Thủ tướng chủ trì họp bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Chính trị - Ngày đăng : 15:24, 12/08/2017

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% thì nửa cuối năm phải đạt mức tăng trưởng 7,42%.

Sáng 12/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp bàn các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế những tháng còn lại năm 2017.

Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ, ngành và tập đoàn, tổng công ty Nhà nước.

Thủ tướng chủ trì họp bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Phiên họp Thường trực Chính phủ bàn về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng năm 2017 

Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 6,7% thì nửa cuối năm phải đạt mức tăng trưởng 7,42%.

Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cuộc họp nhằm tập trung phân tích các thành tố của GDP và qua đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu 6,7% cả năm.

Chỉ ra mức tăng trưởng của nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, tập đoàn phải báo cáo cụ thể số liệu, tình hình và đưa ra giải pháp cụ thể đối với ngành mình.

Trong đó, nông nghiệp nửa đầu năm tăng chậm, chỉ đạt 2,65% trong khi mục tiêu đặt ra cả năm là 3,05%. Muốn đạt mục tiêu này, nửa cuối năm phải tăng trưởng 3,3%.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng chậm, chưa thể hiện là động lực tăng trưởng chính của GDP như các năm.

Với mức tăng 5,81% nửa đầu năm, muốn cả năm đạt 7,91% thì nửa cuối năm phải đạt mức tăng rất cao là 9,2%.

Ngành chế biến chế tạo nửa đầu năm tăng 10,52%, để đạt mục tiêu kế hoạch là 13% thì nửa cuối năm phải tăng trưởng 14%.

Ngành sản xuất phân phối điện nửa đầu năm tăng 8%, nên Thủ tướng cho rằng đây là câu hỏi khó đối với ngành điện để đạt tăng trưởng 11% cả năm.

Với các tập đoàn, tổng công ty, Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

Với Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Thủ tướng yêu cầu báo cáo các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, nhất là tiêu thụ than, nhất là 1 triệu tấn than tiêu thụ được sẽ đóng góp 0,17%GDP.

Ngành xây dựng 6 tháng mới tăng 8,5%, trong khi mục tiêu đề ra cả năm là 10,5%. Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thống kê báo cáo cụ thể về ngành này, trả lời câu hỏi tại sao tăng trưởng đầu năm lại thấp như vậy. Bởi thực tiễn thị trường bất động sản hết sức sôi động. Các dự án xây dựng phát triển khắp mọi nơi, không chỉ khu vực Nhà nước mà rất nhiều dự án khổng lồ của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, FDI.

Thủ tướng chủ trì họp bàn giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Toàn cảnh phiên họp.

Để góp phần thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng, Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch, lộ trình để đảm bảo tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21-22%.

Đi liền với đó là đảm bảo chất lượng tín dụng, cơ cấu các tổ chức tín dụng, xử lý nợ xấu, quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản và kiểm soát lạm phát. Việc giải ngân phải đảm bảo sớm và không giật cục.

Đối với giải ngân vốn đầu tư, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ báo cáo tình hình giải ngân, kể cả vốn ODA, đưa ra các giải pháp đảm bảo tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-34% GDP. Bởi nếu đạt được mục tiêu này sẽ đóng góp rất lớn vào GDP.

Nhắc lại năm nay là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành rà soát để giảm chi phí cho doanh nghiệp, kể cả phí BOT. Hiện lãi suất ngân hàng đang thực hiện giảm từ 0,5%/năm trở lên.

Về thương mại, trước thực tế nhập siêu lớn, đã trên 3 tỷ USD, Thủ tướng yêu cầu các Bộ báo cáo giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và kiểm soát tốt hơn nhập siêu.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nửa đầu năm, khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012, đóng góp 2,59 điểm phần trăm vào GDP.

Trong đó các ngành chiếm tỷ trọng lớn đều tăng trưởng ấn tượng như bán buôn và bán lẻ, dịch vụ lưu trú và ăn uống, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm, kinh doanh bất động sản.

Trong khi đó công nghiệp khai khoáng giảm sâu. Tăng trưởng toàn ngành công nghiệp chủ yếu do ngành công nghiệp biến, chế tạo.

PV