Quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, thiếu đồng bộ

Chính trị - Ngày đăng : 18:52, 16/08/2017

Sáng 16/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, UBTVQH đã tiến hành chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Phó Thủ tướng Chính phủ; Bộ trưởng các Bộ: Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư cùng tham gia trả lời chất vấn; Chủ UBND thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tham gia giải trình thêm những vấn đề liên quan.

Một số quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu

Theo báo cáo, hiện nay khu vực đô thị đóng góp trên 50% GDP, khoảng 2/3 giá trị sản xuất công nghiệp, 2/3 giá trị xuất khẩu, hình thành những khu công nghiệp, khu chế xuất hiện đại. Quy hoạch phát triển các khu đô thị cơ bản tốt. Tuy nhiên, một số quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tính khả thi thấp. Hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị phát triển không đồng bộ, không đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển kinh tế và dân số dẫn tới nhiều hệ lụy: ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông, ngập lụt, dịch vụ kém phát triển, nhà ở xã hội thiếu gay gắt. Với tác động ngày càng bất lợi của của biến đổi khí hậu, các hệ lụy trên ngày càng trầm trọng, gay gắt, nhất là các đô thị như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Phiên chất vấn đã có 17 đại biểu Quốc hội (ĐB) đặt câu hỏi đối với Bộ trưởng Bộ xây dựng và có nhiều ý kiến yêu cầu các bộ, ngành giải trình thêm những vấn đề có liên quan.

ĐB Nguyễn Kim Thúy, Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) và một số ĐB khác đề cập đến vấn đề thực tế hiện nay quy hoạch đô thị rất thiếu tầm nhìn nên có vấn đề, thiếu trầm trọng khâu xử lý nước thải; buông lỏng quản lý quy hoạch dẫn đến nhiều sai phạm, khu đô thị không có trường học, bệnh viện; tình trạng xây dựng sai phép, không phép, lấn chiếm đất công,… và trách nhiệm của Bộ trưởng trong xử lý vấn đề này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian qua, quy hoạch đô thị đã đạt kết quả lớn, với 805 đô thị, đóng góp cho sự phát triển kinh tế đáng kể cho đất nước. Nhưng vẫn còn một số hạn chế, đó là chất lượng làm quy hoạch, tầm nhìn quy hoạch chưa phù hợp nên thiếu tính khả thi. Cùng với đó là sự khớp nối, thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch chưa cao. Khâu quản lý quy hoạch cũng vậy, thực hiện chậm, không đồng bộ, chắp vá. Nguyên nhân do cơ quan nhà nước đã làm không đúng chức trách của mình, ví dụ sau quy hoạch phải xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện, công khai quy hoạch, cắm mốc giới… nhưng thực hiện chậm.

Bên cạnh đó, sự giám sát của cộng đồng còn hạn chế, thanh tra, kiểm tra có thực hiện nhưng chưa thường xuyên liên tục, xử lý một số vụ chưa kiên quyết kịp thời, tạo tiền lệ cho các vi phạm. Có lúc đã buông lỏng khâu tổ chức quản lý quy hoạch, dẫn tới hệ lụy như ùn tắc giao thông, ngập lụt, lấn chiếm đất, vi phạm về cấp phép, không phép, sai phép…

Việc xây dựng không phép, sai phép là một trong những hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch. Đây là thực tế có thật, hiện nay các địa phương tăng cường quản lý, nhất là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, tỷ lệ sai phép, không phép giảm dần, năm 2016 khoảng 12-13% sai phép, không phép, với hơn 15.000 công trình. Nguyên nhân do giấy phép được cấp không đúng quy hoạch, thiết kế đô thị được duyệt, hoặc được cấp đúng nhưng chủ đầu tư cố tình vi phạm và không thường xuyên thanh tra kịp thời, có những vụ chỉ phát hiện sau khi báo chí đưa tin; có những việc lại không xử lý dứt điểm.

Quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, thiếu đồng bộ

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu

Tuy nhiên, Bộ trưởng Xây dựng cho rằng: “Chúng tôi nhận trách nhiệm nhưng cam kết thì rất khó, cá nhân tôi dù rất có trách nhiệm nhưng cũng không dám cam kết. Vì  cần phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương”.

Giao thông hai thành phố lớn ùn tắc rất nghiêm trọng

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Kim Thúy và một số ĐB, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói, việc vi phạm QHXD của các chủ đầu tư trên địa bàn TP Hà Nội trong nhiều năm qua là có thật. Một số chủ đầu tư đã có vi phạm quy hoạch chi tiết, như khu chung cư Đại Thanh có vi phạm chiều cao và mật độ. Để khắc phục, trách nhiệm trước tiên thuộc về TP. Hà Nội trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thiếu giám sát, kiểm tra. Ý thức chủ quan thuộc về chủ đầu tư cố tình vi phạm. Để khắc phục, TP. Hà Nội đã tăng cường phối hợp với Bộ Xây dựng, các cơ quan thanh tra tổ chức thanh tra kiểm tra, giao trách nhiệm chính quyền địa phương nơi có khu đô thị và thời gian qua cũng đã xử lý nhiều sai phạm.

Việc chỉnh trang đô thị, khắc phục nhà siêu mỏng, siêu méo, nhiều năm nay TP. Hà Nội liên tục rà soát. Ngay trong năm 2016 và 6 tháng 2017, vấn đề này đều được đưa ra tại 2 kỳ họp, chất vấn với lãnh đạo Sở Xây dựng và quận huyện. Sự quyết liệt chỉ đạo của Thành ủy và vào cuộc của HĐND thành phố nên tình trạng này giảm rõ rệt. Một vấn đề nữa là trong nhiều năm qua, tình trạng ngập lụt gây bức xúc cho người dân Thủ đô sau mỗi cơn mưa lớn. Thành phố đang tập trung nạo vét các sông hồ trong nội đô và ngoại thành để cải thiện tình  trạng này.

Liên quan đến sai phạm tại nhà số 8B Lê Trực, ông Chung cho biết, hiện nay đã hạ toàn bộ tầng 19 của tòa nhà. Để hạ tiếp các tầng tiếp theo, theo dự án được phê duyệt chi tiết thì lên từ tầng 14 giật cấp vào. Để đảm an toàn công trình, chủ đầu tư cùng thành phố Hà Nội đang trình phương án kỹ thuật, mời một số nhà khoa học nghiên cứu xem nếu cắt như vậy có bảo đảm an toàn cho người dân vào ở sau này hay không. “Hiện thành phố đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ thẩm định kỹ thuật liên quan đến việc cắt như vậy có bảo đảm an toàn không và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất”, ông Chung cho biết.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cũng nêu vấn đề hiện thành phố này đang chịu áp lực rất lớn về vấn đề hạ tầng giao thông đô thị. Với số dân hiện tại, cộng thêm bình quân mỗi ngày có 1 ngàn phương tiện tham gia giao thông được đăng ký mới trong khi hạ tầng không mở rộng; chưa kể TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn nên các phương tiện giao thông từ các tỉnh đổ về nên thành phố quá tải nặng nề. Với sự phát triển quy mô dân số và phương tiện như vậy tạo áp lực rất lớn lên thành phố. Hiện mỗi gia đình thành phố chỉ tăng 1,6 con nhưng tăng dân số cơ học hàng năm khoảng 130 ngàn người. Hiện thành phố cũng đang tìm nhiều giải pháp đầu tư các tuyến metro, giãn dân ra ngoại thành… nhưng thiếu vốn trầm trọng.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông lại cho rằng việc triển khai lập quy hoạch với hạ tầng giao thông hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh khá đồng bộ, còn chưa đồng bộ là về viễn thông và thoát nước. Tình trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra, do tỷ lệ đất dành cho giao thông theo chuẩn quốc tế 24-26%, nhưng mỗi thành phố hiện chỉ có 7-8% cho việc này. Giải pháp đưa ra là tổ chức giao thông, kết hợp phân tuyến, di dời,… nhưng chỉ khai thác không gian hạn chế. Việc khai thác và đấu giá quỹ đất mặt đường để lấy tiền đầu tư hạ tầng như các nước cần phải quy định trong luật để thực hiện.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định: Trả lời của các Bộ trưởng, lãnh đạo thành phố là khá rõ. Nhiều năm qua, các khu đô thị đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, quy hoạch phát triển đô thị còn nhiều bất cập, hiệu quả thấp, thiếu đồng bộ; đầu tư chậm. Tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng, quá tải trường học bệnh viện ngày càng gia tăng; tình trạng cháy nổ diễn biến nghiêm trọng…

Thời gian tới đề nghị Chính phủ tập trung vào những nhiệm vụ như những gì ĐB đã quan tâm, chất vấn. Khẩn trương hoàn thiện một số luật có liên quan trình Quốc hội thông qua; tăng cường kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng phát triển đô thị; kiểm soát quá trình xây dựng đảm bảo an toàn, theo quy hoạch để tránh áp lực lên hạ tầng; hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải; đầu tư phát triển đô thị vệ tinh để giảm áp lực tại các thành phố lớn; xử lý nghiêm những vi phạm trong đầu tư xây dựng…

Mai Thoa