Chương trình giới thiệu văn hóa “Tín ngưỡng Thờ Mẫu trong tâm thức người Việt”
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 21:56, 11/12/2016
Chiều 11/12, chương trình giới thiệu văn hóa “Tín ngưỡng thờ Mẫu trong tâm thức người Việt” do Ban quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với một số đơn vị tổ chức, đã diễn ra tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ tại địa chỉ 50 Đào Duy Từ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Chương trình được đánh giá là một hoạt động thiết thực nhân sự kiện di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Người Việt” được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1/12 vừa qua.
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trong cả nước cũng như cộng đồng người Việt nước ngoài.
Tín ngưỡng thờ mẫu là một hệ thống các sinh hoạt văn hóa, gồm những sáng tác văn chương về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, lễ hội dân gian và nhiều giá trị khác chứ không phải như nhiều người đang hiểu sai tín ngưỡng thờ Mẫu là hầu đồng như hiện nay.
Chia sẻ trong chương trình giới thiệu văn hóa “Tín ngưỡng Thờ Mẫu trong tâm thức người Việt”, GS.TS Nguyễn Chí Bền mong muốn, sau khi được UNESCO công nhận, qua di sản này, nhân loại sẽ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam.
Chương trình mở đầu với màn hát văn Công đồng do Nghệ nhân dân gian Hoàng Trọng Kha, Nghệ nhân dân gian Cung văn Vũ Ngọc Châu và Cung văn Trịnh Họa trình diễn.
Tiếp sau đó là các hoạt động nói chuyện giao lưu, diễn xướng hầu đồng tại sự kiện. Trong khuôn khổ diễn ra sự kiện, chúng tôi đã có cuộc trao đổi ngắn với Thanh đồng Nguyễn Văn Minh, Thủ nhang Đền Đức Thánh Vua Bà Linh từ, quận Hai Bà Trưng – Hà Nội, để có những góc nhìn xoay quanh việc giới thiệu văn hóa “Tín ngưỡng Thờ Mẫu trong tâm thức người Việt”.
Trong tín ngưỡng thờ Mẫu khi được hiểu sai có rất nhiều người đòi hỏi con nhang, đệ tử phải có lễ lớn, thể hiện sự hoành tráng và điều này vô cùng lãng phí. Với cá nhân anh thì một giá hầu đồng như thế nào là đúng chuẩn và không phải mê tín dị đoan?
- Người dân mình ngày nay có một nhận thức tốt đẹp hơn về tín ngưỡng thờ Mẫu, hiện nay người theo tín ngưỡng thờ Mẫu rất đông đảo. Tuy nhiên, về vấn đề mà bạn hỏi để đặt ra một tiêu chuẩn cho một giá hầu khi tiến hành nghi lễ thì theo nghi thức hầu thánh người thực hiện là những thanh đồng. Các đồng thầy cũng chỉ mang tính chất đại diện, chưng diện cho thánh bước chân lên hầu thánh chứ không mang quá nhiều vấn đề lạm dụng về kinh tế. Riêng bản thân tôi thấy rằng, nếu để lãng phí thì không đúng với nghi lễ hầu thánh. Vấn đề đặt ra là rất cấp thiết đòi hỏi nhà nước và các ban ngành hỗ trợ để làm sao gìn giữ và đưa nghi lễ hầu thánh được đúng tiêu chuẩn.
Trong một giá hầu thì tiêu chuẩn về vàng mã như thế nào là đạt yêu cầu?
- Nghi thức thờ Mẫu đã có từ rất lâu đời, với xã hội ngày nay việc đặt ra tiêu chuẩn về việc phải có mã to mã đẹp thực ra không hề cần thiết, quan trọng là người theo tín ngưỡng phải am hiểu và có nhận thức đúng khi mình hầu mẫu hầu thánh chứ không mang tính chất khoe tiền của hay lợi dụng về tín ngưỡng. Điều phung phí là hoàn toàn không nên.
Khi di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, với riêng anh là một người có trách nhiệm để gìn giữ di sản văn hóa này thì anh đã làm những gì để có thể phát huy được giá trị của tín ngưỡng thờ mẫu?
- Bảo tồn di sản văn hóa được UNESCO công nhận giúp người dân Việt Nam và thế giới hiểu biết về đất nước Việt Nam qua tín ngưỡng thờ Mẫu. Với bản thân tôi khi thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, tôi cảm thấy rất vui khi giúp được nhiều người có được đời sống tinh thần tốt đẹp hơn, hiểu sâu sắc hơn về tín ngưỡng. Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng mình sẽ luôn cố gắng gìn giữ để Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phát triển đạt đúng những tiêu chuẩn của UNESCO đã công nhận. Để xã hội và thế giới biết tới Việt Nam là một đất nước gìn giữ và phát huy theo đúng tiêu chuẩn mà UNESCO công nhận.
Thanh đồng Nguyễn Văn Minh, Thủ nhang Đền Đức Thánh Vua Bà Linh từ trong trang phục Giá Quan Lớn Đệ Nhị Thượng Ngàn
Ngày nay, không chỉ những người trung niên, người có tuổi coi trọng Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, mà ngay cả thế hệ trẻ cũng rất quan tâm và thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở khắp các vùng miền, xin anh cho biết quan điểm cá nhân về điều này?
- Giới trẻ, thế hệ trẻ quan tâm và gìn giữ văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu là một tín hiệu tốt. Họ am hiểu và biết tới tín ngưỡng thờ mẫu như vậy sẽ giúp cho thế hệ về sau này sẽ đặt ra cho bản thân về cuộc sống và về tâm linh một cách đúng nghĩa và đi theo con đường tương lai tươi sáng hơn.
Ranh giới giữa mê tín dị đoan và hình thức thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 17h15 giờ địa phương (21h15 giờ Việt Nam) ngày 1.12.2016, là rất khó để phân biệt rạch ròi. Vậy theo anh chúng ta nên làm điều gì đề chia sẻ sự hiểu biết đúng đắn về giá trị tiêu biểu của tín ngưỡng thờ Mẫu và nghi lễ thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đến rộng rãi cộng đồng?
- Theo tôi rất nên có những cuộc trò chuyện, giao lưu về văn hóa tâm linh và tín ngưỡng thờ Mẫu giúp người dân hay những thanh đồng khác hiểu sâu sắc về tín ngưỡng thờ Mẫu để không đi theo con đường sai lầm và tránh những tình trạng lừa đảo, gian lận trong vấn đề tâm linh, tín ngưỡng. Thực ra vấn đề này bức thiết đòi hỏi các ban nghành cùng với truyền thông, truyền hình, báo chí giúp đỡ để tuyên truyền, quảng bá rộng rãi cho người dân hiểu đúng về văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu. Từ đó, tránh được những việc làm hay con đường sai lầm.
Với những người gìn giữ văn hóa tín ngưỡng thờ mẫu như tôi thì từ khi thực hành tín ngưỡng thờ mẫu đến nay, tôi luôn đi theo cái tâm của mình chứ không mang tính chất lạm dụng về tiền bạc.