Nam Định chuẩn bị đón bằng UNESCO về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 20:59, 24/02/2017
Theo kế hoạch của ban tổ chức, lễ đón bằng sẽ diễn ra tại không gian trong Quần thể di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, gắn với cộng đồng địa phương. Theo tinh thần chung, Lễ vinh danh đảm bảo trang trọng, tiết kiệm, an toàn, có quy mô hợp lý, thể hiện được bản sắc và giá trị của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Buổi lễ sẽ có sự phối hợp chỉ đạo của Bộ VHTTDL, Ủy ban UNESCO Việt Nam, sự tham gia của các cơ quan liên quan đến di sản và cộng đồng trong quá trình tổ chức Lễ vinh danh di sản. Góp ý tại buổi làm việc, ông Nguyễn Công Trung, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở cho rằng: “Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” là di sản văn hóa phi vật thể, phải gắn với cộng đồng địa phương, gắn với nghệ nhân. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của họ”.
Giá Chầu Lục trong Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại phủ Tiên Hương, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ảnh: Hồ sơ UNESCO
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên nhấn mạnh: Lễ đón nhận cần được tổ chức thực sự nghiêm túc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng về công tác tổ chức lễ hội. Đồng thời, không được hành chính hóa hay sân khấu hóa mà cần trả về cho cộng đồng – cho chính chủ thể của di sản.
Đây cũng là cách thể hiện tinh thần trách nhiệm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam nói chung, tỉnh Nam Định nói riêng đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nhân loại, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với công tác bảo tồn phát huy giá trị của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Thứ trưởng cho rằng, tỉnh Nam Định cần có kế hoạch tổ chức cụ thể và hoàn thiện sớm để gửi lại Bộ VHTTDL thẩm định, góp ý và trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL phê duyệt. Sau đó sẽ tổ chức họp báo công bố và tổ chức chương trình.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng lưu ý, di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” có nhiều đặc trưng khác so với di sản phi vật thể khác đã được vinh danh. Bộ trưởng cho rằng, cần chú trọng tới các hoạt động truyền thông về di sản, gồm cả nội dung về giá trị, chủ trương bảo tồn cũng như vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề quản lý di sản. Vì vậy, trước, trong và sau lễ vinh danh, chúng ta vẫn phải tiếp tục chuẩn bị những nội dung để tuyên truyền về di sản, tránh các hiện tượng biến tướng, mê tín, trục lợi có thể phát sinh.