Ngăn chặn nạn ăn chặn tiền Tết của người nghèo
Chính trị - Ngày đăng : 10:50, 13/04/2012
Mấy năm trước ở xã Canh Hiển, huyện Vân Canh, Bình Định có chuyện khi lập danh sách nhận quà Tết, xã có 113 trường hợp sai sót gồm 40 đối tượng bị bỏ quên và 73 đối tượng lập thừa. Sau đó lại phát hiện thêm 15 hộ nghèo bị lọt sổ... Canh Hiển có 239 hộ, 793 khẩu thuộc diện nghèo. Dịp Tết Kỷ Sửu, xã được cấp 156 triệu đồng từ nguồn của Chính phủ, chưa kể 21 tấn gạo được cấp phát thành hai đợt. Bà con phản ứng dữ dội khi phát hiện danh sách do cán bộ LĐ-TB&XH xã lập có hộ em ruột cán bộ này không sinh sống ở địa phương cũng được lĩnh 600.000 đồng. Danh sách còn có một số người chết, nay sống lại để nhận tiền Tết và được cấp gạo.
Đồng bào dân tộc tại huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An chia gạo hỗ trợ của Nhà nước. (Ảnh: N.D)
Ở xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh, Bình Thuận, có 45 hộ bà con dân tộc Rắc Lây khi nhận tiền hỗ trợ Tết về đến nhà đã có các ông quan xóm theo gót, đến từng nhà đòi 20.000 - 30.000 đồng, 100.000 đồng “tiền công làm giấy tờ, xăng xe”. Tại nhiều nơi cán bộ ngang nhiên nói với bà con nghèo rằng tiền Tết cho bao nhiêu được bấy nhiêu đừng hỏi! Người nào hỏi thì bị nạt: “Cho tiền ăn Tết còn hỏi nữa. Nhận hay không nhận đây? Khi được nhận tiền chỉ biết cán bộ đưa bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu, ký xác nhận và cấm đếm!
“Cái sai cơ bản ở nhiều nơi chính là xác định hộ nghèo không đúng. Chuẩn nghèo đã chi tiết nhưng cách bình chọn hộ nghèo còn xuê xoa. Qua việc này, chúng tôi kiến nghị, từ sang năm trở đi, việc bình xét hộ nghèo sẽ phải chính xác hơn" - Trao đổi với báo chí về kết quả kiểm tra một số địa phương thực hiện hỗ trợ hộ nghèo đón Tết, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp vừa cho biết.
4 đoàn kiểm tra của Bộ Tài chính đã đến nhiều địa phương (Nghệ An, Sóc Trăng, Nam Trung bộ, Tây Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bắc Giang, Lạng Sơn. Kết quả cho thấy nạn ăn chặn đúng là thiên hình, vạn trạng. Có nơi người nghèo nhưng không được là hộ nghèo do địa phương thích bệnh thành tích; có địa phương để sót đối tượng nghèo do các cháu dưới 6 tuổi và các cụ già không cần bảo hiểm y tế nên quên không phát; có người thuộc hộ nghèo đi vắng, tiền chỉ phát cho người có nhà; nhiều trường hợp trừ tiền hộ nghèo còn nợ, trừ khoản đóng quỹ thôn; có thôn đề nghị mỗi hộ nghèo được phát tiền giữ lại 100.000 đồng để ăn Tết chung.
Theo các quan chức Bộ Tài chính, nếu phát hiện đúng là tham ô thì phải xử lý. Cái khó hiện nay là làm thế nào để phân biệt sai phạm đó do cố tình hay không. Có thôn đang giữ lại 20-30 triệu đồng nói rằng họ phát một nửa trước Tết, còn để dành sau Tết; có xã cả ba trưởng thôn đều giữ lại một ít như thế, bây giờ quy họ tội “Tham ô” hay tội gì?
Vấn đề đặt ra nữa là cần thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời đến nhân dân, chỉ có sự công khai, minh bạch mới có thể ngăn chặn được tệ nạn vô đạo đức này.
Bảo Dân