Thanh Hóa: Kỷ niệm 130 năm Khởi nghĩa Ba Đình
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:27, 26/11/2016
Chiến khu khởi nghĩa Ba Đình
Sau khi vua Hàm Nghi ra Chiếu Cần vương, kêu gọi toàn dân cứu nước, nhân dân các thôn Mậu Thịnh, Thượng Thọ, Mỹ Khê của huyện Nga Sơn đã nhường lại nhà cửa, ruộng vườn từng bao đời gắn bó để nghĩa quân xây dựng căn cứ Chiến khu Ba Đình. Các thủ lĩnh: Đinh Công Tráng, Phạm Bành đã chỉ đạo xây dựng thành luỹ kiên cố.
Từ căn cứ Ba Đình vững chắc, nghĩa quân chủ động mở những trận tập kích, tấn công gây cho địch nhiều thiệt hại. Hoang mang, lo ngại nên cuối năm 1886, đầu 1887, giặc Pháp điên cuồng mở các cuộc tấn công và tìm mọi cách tiêu diệt căn cứ Ba Đình. Sau nhiều ngày chiến đấu anh dũng, gây cho địch nhiều tổn thất, để dành sức cho cuộc chiến đấu lâu dài, Phạm Bành và Đinh Công Tráng quyết định rút quân khỏi căn cứ Ba Đình.
Dùng sắt và lửa để chiếm căn cứ Ba Đình, nhưng giặc Pháp không thể dập tắt được ý chí và tinh thần yêu nước của người dân Nga Sơn. Ngọn cờ Cần Vương yêu nước vẫn phất cao trong thời gian dài, làm cho bè lũ cướp nước và bán nước khiếp sợ. Mặc dù chỉ ra đời và tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng tinh thần yêu nước của nghĩa quân Ba Đình vẫn mãi được khắc ghi trong lòng mỗi người dân đất Việt. Khởi nghĩa Ba Đình là biểu tượng cao đẹp của lòng yêu nước, sức mạnh đoàn kết, tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, trí thông minh, sáng tạo về nghệ thuật quân sự; trong đó, nghệ thuật xây dựng pháo đài chiến đấu ở Ba Đình đã góp phần làm phong phú thêm nghệ thuật quân sự truyền thống của dân tộc, để lại những kinh nghiệm quý báu trong xây dựng cứ điểm, làng chiến đấu trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa trao bức trướng cho Đảng bộ và nhân dân Nga Sơn
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng địa danh Ba Đình gắn với làng quê cách mạng Nga Sơn vẫn mãi mãi lung linh, tỏa sáng, tô đậm nét son trong lịch sử dân tộc.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa được thành lập (29-7-1930), chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở Nga Sơn được thành lập tại làng Thượng (xã Nga Thắng). Tháng 11-1946, Huyện ủy lâm thời Nga Sơn được thành lập, là bước ngoặt quan trọng khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng huyện Nga Sơn. Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, quân và dân Nga Sơn đã đóng góp nhiều sức người, sức của, trực tiếp chiến đấu, góp phần làm nên những chiến công lẫy lừng của dân tộc. Sau ngày đất nước thống nhất, đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong huyện dồn sức khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, mở công trường khai hoang, lấn biển, đưa hơn 300 ha vào trồng cói ở các xã Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy.
Từ năm 1986 đến nay, qua 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đảng bộ huyện đã vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn địa phương, lãnh đạo nhân dân khắc phục nhiều khó khăn, khơi dậy và phát huy tiềm năng thế mạnh, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, xây dựng Nga Sơn ngày càng giàu đẹp.
Tại lễ kỷ niệm, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trịnh Văn Chiến đã trao tặng Đảng bộ và nhân dân huyện Nga Sơn bức trướng mang dòng chữ: “Phát huy truyền thống anh hùng, đoàn kết, sáng tạo, xây dựng Nga Sơn trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2020”.