Nhà văn Hoàng Anh Tú: Xin đừng giết nốt cái Tết sót còn!

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:45, 17/01/2017

Một năm còn lại bao nhiêu ngày lễ mang ý nghĩa và bản sắc người Việt, của riêng người Việt??? Hay rồi ta sẽ chỉ còn hân hoan với Valentine, với Halloween, với Noel, Black Friday, Ngày của Mẹ, Ngày của Cha...

Hôm qua, trong chương trình "Tết nay còn lại bao nhiêu?" của Diễn Đàn Văn Học Nghệ Thuật (sẽ phát 10h sáng mùng 2 Tết trên VTV1), tôi và 2 khách mời nữa cùng tranh luận và chia sẻ quan điểm của mình về Tết cổ truyền.

Tôi thừa nhận rằng Tết nay đã khác Tết xưa. Thừa nhận rằng nhiều thứ đã nhạt nhoà. Cổ suý người ta chọn cách đi du lịch trốn Tết. Than thở về cái cách người lớn tạo ra "thuốc độc" lì xì trong đầu con trẻ. Thậm chí đứng về phía những người "giảm thiêng liêng" của Tết bằng quan điểm: Cúng gì cho các cụ? Cúng những thứ mình sẽ ăn chứ không cúng theo quy ước cổ truyền kiểu mâm ngũ quả phải là 5 loại quả không được có hạt. Tôi cũng nói mình thậm ghét bánh chưng. Ghét câu đối. Đặc biệt là ghét những thứ chữ Việt giả chữ Hán. Tôi thấy những thứ đó mới là thủ phạm khiến nhiều người trẻ trong đó có tôi: Ghét va sợ Tết.

Nhưng nếu bỏ Tết cổ truyền thì tôi phản đối. Nói như nghệ sỹ nhân dân Lan Hương: Chừng nào người ta bỏ đi cái ban thờ gia tiên, thần linh thì khi đó có thể bỏ Tết. Chừng nào chúng ta còn Tết, chúng ta còn Việt. Tết không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa những người đang sống mà nó còn là cuộc gặp gỡ với những người đã khuất. Nhiều người bài Tết là bởi ghét Tàu, cho rằng Tết bắt nguồn từ Tàu. Nhưng Tết Tàu có bánh chưng không? Phong tục Tết khác nhau bao nhiêu??? Chúng ta bài Tàu một cách trẻ con như thế đến bao giờ nữa? Sao không bài Tàu bằng cách làm đậm đà thêm những bản sắc Việt???

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Xin đừng giết nốt cái Tết sót còn!

Tết nhạt vì ai? Muôn năm hoa đào vẫn màu đó, vạn năm hoa mai vẫn rạng rỡ thế kia sao kêu Tết nhạt??? Có những thứ biến tướng như tục lì xì, như rượu chè liên miên, như cờ bạc khắp lối, như lễ hội nối nhau dài dằng dặc là bởi chính ta đã nhìn nó móp méo đi bằng những định kiến của mình. Cái đó là phải tự mình răn mình, tự mình từ chối sao lại đổ lỗi cho Tết? Như cái kiểu đổ lỗi cho mạng mẽo làm người ta sống ảo. Như cái kiểu kết tội Facebook làm người với người xa nhau vậy!

Văn hoá là thứ "sống", nó biến đổi dần theo thời gian, thời đại. Chẳng thể cứ ép nó nguyên mẫu 100 năm trước thế nào 100 năm sau phải vẫn vẹn nguyên như thế. Nhưng cái cốt lõi của Tết, giá trị của Tết thì còn nguyên giá trị. Xưa người ta có thể ăn Tết 15 ngày, cả tháng thì nay dù Tết chỉ còn 3 ngày cũng có sao? Miễn là 3 ngày ấy chúng ta có đủ lòng trọn vẹn hưởng Tết. Ai kêu rằng nó đình trệ sản xuất, nó làm cho xã hội toàn thụ hưởng thay vì lao động thì điều đó cũng chỉ là bởi đặc tính nông nhàn của tầng lớp lao động dưới quê. Rồi cũng như mọi thứ khác nó sẽ phải thay đổi theo sức ép của xã hội chứ không phụ thuộc vào việc bỏ Tết cổ truyền. Nó giống như việc chúng ta suốt ngày mắng chính quyền rằng cứ cái nào không quản được là cấm. Vậy mà chính chúng ta lại như vậy đấy thôi trong việc muốn xoá bỏ Tết cổ truyền.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Xin đừng giết nốt cái Tết sót còn!

Tết là dịp để mọi người, dù có làm ăn xa cũng trở về nhà, quây quần bên mâm cơm, chúc nhau một năm mới an khang-thịnh vượng. Ảnh: Nguyễn Dương

Và cuối cùng, ai ghét Tết, muốn bỏ Tết thì cứ việc đưa nhau đi trốn Tết. Tôi vẫn cứ yêu đến tha thiết những ngày giáp Tết, đêm giao thừa và cả những ngày đầu năm mới!

....Hơi phân vân đôi chút, nếu người Việt bỏ Tết ta cùng ăn Tết Tây, mai đào sẽ phải nở sớm, không biết bà con có còn ăn thịt kho hột vịt, thịt đông, dưa kiệu, bánh Chưng bánh Tét,... hay sẽ thay thế luôn món Tây: Gà quay, Pate, bánh cookie, thịt nướng kem bơ nhỉ?

Chưa kể trang trí Tết Tây và Tết Ta cũng khác nhau nữa mà.

Tết là dịp hướng về quê hương, cội nguồn...

Dù đi muôn phương vẫn cố tranh thủ quay về gia đình, có những người xa nhà không về được vẫn lòng vẫn hướng về. Chính vì vậy mà trong những Tết đường phố thành thị - nơi mà hằng ngày kẹt xe, khói bụi mưu sinh... bỗng trở nên vắng hoe... Tết không phải chỉ ăn chơi nữa mà là khoảng thời gian nhìn lại, nhớ ơn ông bà tổ tiên, cha mẹ người thân, là dịp nhìn lại một năm cũ phấn đấu cho năm mới! TẾT mang nhiều màu sắc phong tục tập quán, tín ngưỡng, văn hóa thú vị được diễn ra.

Nghe người lớn kể, Tết của họ ngày xưa ở Việt Nam, đơn sơ mà ấm nồng lắm, chỉ cần nghe tiếng trống lân cũng rộn ràng, có dĩa bánh mứt "thèo lèo cứt chuột" cũng thấy không khí xuân; chỉ 1 chiếc áo mới, hay một đôi dép mới cũng đủ tươi đẹp... Tết ngày nay, có vẻ có chút áp lực là do nhịp sống hiện đại hơn thua, nhưng điều đó không có nghĩa bỏ đi cái văn hóa cội nguồn của dân tộc mà các nước Phương Tây cảm thấy rất thú vị và ngưỡng mộ. Đừng áp đặt Tết là bắt nguồn của Trung Hoa, hạn chế kinh tế, ngày nghỉ dài ảnh hưởng lao động...

Tùy vào mỗi quốc gia mà áp dụng, đâu phải chúng ta sẽ làm được như các nước khác, nếu so sánh với Nhật chẳng hạn, sợ chúng ta hơi chậm và phía sau họ. Còn các nước Lào, Thái,... họ vẫn giữ Tết riêng của mình, bản sắc của mình và thu hút du khách đến. Vậy liệu ai dám chắc chắn rằng bỏ Tết Ta nền kinh tế của chúng ta sẽ phát triển? Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự đánh đổi văn hóa của dân tộc sẽ không còn nếu như đây là sai cách?

Ở các nước Phương Tây cùng thừa hưởng chiếc nôi văn minh và họ biết cách phát triển tự hào về nền văn minh của riêng mình, quanh năm họ có nhiều ngày lễ ý nghĩa nhưng điều đó vẫn thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Hòa nhập nhưng không hòa tan, ví dụ kêu bỏ tết Tây của tôi, chỉ đón tết Ta, tôi cũng không chịu đâu nha!

Kyo York

 

 

Nhà văn Hoàng Anh Tú