Sữa... El Nino và Canh cua - mộc nhĩ: Không đáng ngạc nhiên!
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 10:27, 25/11/2016
Cô gái này đã trở thành tâm điểm soi mói của cư dân mạng trong suốt mấy ngày qua sau phần thi Ai là triệu phú với câu trả lời: "El Nino là một loại sữa"...
Mới đây, mạng xã hội lại dậy sóng vụ cô nữ kỹ sư tham gia chương trình Ai là Triệu phú tưởng “El Nino là tên một loại sữa” và nghĩ canh cua có thể nấu với… mộc nhĩ. Cá nhân tôi cho rằng việc này dù không hay nhưng cũng không đáng ngạc nhiên lắm. Trong cuộc đời làm giáo viên của mình, tôi đã từng gặp rất nhiều trường hợp khó đỡ còn hơn thế nhiều.
Có lần tôi giao cho sinh viên về nhà làm bài tập thảo hợp đồng xuất khẩu gạo. Trong sách giáo khoa có hợp đồng mẫu về xuất khẩu lạc với điều khoản quy định phẩm chất là “hạt lạc to đều, không ẩm mốc, kích cỡ là 250 hạt lạc/kg”. Sinh viên ước lượng khoảng “10 hạt gạo = 1 hạt lạc” nên thảo là “hạt gạo to đều, không ẩm mốc, kích cỡ là… 2.500 hạt lạc/kg” mà không hề nghĩ rằng, chẳng ai ngồi đếm gạo cả!
Nhưng "bá đạo" nhất là có em lại ghi là “gạo trắng, hạt dài, có mùi thơm tự nhiên, kích cỡ mỗi hạt không dưới 0,8cm” (!). Đến khi đem bài ra chữa trước lớp (không nói là bài của ai), cả lớp cười rần rần. Nhìn xuống lớp, tôi thấy tác giả là một em gái. Xinh xắn, có vẻ con nhà khá giả và rất tự tin, và có vẻ… rất tự ái.
Tôi cũng không để ý vì nghĩ sinh viên sai là bình thường, chữa bây giờ để đến kỳ thi làm tốt hơn là được. Vậy mà không ngờ là đến buổi học sau, hết giờ học em đến tìm tôi với vẻ mặt rất trầm trọng, khẳng định với tôi “gạo nhà em” dài đúng như vậy. Trong lúc tôi đang há hốc mồm ngạc nhiên thì em chìa ra bằng chứng là…. mấy hạt cơm khô!!! Hóa ra một em gái học đại học đến năm thứ 3, tức là khoảng 20 tuổi, mà chưa từng một lần vào bếp để biết phân biệt gạo và cơm?!
Khi tôi kể chuyện này với một số phụ huynh để nhắc các vị bảo ban con cái thì rất nhiều bà mẹ thản nhiên: “Tôi chỉ cần con học giỏi, để sau này ra trường đi làm có lương cao. Chuyện cơm nước, nhà cửa cứ thuê giúp việc là được rồi”! Họ không hề nghĩ đó là kỹ năng sống để giúp con người phát triển toàn diện; chưa kể trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đầy biến động như hiện nay, ngoài kiến thức học ở trường lớp, thầy cô, sách vở, mỗi người cần phải tự trang bị cho mình những kỹ năng khác để thích ứng, tồn tại và phát triển.
Trong các bài viết của mình, tôi đã nhiều lần phàn nàn về việc người trẻ bây giờ quá thiếu kiến thức chung, lầm lẫn giữa vua Việt với vua Trung Quốc, không thể viết tên các nước cho chính xác, thậm chí chính tả, ngữ pháp cũng sai rất nhiều. Lên lớp hỏi sinh viên gần như không mấy em theo dõi các chương trình thời sự hay tài chính, kinh doanh…, yêu cầu nói tên nguyên thủ các quốc gia lớn cũng rất ít em nhớ. Thậm chí những người có học cũng có rất nhiều lỗi sai ngớ ngẩn. (Chỉ cần xem các buổi truyền hình trực tiếp hoăc đọc báo là thấy)…
Trong bối cảnh ấy, việc nữ kỹ sư biết hai ngoại ngữ mà chưa từng quan tâm đến El Nino hay để ý xem bát canh cua mình ăn nấu với rau gì, thiết tưởng cũng không có gì đáng ngạc nhiên lắm. Tuy nhiên, về trường hợp này tôi muốn góp thêm một vài ý:
1. Câu hỏi không rõ ràng, có vẻ người soạn câu hỏi chưa hiểu hết ý nghĩa trong câu hỏi của mình (?). El Nino là từ gốc tiếng Tây Ban Nha, nghĩa đen là "Đứa trẻ", có ý nói đến Chúa Giêsu Hài đồng, được dùng để chỉ hiện tượng trung bình 3-10 năm, ngư dân vùng biển tại Peru phát hiện ra nước biển ấm dần lên vào mùa đông, kéo theo hiện tượng hơi nước ở biển bốc lên nhiều hơn, tạo ra những cơn mưa lớn. Ngư dân đã gọi hiện tượng này là El Niño để đánh dấu thời điểm xuất phát của nó là gần Giáng sinh.
Ngày nay, khoa học đã chứng minh được rằng hiện tượng El Niño có ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu và thuật ngữ El Niño dùng để chỉ hiện tượng nước biển nóng lên, gây nên mưa bão và lụt lội. Vì vậy, lẽ ra chương trình nên đặt câu hỏi là “Thuật ngữ El Nino được dùng để chỉ hiện tượng gì?” thì sẽ chuẩn hơn.
Thuật ngữ El Nino được dùng để chỉ hiện tượng nước biển nóng lên, gây nên mưa bão và lụt lội
2. Với câu về canh cua cũng tương tự. Qua theo dõi nhiều gameshow trí tuệ của VTV, tôi nhận thấy một thực tế là dường như những người soạn bộ câu hỏi cho cuộc thi có vẻ “không để ý” đến sự khác biệt vùng miền (!?).
Cụ thể như chương trình Ai là Triệu phú kể trên. Người soạn câu hỏi đã không nói rõ là loại cua gì, vì cua đồng sẽ nấu khác của bể; còn rau đay rất phổ biến ở miền Bắc nhưng khá xa lạ ở miền Trung và miền Nam. Dù trong trường hợp này người chơi là người Bắc nhưng cũng nên lưu ý cho những trường hợp sau này.
3. Sau khi chương trình phát sóng, cô kỹ sư bị cộng đồng mạng “ném đá” không ít. Thế nhưng, đây cũng không phải chuyện hiếm gặp trong xã hội mạng phát triển rầm rộ hiện nay. Cách đây không lâu, nữ MC hải ngoại Nguyễn Cao Kỳ Duyên từng phàn nàn việc người Việt dường như thích chỉ trích hơn là khuyến khích, và cho đó là một rào cản nghiêm trọng khiến cộng đồng người Việt không đạt được nhiều thành tựu như những cộng đồng khác.
Người chơi trong trường hợp này là một cô gái trẻ có bằng đại học, biết hai ngoại ngữ, trong đó có tiếng Nhật - một ngôn ngữ khó học vào bậc nhất trên thế giới, sử dụng thành thạo hàng ngày với người Nhật - cũng là dân tộc nổi tiếng kỹ tính và đòi hỏi cao. Điều ấy chứng tỏ bạn này khá giỏi giang so với mặt bằng chung của Việt Nam, dù có vẻ không được cẩn thận và thiếu kiến thức xã hội nhưng không thể coi là dốt nát. Thêm nữa, bạn còn là một người vui vẻ, cởi mở hồn nhiên, dễ mến, chúng ta có thể góp ý chứ không nên nặng lời vì tôi tin rất nhiều người trong số chúng ta không bằng bạn, mà tôi là một ví dụ vì tôi không thể học được tiếng Nhật. Kết thúc chương trình bạn cũng trả lời qua được câu thứ 8, mang về phần thưởng 2 triệu đồng, tức là như đa phần người chơi khác chứ không kém hơn.
Vì thế, chúng ta hãy dừng bới móc nhược điểm của người khác. Thay vào đó, hãy tìm và học ở họ những điểm hay để rèn luyện và hoàn thiện bản thân. Bởi lẽ, nói như người xưa, biển học thì mênh mông, và học chẳng bao giờ là đủ!
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh hiện là giảng viên trường Đại học Ngoại thương. Hồi đầu tháng 8, cô từng làm dậy sóng cộng đồng mạng và truyền thông khi đăng dòng chia sẻ trên trang facebook cá nhân thể hiện thái độ bênh vực Hoa hậu Việt Nam 2014 Nguyễn Cao Kỳ Duyên sau khi BTC Hoa hậu Việt Nam đưa ra quyết định xử lý chính thức đối với người đẹp này. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ánh cũng nổi tiếng là người "dám đi ngược lại số đông" lên tiếng ủng hộ Huyền Chíp - tác giả cuốn sách ghi lại hành trình “Xách ba lô lên, và đi” - vốn bị chỉ trích gay gắt vào thời điểm đó. |
* Tít bài đã được đặt lại