Ngày xuân nói về văn hóa rượu cần của người Thái

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:55, 14/01/2017

Không ai còn nhớ rượu cần có từ bao giờ, nhưng với đồng bào Thái trên đất Quỳ Châu-Nghệ An thì rượu cần luôn có mặt trong các cuộc vui, hiếu, hỉ và lễ hội.

Và từ đời này, sang đời khác người phụ nữ thái đã truyền lại cho cho con gái các bí quyết để làm nên một vò rượu cần.

Ngược đường 48, tìm về làng thái cổ Hoa Tiến, xã Châu Tiến Quỳ Châu, chúng ta sẽ có dịp hiểu thêm về những nét đẹp tinh túy trong văn hóa rượu cần của đồng bào Thái nơi đây nói riêng và đồng bào Thái ở Quỳ Châu nói chung.

Ngày xuân nói về văn hóa rượu cần của người Thái

Bà Miết (mặc áo hoa) đâm gạo để làm men rượu

Bà Hà Thị Miết, bản Hoa Tiến là một người có thâm niên hơn 30 năm làm rượu cần chia sẻ: Rượu cần ngon hay không phụ thuộc vào viên men, và bí quyết này tùy thuộc vào mỗi gia đình. Men được làm từ bột gạo nếp hoặc gạo tẻ trộn với lá đào để tạo hương thơm và độ đắng, ngọt của rượu. Gạo sau khi được ngâm khoảng 1 giờ đồng hồ rồi vớt lên để ráo nước và đem giã nhỏ. Làm men rượu cần không được dùng máy xay, mà phải giã bằng tay rượu mới ngon. Vừa giã vừa cho nắm lá đào vào chung và giã đều tay. Bột men không giã nhỏ quá, cũng không to quá, sau đó trộn đều với nước và vắt thành bánh. Khi  vắt người ta vắt theo hình tròn và hình bầu dục và trong văn hóa phồn thực của đồng bào thái gọi là bánh đực và bánh cái. Đây là tín ngưỡng phồn thực trong dân gian mong muốn duy trì nòi giống ngày càng phát triển và người đàn ông luôn là trụ cột của gia đình. Sau đó ủ men vào trấu khoảng 15 ngày thì gác lên bếp và 1 tháng thì dùng được.

Để có một vò rượu ngon, thì việc chọn trấu cũng không kém phần quan trọng, phải là trấu của lúa nếp sạch và thơm. Trấu sau đó rửa sạch và trộn đều với gạo, nếp hoặc sắn đã được giã nhỏ và bắc lên hông chín giống như hông xôi. Khi chín đổ ra nong quạt nguội và rắc men trộn đều. Cuối cùng cho nguyên liệu vào vò nén chặt và bịt kín miệng. Vò nhỏ thì từ 15 đến 20 ngày có thể dùng được, còn vò to từ 1 tháng đến 6 tháng mới dùng được, nói chung rượu trấu để càng lâu càng ngon, càng nồng.

Ngày xuân nói về văn hóa rượu cần của người Thái

Trộn cơm rượu sau khi được hông chín với men chuẩn bị bỏ vào vò

Còn trong cách uống rượu cần, tùy theo vò to hay nhỏ để cắm cần cho hợp lý, nhưng tất cả đều ở số chẵn vì với đồng bào Thái cái gì cũng phải có cặp, có đôi. Các dụng cụ dùng để uống rượu cần là phong rượu, được làm bằng sừng trâu hoặc sừng bò. Xe rượu hay còn gọi là cần rượu được làm bằng cây trúc trên rừng hoặc bằng cây mây. Gáo múc nước được làm bằng tre, lùng hoặc nứa già, ngày nay người ta có thể thay thế bằng gáo nhựa. Lúc uống rượu khách quý và người cao tuổi nhất bao giờ cũng được mời uống trước với người phụ nữ chủ nhà. Sau đó mới đến lượt những người cao tuổi khác được sắp xếp tuần tự vừa có sự đan xen giữa chủ nhà và khách, vừa có nam, có nữ, vừa có người khỏe người yếu. Đảm bảo ai cũng được uống và đạt được quy định về lượng nước thêm vào trong vò.

Ngày xuân nói về văn hóa rượu cần của người Thái

Cơm rượu đã được bỏ vào vò và đậy kín

Người Thái cũng như người miền xuôi, lời chào bao giờ cũng cao hơn mâm cỗ. Vì vậy,  khi được mời uống rượu cần, nếu bạn chối từ, điều đó có nghĩa bạn đang chốn từ tấm chân tình của gia chủ và lời chúc cho gia chủ an khang, thịnh vượng. Lời cúng mở rượu cần trước khi uống là nghi lễ không thể bỏ qua ở bất cứ cuộc uống rượu cần nào.  Nhưng khác với cách uống rượu cần của người Thái Tây Bắc và rượu cần của Tây nguyên khi uống không cần Cham. Còn với người Thái miền tây bắc nghệ an nói chung và đồng bào Thái ở Quỳ Châu nói riêng khi uống rượu cần phải có ông Cham, nói cách khác là người làm trọng tài trong rượu cần. Cham giỏi là người mời rượu giỏi, làm cho ai cũng uống hết mình, vui hết mình. Rượu cần có hầu hết ở các cuộc vui, buồn của người Thái. Mỗi cuộc rượu có một cách uống khác nhau.

Ngày xuân nói về văn hóa rượu cần của người Thái

Rượu cần có hầu hết ở các cuộc vui, buồn của người thái

Ngày nay, với sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, có nhiều loại rượu đắt tiền, sang trọng hơn và dễ làm hơn. Vì thế, văn hóa rượu cần của đồng bào Thái cũng đã ít nhiều thay đổi, những lời chào, lời mời, câu nhuôn, câu suối trong các cuộc rượu cần cũng ngắn và ít dần. Nhưng với đồng bào Thái không thể không có rượu cần nhất là vào dịp tết và lễ hội. Bởi rượu cần, là một nét đẹp đặc trưng riêng trong đời sống của cộng đồng người Thái, cần được bảo lưu và gìn giữ cho thể hệ mai sau.

Thảo My Lê Hoàn