Những góc khuất của nghề người mẫu

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:15, 23/11/2016

Những ngày gần đây, trong làng mẫu Việt, góc khuất của nghề gần như được phơi bày ra hết. Có người trong nghề như trút gan ruột, trút hết nỗi lòng của mình để giãi bày, chia sẻ. Góc khuất của nghề cứ thế dần dần được hé lộ...

“Mẹ xin con, thương mẹ thì đừng làm người mẫu nữa"

Từ trước đến nay, hình dung về nghề người mẫu, nhiều người thường nhìn thấy những bữa tiệc thời trang hoành tráng, những bộ đồ hàng hiệu, lấp lánh, họ sải bước trên những sàn catwalk trước hàng ngàn con mắt theo dõi, ngưỡng mộ, xuýt xoa. Nhiều người thường mặc định, đây là một nghề hái ra tiền và đẳng cấp. Công chúng xem người mẫu như những cá nhân đại diện cho cái đẹp cũng như một phương thức truyền tải ngôn ngữ của thời trang. Hình ảnh các người mẫu luôn gắn liền với những gì hào nhoáng và đẹp đẽ nhất.

Thế nhưng, sự thực cũng như bao ngành nghề khác, trong lĩnh vực người mẫu cũng có những khoảng tối nhất định. Đó là những đấu đá, bon chen, tị nạnh... và người mẫu gắn liền với hình ảnh “chẳng ngoan hiền”, “chân dài đại gia”, “chân dài não ngắn”… Trong khi đó, tiền cát-sê của người mẫu còn làm nhiều người kinh ngạc hơn.

“7 giờ sáng tập trung, 9 giờ được thử đồ tập chương trình, 12 giờ trưa phúc khảo, 3 giờ chiều vào make up, 7 giờ tối diễn, 9 giờ về, vài tháng sau cầm 500.000 đồng. Em không biết mấy người mẫu có tên tuổi khác thì sao chứ em thì cứ phải suốt như thế. Em từng mặt dày lê lết hết mấy cái văn phòng của mấy công ty dệt may, đồ công sở, đồ lót... để giành giật từng buổi chụp hình vì không muốn qua bất kỳ một trung gian nào... xong cuối cùng vẫn phải bỏ cuộc nhận thua...”, một người mẫu nam chia sẻ.

Cao Thiên Trang, chân dài bước ra từ Vietnam’s Next Top Model, người bắt đầu cho chuỗi những lùm xùm của làng mẫu thời gian qua cũng đã rơi nước mắt khi nhắc đến câu chuyện theo đuổi đam mê của mình.

Những góc khuất  của nghề người mẫu

Nghề người mẫu có nhiều góc khuất mà không phải ai cũng biết được

Ảnh minh họa

"Mẹ xin con, thương mẹ thì đừng làm người mẫu nữa", mẹ tôi từng khóc rất nhiều và nói với tôi câu này. Vậy mà tôi mãi vẫn không bỏ được nghề người mẫu.

“Nhớ ngày xưa khi biết mình vào nhà chung NextTop, tôi và mẹ phải đi ra chợ để mua thêm áo quần. Lúc đó tôi toàn mặc đồ chợ. Tám chục cái áo, trăm rưỡi, trăm bảy cái quần. Mẹ kêu mua đi, lên tivi ăn mặc cho nó đàng hoàng. Tôi nhớ lúc đó mẹ tôi hốt hụi non để lo cho tôi.

Sau đó tôi vào top 7 đi Mỹ với chương trình. Tôi gọi về nhà hỏi mẹ ơi, mẹ cho còn tiền đi Mỹ nhé, cho 500USD thôi. Mẹ nói để đó mẹ lo, sau này tôi mới biết mẹ đi mượn mấy anh trong cơ quan xong phải kiếm nơi đi đổi ra đô. Mẹ tôi lần đầu thấy tờ 100 đô sau đợt ấy.

Lúc tôi thi xong đi ra làm người mẫu, 6-7 tháng không dư toàn âm. Cứ về mượn tiền mẹ lúc một triệu, lúc hai triệu. Một tháng mượn vài lần do toàn đi diễn xa. Lương mẹ tháng 7 triệu. Tôi mượn hết cả lương.

Lúc tôi nhận được yêu cầu bỏ nghề mãi mãi, tôi về kể thế là hai mẹ con cùng khóc. Mẹ bảo: "19 năm trời, tàn nhẫn nhất là khi nghe người khác huỷ hoại giấc mơ của con mình mà mình không làm gì được".

Còn đối với Chà Mi, top 4 Vietnam’s Next Top Model 2013, hiện đang làm việc tại kinh đô thời trang thế giới Milan cũng ngậm ngùi khi nhắc đến nghề của mình. Nhiều người sẽ khó hình dung ra một Chà Mi tự tin, rạng rỡ và kiêu hãnh trên các sàn diễn ở Milan, hay xuất hiện trên các tạp chí thời trang danh tiếng của Thế giới lại nhiều lần khóc vì tủi thân, vì không cân bằng được giữa sàn diễn và đời thực khi nhiều người xì xào, bàn tán nói “con đó làm người mẫu đấy, chắc chẳng ngoan hiền đâu”.

Như lời chia sẻ của Chà Mi, bỏ qua vấn đề làm người mẫu có kiếm được nhiều tiền hay không như nhiều người vẫn nói vì có lẽ chuyện này được nhắc tới nhiều lần rồi; cũng bỏ qua luôn chuyện người mẫu phải vất vả nhịn ăn giữ dáng hay bàn chân biến dạng vì mang giày cao gót quá nhiều, cô cảm thấy hụt hẫng và buồn lòng khi tình cờ nghe được câu nói trên của mọi người về nghề của mình. “Người mẫu, chắc chẳng ngoan hiền đâu”.

Trước đây Chà Mi chưa bao giờ biện minh với bất kỳ ai khi nghe được những điều không hay lắm về mình bởi lẽ, cô tâm niệm, tốt xấu thế nào chỉ cần những người thân thiết với mình biết là đủ. Và, thường thì người ta tin vào hành động hơn lời nói nên “thôi kệ".

Thế nhưng, khi vừa bước ra khỏi nhà, nở một nụ cười tươi, cúi đầu chào cô đẩy xe rác thì ôi thôi phía sau lưng là những tiếng bàn tán của những con người đang ăn uống gần đó.

Nghề người mẫu xấu xí lắm, chỉ được cái hào nhoáng trên sàn diễn thôi còn đời thường thì hầu hết những cô mẫu chân tay đều loằng ngoằng, da mặt xấu, tóc thì xơ vì toàn phải xịt keo cứng nhắc...

Với Chà Mi, Cao Thiên Trang hay nhiều người mẫu khác, họ sẽ không cần ai hiểu cho những khó khăn và định kiến không đâu mà họ phải trải qua nhưng họ cần mọi người “đừng vơ đũa cả nắm”, đừng quy đồng những người chỉ chụp vài ba tấm hình "khỏa thân" hay chân dài đi khách là người mẫu. Họ - những người đam mê với nghề cũng muốn có đại gia để ý nhưng “xấu lắm nên chẳng bao giờ lọt vào mắt xanh của vị đại gia nào”. Họ cũng chỉ đi làm và nhận lương như bao nghề nghiệp khác trong xã hội thôi.

“Đối với riêng tôi, kết thúc mỗi show diễn tôi đều khóc. Khóc vì tủi thân, khóc vì nhiều khi chẳng thể kìm chế được cảm xúc, khi chẳng thể cân bằng được giữa sàn diễn và đời thực…”, Chà Mi nghẹn ngào.

Đừng tàn nhẫn quá với người mẫu

Làm người mẫu đã lắm thị phi rồi, nhất là những người sống thật với nghề, yêu nghề. Một chân dài có tên tuổi trong làng mẫu cho biết: “Chúng tôi được học bài học đầu tiên bao giờ cũng là "lễ phép". Gặp ai dù lớn, dù nhỏ, dù ngang bằng tuổi nhau cũng phải chào hỏi đầu tiên. Dù có thân quen đùa giỡn đến cỡ nào thì chúng tôi luôn dành sự tôn trọng rất lớn đến những người lớn. Việc người mẫu bị kêu là những người không ngoan hiền cũng đã đủ tổn thương lắm rồi... Đừng tàn nhẫn quá”.

Thời gian qua, cuộc chiến giữa những cựu giám khảo Vietnam’s Next Top Model, những người mẫu được cho là bị cấm diễn với công ty quản lý người mẫu BeU Models vẫn đang tiếp diễn khiến nhiều người yêu thời trang thấy “đau”. Thực hư, ai đúng, ai sai, chỉ có những người trong cuộc là hiểu rõ nhất. Nhưng một điều chắc chắn rằng, thế hệ của Lala, Đỗ Mạnh Cường, Nam Trung, Samuel Hoàng… là thế hệ vàng của những người tiên phong trong việc tìm kiếm những tài năng cho làng mẫu Việt. Và cũng không thể phủ nhận công lao rất lớn của BeU Models đối với việc đưa chương trình Vietnam’s Next Top Model về Việt Nam và phát hiện ra nhiều gương mặt tiềm năng cho làng mẫu Việt.

Tất cả họ đều đã, đang và sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người thêm yêu, thêm đam mê và quyết tâm đi đến cùng với nghề người mẫu, với thời trang. Một trong những người gắn bó với họ, từng làm việc với thế hệ cựu giám khảo này và với BeU Models đã không cầm lòng được khi nhìn “cuộc chiến” đang diễn ra mà thốt lên rằng: “Dù ai đúng ai sai đối với tôi không quan trọng bằng những ký ức đẹp mà tôi đã từng trải qua... Chỉ xin trích dẫn một câu nói của một người chị mà tôi vô cùng yêu quý: "Vì ai cũng phải nhiều lần mắc sai lầm, kể cả em hay chị. Vì chúng ta là con người, phải có sai thì mới biết đâu là đúng. Mọi người ơi, dừng lại đi! Đừng làm ai cũng thêm mệt mỏi nữa...”.

Cuộc chiến này còn chưa ngã ngũ, nhưng người trong cuộc, nhất là những người mẫu đã không thể kìm được lòng mình khi nhắc về nghề, về những thị phi, điều tiếng mà chỉ những người trong nghề mới hiểu.

Một stylist nổi tiếng trong làng mẫu Việt chia sẻ rằng: “Với 1 buổi chụp hình cho tạp chí thời trang nổi tiếng, các em nhận được 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng cho cả ngày chụp dù trong nhà hay ngoài trời, dù có bôi lên người các em đủ thứ hoá chất, thay đổi layout trang điểm cả 5, 10 lần thì có nhiều hay không? Tiền nhuận ảnh đó có khi cả năm mới nhận được... Cái nghề nó khổ vậy đó, hào quang đến, nổi tiếng đến nhưng nói thật tiền thu được không bằng 1 cô hotgirl đâu các bạn”.

Nghề người mẫu là một nghề thời thượng, đầy sức hấp dẫn với các bạn trẻ. Bên ngoài là ánh đèn sân khấu rực rỡ, được báo chí săn lùng, ca tụng, nhưng chung quy lại, nghề người mẫu cũng chẳng khác các nghề khác là bao và cũng chẳng sung sướng gì. Bởi đằng sau sàn catwalk là cả một thế giới khác với sự mệt mỏi đớn đau, với hỉ, nộ, ái, ố của nghề người mẫu.

Hà Thu