Đình làng Hải Bối: Một di tích quý cần được xếp hạng
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 06:19, 25/11/2016
Theo bản khai thần tích thần sắc còn lưu tại Viện Thông tin khoa học xã hội, làng Hải Bối do ba vị Thiên thần - vốn là ba người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ đầu thai lập ra.
Truyền rằng, ba vị cùng theo mẹ Âu Cơ lên khai phá miền rừng núi, sau được phong làm Tam Đảo sơn thần. Về sau có ông Triệu Long và bà Đào Thị Loan người huyện Yên Lãng lên chùa Tây Thiên ở Tam Đảo cầu tự, đêm về thấy hiện lên ba người đội mũ, mặc áo đỏ, đai đen, xưng là Sơn thần và báo sẽ đầu thai vào ông bà.
Một thời gian sau, bà Loan mang thai, đến mồng 4 tháng Giêng năm Giáp Ngọ sinh ra một bọc ba người con trai, đặt tên là Triệu Nguyên, Triệu Chính và Triệu Lệnh. Ba người lớn lên đều thông thạo võ nghệ. Năm 21 tuổi, theo lời kêu gọi của Hai Bà Trưng, ba anh em tuyển mộ được ba nghìn binh sĩ và dẫn quân theo Hai Bà đánh quân Hán. Khi lên ngôi, Hai Bà đã phong cho ông Triệu Nguyên là Chỉ huy sứ Thượng tướng quân, ông Triệu Chính làm Tả đô đại tướng quân, ông Triệu Lệnh làm Hiển phu tướng quân.
Các ông đóng đồn ở Hải Bối chế ngự quân giặc ở Bắc sông Hồng, lập được nhiều chiến công. Giặc tan, cả ba ông được Hai Bà cho về lập ấp ở làng Hải Bối. Các ông đã chiêu tập dân các nơi lập nên làng ấp, vì thế được dân làng thờ làm Thành hoàng.
Ban thờ chính đình Hải Bối
Ngoài ba vị thiên thần, đến thời Mạc (1527- 1592), vua Mạc ban cho dân Hải Bối thờ Quốc công Phan Hữu Ngạn, là khai quốc công thần nhà Mạc, làm đến chức Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, Đông quân Đô đốc, Tước Tuyên lộc hầu. Ông có công làm cho làng Hải Bối hai ngôi chùa Bạch Khôi và Diên Phúc, lại cho dân làng 52 mẫu ruộng để làm ruộng thờ.
Hàng năm đến ngày mất của ông (mồng 10 tháng Chạp) dân làng tế lễ rất long trọng. Ông còn có công giúp dân làng Phú Gia ở bên kia sông Hồng (nay thuộc phường Phú Thượng quận Tây Hồ) thoát nạn triệt hạ của quân Trịnh vì đã giúp quân Mạc, nên giữa hai làng Phú Gia và làng Hải Bối kết nghĩa với nhau. Hiện nay mộ vị Quốc Công này táng tại xứ đồng thôn Hải Bối được gọi là “Lăng Quốc công”.
Theo thuyết trên thì ít nhất Đình Hải Bối (Đình Nhị) được xây dựng vào đời Nhà Mạc 1527-1592). Đình quay hướng Tây, có kiến trúc tương đối đồ sộ. Diện tích đình xưa khá rộng nhưng bị lấn chiếm hiện còn 474,9m2. Đình được trùng tu lớn năm 2003 bằng kinh phí do dân đóng góp.
Trong đình còn phối thờ ông Vũ Công Tể (1687-1742) năm 32 tuổi đỗ Đệ Nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ Tam danh (Thám hoa) khoa Mậu Tuất niên hiệu Vĩnh Thịnh, đời vua Lê Dụ Tông (1718). Năm Bảo Thái thứ 7 (1726) ông giữ chức Bồi tụng cùng Hồ Phi Tích lên biên giới Tuyên Quang hội đồng với Nhà Thanh xác định mốc giới giữa hai nước.
Đình Nhị là nơi hoạt động của Đội Công tác An toàn khu trung ương thời kỳ tiền khởi nghĩa (1941- 1945). Tại đây ngày 18 tháng 8 năm 1943, Chi bộ Hải Bối được thành lập là tiền thân của Đảng bộ Hải Bối ngày nay. Ngày 22 tháng 8 năm 1945 tại Đình Nhị, nhân dân Hải Bối tổ chức mít tinh thành lập chính quyền cách mạng.
Hiện đình còn lưu giữ một số câu đối cổ. Có hai bộ ghi lại danh tích của ba vị thần được nhân dân tôn thờ. Bộ câu đối thứ nhất:
Hệ xuất Hùng miêu, giáng đảo quy Diên phù mật chúc.
Đảng tông Triệu phả cầm Tô diệt Mã bá ninh thanh.
Nghĩa là:
Dòng dõi vua Hùng là thần núi Tam Đảo, sinh ra ở đất Chu Diên để giúp nước.
Nghĩa binh họ Triệu đánh đuổi Tô Định, tiêu diệt quân Mã Viện tiếng vang lẫy lừng.
Bộ câu đối thứ hai:
Thiên mệnh giám Trưng triều, đảo nhạc giáng trần sinh thượng tướng.
Địa đầu tiêu Triệu xí, Hải Bối đồn trọng trấn bại Tô sư.
Nghĩa là:
Mệnh trời soi triều vua Trưng, thần núi Tam Đảo xuống trần làm tướng giỏi.
Đầu bờ cõi giương cờ họ Triệu, đồn Hải Bối đánh quân Tô Định tác tan.
Đình Hải Bối thôn Nhị
Hội làng Hải Bối tổ chức vào ngày 4 tháng Giêng rất nhộn nhịp. Đúng bảy giờ sáng, kiệu bát cống do 16 trai đinh thay nhau rước, mang theo hai chóe đựng nước từ đình qua miếu rồi vòng ra bãi sông Hồng. Dẫn đầu đoàn rước là một bô lão mặt hóa trang ông Địa to như cái mẹt, hai tay cầm chiếc cần câu có buộc con cá to bằng chiếc mo cau để tạo không khí sôi nổi. Người cầm cá thả bên trái, thả bên phải dẹp đường để đoàn rước khi tiến khi lùi.
Khi đoàn rước ra đến bờ sông, một bô lão làm lễ tạ rồi bốn anh trai đinh khiêng chóe lên thuyền ra giữa sông Hồng lấy nước trong để về làm mộc dục. Hội Hải Bối rã đám vào ngày 6 tháng Giêng cuốn hút hàng nghìn người quanh vùng tới tham gia với những trò vui dân tộc.
Ban ngày thi đấu cờ người, leo cột mỡ. Tối diễn tuồng cổ hát trống quân.
Đặc biệt hội làng Hải Bối có hát ví giao duyên giữa các thanh niên nam nữ, Hai bên hát đối với nhau qua một sợi chỉ dài, nối với chiếc ống bơ được bịt bằng da ếch gọi là “hát ống”. Họ hát những câu ca giàu chất dân ca xứ Bắc.
Hát đối đáp hết đôi này đến đôi khác. Giọng ca ví qua nhiều chặng: ví mời chào, ví làm quen, ví hát lỡm, ví xe kết, ví chia tay…
Đình Hải Bối là một di tích lịch sử lâu đời, là chốn tâm linh sùng kính của người dân nơi đây, lại gắn với Bia ghi dấu Cách mạng kháng chiến, nên người dân rất mong được xem xét xếp hạng. Được biết gần đây Sở Văn hóa - Thông tin Tp Hà Nội đã về đình làm việc với địa phương. Người dân mong mỏi các bên liên quan mau chóng hoàn tất các thủ tục để công nhận Di tích đối với ngôi đình lịch sử này.