Về sau Thực học chuyên toán, được giải nhì Kỳ thi học sinh giỏi Thành phố Hà Nội. Bây giờ Trần Trung Thực là vụ trưởng làm việc ở bộ Công Thương sau nhiều năm làm tham tán công sứ ở cộng đồng châu Âu ( tại Bỉ ). Nhà thơ Việt Phương đã có ba cháu nội, cháu đích tôn của ông mang tên ông là Trần Việt Phương, nay đã ngoài 30 tuổi, tốt nghiệp thạc sỹ tại Anh quốc.
“Mở đài dịch như mở toang cánh cửa”, “ Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thủy Sỹ; hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào; Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ; sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao”. “Ta đã thấy những chổ lõm lồi trên mặt trăng sao; những vệt bùn trên tận đỉnh chín tầng cao” … Những câu thơ từng gây chấn động dư luận một thời mà bây giờ tôi mới biết nó được trích từ bài thơ “Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi”, một trong những bài trong tập thơ “Cửa mở” của nhà thơ Việt Phương do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 1970. Vào những năm 70 mà viết những câu thơ như thế, tôi thực sự khâm phục ông vô cùng.
Thời đó tôi còn là sinh viên khoa văn của trường đại học tổng hợp Hà Nội, chúng tôi chỉ đọc thầm cho nhau nghe, người này truyền qua người khác chứ thực tình tôi chưa nhìn thấy tập thơ “Cửa mở” bao giờ.
Tôi hỏi ông rằng, dạo đó người ta đồn thổi nhiều chuyện như ông bị cách chức, các con ông cũng bị “vạ lây” …có đúng không? Ông cười, lắc đầu “Không có chuyện đó đâu”. Ông nói, tập “Cửa mở” năm đó in 5200 bản, chỉ trong vài tuần là hết “Anh Huy Cần bảo tôi chỉ còn vài chục cuốn người ta giữ lại thôi”. Rất nhiều người khen, cũng nhiều người phê phán, có một nhà thơ là cán bộ cao cấp nói trong một cuộc họp “Phủ thủ tướng có một kẻ điên làm thơ”. Vợ ông, bà Trần Tú Lan khảng định “Các con chúng tôi không làm sao cả”. Rồi bà kể :"Tôi có đến gặp thủ tướng Phạm Văn Đồng, Thủ tướng tưởng tôi đến có chuyện gì đó liên quan tới các con vì ông biết tôi rất chăm con. Tôi nói: "Thưa chú, cháu đến vì tập thơ “Cửa mở”. Thủ thướng Phạm Văn Đồng nói “Phương có đem cho mình xem đâu”. Tôi bảo: "Tập thơ Cửa mở hay đấy chứ ạ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo tôi: “Thơ Phương thì Tú Lan khen hay là phải rồi”.
Nhà thơ Việt Phương đưa cho tôi bản thào một bài thơ của ông, có chữ viết tay của nhà thơ Tố Hữu chữa hai câu thơ của ông “nhưng tôi không chịu” - ông nói. Nhiều lần, ông đưa một số bài thơ mới làm cho các đồng chí Trường Chinh, Tố Hữu đọc “Các anh ấy góp ý rất chân tình. Có lần Bác Hồ còn sửa thơ cho tôi” – ông kể.
Trong lúc vợ ông đang lục tìm những tấm ảnh của các con lúc còn bé, nhà thơ Việt Phương đến giá sách lấy 3 tập thơ tặng tôi trong đó có tập “Cửa mở” cũng do nhà xuất bản Văn Học ấn hành năm 2009. Tập thơ “Cửa mở” tái bản y nguyên bản in đầu tiên, nhà thơ Việt Phương cho biết .
Tôi cứ mân mê tập thơ trong tay như lần đầu tiên trong đời có được một báu vật.
Hai tập thơ còn lại đều là những bài thơ mà nhà thơ Việt Phương sáng tác trong nhiều năm gần đây .
Tập thơ “Nắng” và tập “Lan” ( Lấy tên vợ ông làm tên tập thơ) đều in năm 2013, một sức làm việc đáng kính nể.
“Đời đang đón đợi để đong đầy” , tôi đang đọc câu thơ của ông in ngoài bìa tập thơ “Nắng” thì có tiếng chuông điện thoại, cậu con trai thứ hai Trần Quang Huy hiện đang là phó tổng giám đốc ngân hàng (MHB), người đã lái xe đón ông hôm tôi đi nhờ, gọi điện về nói sẽ đưa xe ô tô đến đón bố mẹ đi thắp hương ở tư gia cố đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phòng khách ở tầng một căn biệt thự bốn tầng trên đường Trần Quang Diệu bày nhiều thứ có vẻ như là đồ cổ mà theo nhà thơ Việt Phương là do cậu con trai thứ hai Trần Quang Huy mang về. Ông không dùng điện thoại di động, nên vừa tiếp khách, ông vừa xin lỗi để đi nghe điện thoại, chiếc điện thoại cố định đặt ở góc phòng.
Vợ ông, bà Trần Tú Lan kể rằng, chính bà đã bắt thăm và thật may mắn chọn được mảnh đất để xây nhà ở vị trí này, một vị trí có thể nói là đắc địa vì có hai mặt đường lớn: “Hôm ấy, cơ quan tổ chức bắt thăm, có mấy chục người, mấy chục mẩu dấy gấp làm tư, tôi nhìn thấy một mẩu dấy như đang vẫy vẫy tôi, có lẽ do luồng gió từ quạt trần làm mẩu dấy lất phất như vậy, tôi thấy lạ và hay hay nên nhặt lên, ai ngờ lại chọn được vị trí đẹp nhất”. Nhà thơ Việt Phương gật đầu xác nhận: “Đúng thế đấy, xây ngôi nhà này do một tay nhà tôi lo liệu”.
Ông cầm một tệp đĩa nhạc đưa cho tôi và nói: "Lúc cháu Thực chưa đầy năm, ông thường để cháu nằm trên dường, bên cạnh là chiếc máy hát ( máy quay đĩa ) do thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng. Ông bật máy quay, cho con nằm nghe nhạc. Những bản nhạc du dương, em dịu của Beethoven. Ông nói, ông rất thích nhạc sỹ thiên tài này. “Mỗi lần tôi bật máy nghe nhạc là cháu Thực và sau này là cháu Huy nằm yên trên dường nghe rất chăm chú. Có lẽ vì thế mà sau này, khi các con tôi trưởng thành chúng cũng yêu thích âm nhạc như tôi. Tôi nghĩ, nghệ thuật giúp cho con người sống nhân văn hơn” - ông bảo vậy.
Trò chuyện với ông, tôi không những biết nhiều cái lạ trong thơ mà còn thấy ông có nhiều cái lạ trong cuộc sống hàng ngày. Ông kể, lúc con ông bắt đầu tập nói, những buổi chiều tối, ông để con ngồi trên chiếc ghế mây buộc sau xe, lọc cọc đạp xe lên bờ đê sông Hồng. Để xe xuống vệ cỏ bờ đê, ông bế con trên tay nhìn Sông Hồng cuộn chảy rồi bắt đầu tập nói cho con. Ông chỉ đám mây bay là là trên mặt sông và nói “mây”, con ông cũng bập bẹ “mây”, “nước”, thằng bé nhìn xuống mặt nước Sông Hồng cũng bập bẹ “nước". Cứ như vậy, ông chỉ lên bầu trời, chỉ dãy núi phía xa xa chỉ đàn chim đang bay, chỉ con sóng đang đang lượn, bông hoa đang nở, cây lúa đang ngậm đồng …Vợ chồng tôi muốn các con sau này lớn lên hiểu được mọi thứ trên đời cụ thể nhất, chân thật nhất” – ông nói.
Khi các con ông lớn lên, đã bắt đầu hiểu được cái hay, cái dở vợ chồng ông cứ mỗi tháng, mỗi quý đều cho các con biết công việc mà bố mẹ đã làm trong tháng, trong quý đó. Ông còn đưa cho các con xem bản kiểm điểm hàng năm của vợ chồng ông trong đó có những nhận xét, góp ý của nhiều người trong cơ quan, chi bộ nơi vợ chồng ông làm việc.
"Vợ chồng tôi đều cho rằng, sống trung thực là điều quan trọng nhất của con người. Chúng tôi không dấu các con mình điều gì cả. Tiền lương của hai vợ chồng chúng tôi đều để một nơi và chỉ cho các con biết nơi để đó, lúc cần tiêu gì các con cứ đến lấy. Nhưng bao nhiêu năm mà chúng không bao giờ đụng đến cả. Có lần nhà tôi đưa tiền cho cháu Thực bảo dẫn em đi ăn phở. Chúng đi một lúc rồi lại cầm tiền về. Cả hai anh em cứ đùn đẩy nhau, không đứa nào dám bước vào hàng phở, nhà tôi lại phải dẫn chúng đi ăn …” – ông tâm sự.
Làm trợ lý cho thủ tướng Phạm văn đồng mấy chục năm, nhà thơ Việt Phương đã đi nhiều nơi trên thế giới. Ấy vậy mà vợ ông bà Trần Tú Lan lại chưa bao giờ đi nước ngoài.
Tôi ngạc nhiên thực sự, mới hỏi bà vì sao ? có phải vì bà sợ đi máy bay ? hay có lý do nào khác?
Bà nói đã từng được cử đi học ở Nga, bà cũng rất thích đi nhưng lúc đó các con bà còn nhỏ, nên bà đã nhường suất đi học nước ngoài cho người khác.
“Tôi biết nhà tôi rất thương các con, tuy bận nhưng nếu tôi đi học ở Nga, nhà tôi cũng sẵn sàng chăm sóc các cháu để tôi yên tâm đi học. Với lại bạn bè tôi, anh chị em nơi vợ chồng tôi công tác cũng sẽ giúp đỡ…Nhưng tôi nghĩ dù sao mình chăm sóc các con vẫn tốt hơn. Ở đời, được cái này phải biết hy sinh cái khác …Ngay cả sau này, khi cháu Thực làm tham tán công sứ ở nhiều nước châu Âu, cháu cũng rất muốn mẹ đi một vài chuyến du lịch nước ngoài …Mình nuôi con, rồi nuôi cháu, phải hiểu được quy luật bù trừ. Nếu mình cái gì cũng được hưởng thì sau này phần đâu cho con cháu ?! Người bố, người mẹ nếu biết cách dạy con, biết hy sinh vì con cháu thì con cháu mình sau này thành người, biết cách báo hiếu bố mẹ …Bây giờ, các con tôi, rồi các cháu được đi học nước ngoài, công tác ở nhiều nước, được đi đây đi đó là tôi mãn nguyện, là như tôi đã được đi nước ngoài rồi” . Tôi thấy bà rất vui khi nói những điều này.
Tôi bỗng nhớ hai câu thơ của nhà thơ Việt Phương mà tôi vừa đọc trong tập “Lan”: “Một thời CỬA MỞ cho tất cả; Từ trong đại họa hóa bình yên”. Thế đấy !