Nghệ sĩ “đánh rơi” chữ duyên vì tiếng cười dễ dãi
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 07:00, 28/02/2017
Nhiều người vẫn chưa quên sự việc gây xôn xao dư luận, thậm chí là gây bức xúc gần đây khi ngay trên sóng truyền hình, thí sinh của gameshow Thách thức danh hài “hồn nhiên” buông lời thiếu văn hóa để “chọc cười” hai giám khảo Trấn Thành và Trường Giang.
Người ta khó lòng có thể chấp nhận được hành động văng tục, thiếu văn hóa của anh chàng “hotboy trà sữa” Tấn Lợi. Văng tục trên sóng truyền hình có hàng nghìn người xem mà thí sinh vẫn giành được chiến thắng là câu chuyện vô lý. Chưa kể, người “cầm cân nảy mực” cho chương trình là Trấn Thành lại có thể cười thoải mái chỉ vì dăm ba câu nói tục tĩu ấy. Nhiều người nói Trấn Thành đã quá dễ dãi với tiếng cười nên thêm một lần nữa làm khán giả phật ý. Chính vì thế, cả thí sinh và giám khảo trở thành mục tiêu cho sự nổi giận của công chúng.
Trấn Thành bị chỉ trích sau tiếng cười dễ dãi tại Gala Chung kết Thách thức danh hài
Bản thân những người “cầm cân nảy mực” như Trấn Thành và Trường Giang, đáng lẽ phải là người kiểm soát được những tiếng cười. Mỗi tiếng cười của họ là một lần cho điểm, cũng là một lần chấm điểm thí sinh đó xem vở kịch mà họ đang diễn có đạt hay không. Chứ chưa nói, mỗi một nụ cười của Trấn Thành và Trường Giang còn đem về số tiền không hề nhỏ cho thí sinh. Dù rằng, ai cũng biết, cười thuộc về bản năng của mỗi người, có lúc không thể kiểm soát nhưng với bản lĩnh sân khấu, kinh nghiệm trong nghề nhiều năm, hơn ai hết, cả Trấn Thành và Trường Giang là những người biết “cười đúng lúc, cười đúng chỗ”. “Trò” sai, “thầy” phải là người chỉ ra cái sai cho trò. Như thế, lớp sau mới giỏi, mới tiến xa, sự nghiệp mà thầy vun trồng mới “đơm hoa kết trái”. NSƯT Hữu Châu cũng từng chia sẻ quan điểm của mình khi ông nhận làm giám khảo một chương trình: “Khi thí sinh diễn dở mà mình vẫn khen vì tiền thì ra ngoài tôi làm sao dám dạy ai nữa”.
Đâu chỉ có một mình Trấn Thành, một Tấn Lợi, một Thách thức danh hài “kém duyên” với tiếng cười dễ dãi như thế, nhiều gameshow truyền hình hiện nay và nhiều nghệ sỹ cũng rơi vào trường hợp tương tự.
Mới đây, danh hài Việt Hương và Hoài Tâm cũng khiến công chúng nổi giận, thậm chí là xúc phạm một đồng nghiệp của mình khi diễn hài tục trong đám cưới của Đình Bảo khiến cho nghệ sỹ này vì xấu hổ mà bỏ về. Hay như trường hợp của “họa mi tóc nâu” Mỹ Tâm khi ngồi ghế nóng ở một số gameshow truyền hình. Mỹ Tâm đã cười ngặt nghẽo trước màn trình diễn ngô nghê, tệ hại của thí sinh….Bằng Kiều cũng đã từng thừa nhận, đôi lúc “họa mi tóc nâu” không duyên và đôi lúc lại hơi hồn nhiên quá. Và bản thân Mỹ Tâm cũng không ngần ngại thừa nhận mình vô duyên khi ngồi ghế nóng The Voive- Giọng hát Việt 2015.
Mỹ Tâm thừa nhận đôi lúc bị vô duyên khi ngồi ghế nóng The Voice- Giọng hát Việt 2015.
Chưa kể, một vài gameshow truyền hình hiện nay mang tính giải trí theo nhu cầu thị trường là chủ yếu, thiếu những chương trình chuyên môn. Những tiếng cười họ tạo ra thiếu sức thuyết phục, khiến nhiều người quay lưng lại vì nó không để lại ấn tượng gì trong lòng công chúng. Có người nói, xem cho vui, xem xong là quên ngay.
Trong khi đó, các nghệ sỹ vốn quen đứng trên sân khấu nay lại có thêm những vai trò hoàn toàn mới. Trong khi họ duyên dáng, máu lửa bao nhiêu khi diễn cho khán giả xem thì khi ngồi ghế nóng họ lại kém duyên bấy nhiêu. Thế mới biết, làm giám khảo các chương trình truyền hình khó hơn cả khi họ diễn trên sân khấu. Cũng là làm dâu trăm họ đấy nhưng mỗi hành động, tiếng nói lại có một cái nhìn khác từ khán giả. Với những nghệ sĩ tạo ra tiếng cười như Trấn Thành, Việt Hương, thì điều đó lại càng khó hơn gấp bội. Bản thân Trấn Thành sau sự cố đáng tiếc ở Thách thức danh hài cũng đã thừa nhận mình sai và gửi lời xin lỗi tới khán giả.
Có thể nói ở thời buổi “trăm thứ hài” nở rộ, chỉ cần bật ti vi là thấy hài, người người, nhà nhà đều diễn hài và được lên sóng truyền hình, từ đó dẫn đến nhiều tiết mục “không ngại” văng tục hoặc diễn đồng tính, trai giả gái õng ẹo..., thì việc hotboy trà sữa tung ra những "chiêu" dễ dãi như đã nói ở trên cũng là điều dễ hiểu. Thậm chí, họ đưa cả chuyện riêng tư, từ người yêu đến cha mẹ, họ hàng ra để “chọc cười” người xem. Và khi tiếng cười càng dễ dãi thì họ lại càng nổi tiếng.
Thế nhưng, nói đi cũng phải nói lại, tiếng cười của Trấn Thành hay của nhiều nghệ sỹ khác phần nào đã có sự can thiệp từ phía nhà sản xuất chương trình. Có thể chúng ta đang quá khắt khe với cả thí sinh và giám khảo mà ít ai nhận ra chính đơn vị sản xuất và nhà đài đã có sự can thiệp khi tổ chức chương trình. Bản thân Trấn Thành hay Tấn Lợi cũng chỉ là người tham gia chương trình, mọi quyết định đều do người giấu mặt phía sau cánh gà.
Một vấn đề được đặt ra ở đây là trách nhiệm của ban tổ chức và người duyệt chương trình. Chỉ cần một vài thao tác, những lời văng tục có thể được cắt bỏ đi, còn những người duyệt chương trình, họ có quyền yêu cầu dừng phát sóng những phần kém văn hóa như thế. Như chia sẻ của nghệ sỹ Trung Dân: “Nếu nhà đài muốn đem tới những món ăn tinh thần bổ ích cho khán giả thì cần kỹ càng hơn ở khâu kiểm duyệt. Kiểm duyệt cũng nên đồng bộ và thống nhất".
Thế nhưng, dù vô tình hay có sự sắp xếp chiêu trò của nhà sản xuất thì đã là người nổi tiếng, là nghệ sỹ được khán giả yêu quý, họ cũng không nên đánh rơi mất cái danh của mình. Nói như NSND Hồng Vân: “Tôi biết ai cũng phải làm việc để kiếm sống nhưng họ nên có trách nhiệm với văn hóa của mình”, chị nhấn mạnh.
Nghệ sỹ Tấn Beo từng từ chối nhiều gameshow truyền hình bởi anh lo sợ khán giả nhàm chán và chê cười vì format của gameshow nào cũng giống nhau. Anh cũng từng tiết lộ vì không làm theo yêu cầu của nhà sản xuất nên họ “ngại mời mình làm giám khảo”.
Còn nhạc sỹ Thanh Bùi thì khẳng định anh không còn niềm tin vào những show truyền hình thực tế vì nhà sản xuất đang kinh doanh chứ không vì nghệ thuật. “Thị trường Việt Nam quá nhỏ thì tài năng không thể nào đủ để đáp ứng cho hàng loạt cuộc thi được”, giọng ca tài năng phát biểu.
Chúng ta đã từng khóc cười cùng với thế hệ những nghệ sỹ như Văn Hiệp, Hán Văn Tình, Phạm Bằng…Và vẫn có lớp nghệ sỹ kế cận sau này sống chết với nghề như Hoài Linh, Xuân Bắc, Tự Long, Trấn Thành, Trường Giang… Vậy hà cớ gì, họ lại không giữ và gieo chữ duyên sân khấu ấy để tiếp nối ngọn lửa nghề đó. Cười đó mà vẫn thấy sâu cay, vẫn ám ảnh và đọng mãi trong lòng người xem.