Áo dài xứng đáng là nét đẹp đặc sắc của văn hóa Việt Nam
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 09:31, 19/10/2016
Từ thuở bình minh của nhân loại, với hơn 4000 năm lịch sử, chuyện ăn mặc của dân tộc Việt đã trở thành văn hóa và cũng nhiều lần đổi thay theo vận nước thịnh suy. Cho đến nay, áo dài đã trở thành hồn cốt dân tộc, là biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt để khi bước ra bốn biển năm châu không bị trộn lẫn với bất cứ nền văn hóa của dân tộc nào trên thế giới.
Festival Áo dài Hà Nội vừa được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long gây được tiếng vang lớn
Áo dài- câu chuyện dài về văn hóa Việt
Vào thập niên 30 của thế kỷ XIX (Hà Nội lúc đó là thủ phủ của xứ Đông Dương thuộc Pháp) hai họa sĩ tài hoa Cát Tường, Lê Phổ tiếp thu một vài chi tiết của trang phục phụ nữ phương Tây sáng tạo ra nhiều kiểu áo dài cách tân nhằm đáp ứng thị hiếu lãng mạn đương thời.
Sau năm 1945, tiếp đến là kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, áo dài ở miền Bắc chỉ được dùng trong lễ Tết và các dịp đặc biệt. Ở miền Nam, trong thành thị, áo dài vẫn phát triển phục vụ nhu cầu sử dụng của nữ giới cho đến sau năm 1975 mới có sự thay đổi.
“May thay, từ ngày Nhà nước mở cửa giao lưu rộng rãi với quốc tế, cổ súy bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, áo dài có cơ hội phục sinh mạnh mẽ. Các nhà thiết kế thời trang, tạo mẫu, đã đem hết tâm tình, cảm hứng tổ chức trình diễn nhiều bộ sưu tập áo dài với muôn màu, muôn vẻ. Chính những điều kiện thuận lợi này, giai nhân Việt Nam đăng quang với áo dài hết sức thẩm mỹ, sang trọng trên các sàn thời trang ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Sau bao nỗi thăng trầm, nay bình tâm suy ngẫm lại chúng ta thấy áo dài xứng đáng là nét đẹp đặc sắc của văn hóa Việt Nam”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nói.
NSND Trà Giang tham gia Festival Áo dài Hà Nội 2016
Là nữ diễn viên Việt Nam đầu tiên mang tà áo dài ra thế giới, NSND Trà Giang cho biết, năm 1963, bà cùng với đoàn phim mang bộ phim Chị Tư Hậu đi dự Liên hoan phim Matxcova, khi ấy để may một bộ áo dài rất khó khăn vì thời đó vải vóc rất hiếm, hơn nữa Bộ Tài chính chỉ cho mỗi nghệ sỹ, diễn viên được may 2 bộ một năm. Đúng dịp được ra nước ngoài dự liên hoan phim, NSND Trà Giang đã phải mượn thêm áo dài của bạn để có thể khoe với bạn bè quốc tế.
“Lần đó, tôi được cử theo đoàn Điện ảnh Việt Nam đi dự liên phim ở Matxcova. Trong buổi khai mạc, khi tôi vừa diện áo dài bước lên thảm đỏ thì bao ống kính máy quay chĩa hết vào tôi. Lúc đó, dù nhiều người chưa biết Việt Nam cũng có tham gia liên hoan phim nhưng nhìn thấy tôi mặc áo dài họ đã kêu tên Việt Nam. Trong giây phút đó tôi cảm thấy tự hào vô cùng”, NSND Trà Giang nói.
Cũng như NSND Trà Giang, với NSND Hoàng Cúc, áo dài là một biểu tượng khẳng định chủ quyền Việt Nam và là vẻ đẹp cội nguồn của dân tộc. Bao nhiêu lần bà được mời tham dự liên hoan phim ở nước ngoài và bà đã tự hào đến rơi nước mắt khi thấy bạn bè quốc tế gọi tên Việt Nam khi vừa nhìn thấy chiếc áo dài bà mặc. Bà càng tự hào hơn khi vai diễn của bà trong bộ phim “Hồi chuông màu da cam” khi mang đi dự thi liên hoan phim ở nước ngoài đã gây ấn tượng sâu sắc cho hội đồng chuyên môn lẫn khán giả nước ngoài. Nhiều người thậm chí còn muốn gặp người phụ nữ mặc áo dài trong bộ phim này bằng da bằng thịt.
Nguyễn Hữu Thái Hòa, cựu Giám đốc chiến lược của FPT, người tự nhận là si mê với áo dài của dân tộc cho biết khi còn là cậu bé 9 tuổi, anh đã được nghe về sự ra đời của ca khúc Như cánh vạc bay của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn mà nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu đã kể cho anh nghe.
“Như cánh vạc bay” chính là hình ảnh của người yêu cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn khi diện áo dài, đứng đợi ông ở sân bay. Từ trên máy bay bước xuống, giữa một sân bay nằm giữa rừng núi mênh mang, cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn như được chỉ dẫn bởi bờ vai trắng ngần của người yêu trong tà áo dài đứng đợi ông. Vì thế mới có một “Như cánh vạc bay” làm say lòng người đến tận bây giờ.
Với anh Thái Hòa, áo dài chính là những ký ức đẹp của mỗi người. Đúng như NTK Minh Hạnh, người dành trọn tình yêu cho áo dài khẳng định, áo dài không chỉ dừng lại chuyện mặc đẹp mà còn là những câu chuyện cảm động, rất riêng của mỗi người Việt Nam, và đó là những câu chuyện văn hóa.
Mẫu thiết kế áo dài của NTK Lan Hương tại Festival Áo dài Hà Nội 2016
Đi tìm quy chuẩn cho áo dài
Trong dòng chảy lịch sử phát triển của áo dài, không thể không kể đến người sáng tạo nên chiếc áo dài hay còn được gọi là nhà thiết kế. “Áo dài ngày càng phong phú để phụ nữ Việt tự tin diện vào không chỉ trên sân khấu, mà cả trong sinh hoạt đời thường. Người nước ngoài nhìn tà áo dài biết ngay đó là biểu tượng của văn hóa Việt Nam. Vì vậy các nhà thiết kế cần có trách nhiệm tạo nên những bộ y phục phù hợp từng hoàn cảnh” - nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn nhấn mạnh.
NTK Minh Hạnh tại Festival Áo dài Hà Nội 2016
Là một nhà thiết kế nổi tiếng ở trong nước và quốc tế nhưng những thiết kế của Minh Hạnh lại gắn bó sâu sắc với tà áo dài và những chất liệu truyền thống của dân tộc. Chị đặt câu hỏi cho các nhà thiết kế trẻ: “Làm thế nào để không xảy ra những “thảm họa áo dài”?
Trước khi trả lời cho câu hỏi này, nhiều NTK trẻ đi tìm cái gọi là “thảm họa áo dài” mà nhiều người vẫn nhắc đến. So với áo dài xưa, ngày nay áo dài mang dáng vẻ mới với nhiều cách tân, phù hợp với cuộc sống hiện đại. Do đó, hầu hết các NTK này đều cho rằng, nếu là thảm họa, chắc chắn đó là những thiết kế xa rời với những quy tắc đó, nó phá vỡ văn hóa truyền thống của dân tộc và trở nên phản cảm đối với người Việt Nam.
Trả lời cho câu hỏi trên của NTK Minh Hạnh, Nhà thiết kế Lan Hương đáp rằng "Cần đưa ra quy chuẩn cho tà áo dài Việt Nam". Đồng tình với ý kiến này, nhà thiết kế Lan Anh bày tỏ, các nhà nghiên cứu và các nhà quản lý cần xây dựng quy chuẩn về áo dài, cách phân biệt áo dài truyền thống, áo dài hiện đại để không dẫn đến “thảm họa áo dài”.
Tuy nhiên, nhà thiết kế Hữu La La lại đặt câu hỏi: “Việc đặt ra quy chuẩn tà áo dài có làm gò ép và mất sự sáng tạo, tự do của các nhà thiết kế?”.
Với Hoa hậu Ngọc Hân thì chuẩn mực là do chính nhà thiết kế tự đặt ra cho mình, ở đó nó phải phản ánh đầy đủ, chân thực nhất về trình độ văn hóa, nhận thức của các NTK.
Ở góc nhìn khác, NTK Minh Hạnh góp ý nếu các sự kiện như Festival Áo dài được tổ chức tốt, sẽ không cần kêu gọi hay dùng biện pháp gì, thị trường sẽ tự sàng lọc để cho chúng ta những tà áo dài có vẻ đẹp đúng nghĩa. Bởi áo dài không chỉ mang lại vẻ đẹp cho người mặc mà còn mang lại những giá trị vật chất thực sự, thông qua các triển lãm, lễ hội, sự kiện trọng đại…như ở Festival Áo dài Hà Nội vừa qua.
“Tôi mong tất cả chúng ta cùng nhau tạo nên một phong cách mới cho Hà Nội, một phong cách tất cả những người yêu áo dài, yêu Hà Nội đều cảm thấy dù không bắt buộc nhưng có trách nhiệm xây dựng nên một thành phố của văn hóa. Đó là thành phố chúng ta có thể đặt niềm tin, biến Hà Nội thành trung tâm thời trang”- NTK Minh Hạnh chia sẻ.
Cũng như mong muốn của một vị giám đốc trẻ của một công ty du lịch có tiếng ở Hà Nội cho biết khi áo dài tràn ngập không gian phố đi bộ của Hà Nội sẽ tạo thành hình ảnh đẹp. Khách quốc tế chụp ảnh áo dài bên bờ hồ và chia sẻ trên Facebook thì hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam càng được quảng bá miễn phí. Hà Nội sẽ thành trung tâm thời trang - ít nhất là áo dài - của cả nước.
Mặc dù chưa có một quy chuẩn nào cho áo dài nhưng tất cả công chúng đều đồng tình với các nhà thiết kế rằng, áo dài sẽ không bị biến tướng, không bị gọi là thảm họa khi bản thân mỗi nhà thiết kế làm việc và sáng tạo bằng trái tim và trách nhiệm của chính mình. Chỉ có tình yêu chân thành với áo dài, những người sáng tạo ra áo dài sẽ không đi chệch hướng mà vẫn đảm bảo phát triển và gìn giữ áo dài của dân tộc để nó vẫn hiên ngang khi bước ra khỏi biên giới quốc gia.
Nói như NTK Lan Hương, nếu các nhà thiết làm việc bằng trái tim của mình, không dễ dãi với bản thân và với các thiết kế của mình, chắc chắn sẽ không để xảy ra thảm vấn nạn mang tên thảm họa áo dài. Không chỉ dừng lại ở các nhà thiết kế, mà bản thân mọi giai tầng trong xã hội, trong việc bảo tồn và phát triển áo dài truyền thống, cũng có một vai trò nhất định.
Để kết thúc bài viết này, xin nhắc lại một ý của NTK Minh Hạnh, chị cho rằng một ngôi sao dù lớn đến đâu mà mặc chiếc áo dài không đúng với linh hồn của nó thì chính là “thảm họa”, mà điều này đang diễn ra nhan nhản khắp mọi nơi, trên cả sóng truyền hình. Vậy làm thế nào để giải quyết những “thảm họa” này? “Chỉ có một cách duy nhất, đó là tiếng nói chính thống. Các bạn có thể cách tân thế nào cũng được, nhưng phải giữ lại linh hồn của chiếc áo dài”.