"Lang y áo yếm": Mỹ - Tục?

Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 13:02, 18/03/2016

Thưởng thức bộ ảnh lang y áo trắng, người viết bỗng nhớ đến bức tranh con ngựa trong câu chuyện “Đẹp mà không đẹp” trong sách Tiếng Việt lớp 2 ngày trước.

Mấy ngày nay, mạng xã hội, truyền thông điện tử rầm rộ bàn tán, phân tích, mổ xẻ bộ ảnh “cô lang y” xinh đẹp. Gương mặt cô đẹp trong trẻo, và bộ áo yếm cũng… trắng trong, mỏng manh.  

“Lang y áo trắng mỏng tang” bỗng nhiên trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi tít báo. Và nóng bỏng, gợi cảm, hút hồn là những tính từ được dùng để mô tả vẻ đẹp của nữ lang y xưa trong bộ ảnh.

"Lang y áo trắng" dậy sóng cộng đồng mạng và truyền thông. Ảnh: Tommy Tèo

Đẹp mà không đẹp!

Thưởng thức bộ ảnh lang y áo trắng, người viết bỗng nhớ đến câu chuyện “Đẹp mà không đẹp” trong sách Tiếng Việt lớp 2 ngày trước.

“Thấy bác Thành đi qua, Hùng liền hỏi:

- Bác Thành ơi! Bác xem con ngựa của cháu vẽ có đẹp không?

Bác Thành nhìn bức tranh rồi trả lời:

- Cháu vẽ đẹp đấy nhưng có cái không đẹp.

Hùng vội hỏi:

- Cái gì không đẹp hở bác?

Bác trả lời:

- Cái không đẹp là bức tường đã bị vẽ bẩn cháu ạ!”

Vô duyên thật! Chuyện cô lang y áo yếm với bức vẽ con ngựa của cậu bé Hùng thì có liên quan gì đến nhau? Xin thưa, chính là “màu trắng”!

Nét xuân thì mơn mởn của cô sẽ đẹp hơn nhiều nếu không xuất hiện trong khung cảnh này. Ảnh: Tommy Tèo

Con ngựa bạn Hùng vẽ rất đẹp, nhưng nó sẽ đẹp hơn khi nó xuất hiện trên một chất liệu khác, ở một nơi khác, chứ không phải là bức tường trắng kia. Và quả là mẫu nữ trong bộ ảnh Yếm xưa quá đẹp, mơn mởn nét xuân thì khi cô không phải trong vai “lương y như từ mẫu” hờ hững chiếc áo yếm mỏng manh; hoặc giả chiếc áo yếm cô mặc… kín đáo hơn một chút. Bởi dù là trang phục truyền thống không thể thiếu của phụ nữ Việt xưa, thì thực chất yếm cũng chỉ là một thứ nội y được dùng khi chiếc áo ngực đắt tiền của phương Tây chưa du nhập vào nước ta mà thôi.

Nghệ thuật và sự dung tục

Chúng ta từng chứng kiến sự lan tỏa và bùng nổ của trào lưu gợi cảm cởi mở, trong làng giải trí thế giới. Ở đó, các ngôi sao luôn biết cách tận dụng lợi thế hình thể để thu hút công chúng bằng những bức ảnh “kiệm vải”, mặc mà như không mặc, hay nude 100%...

Khi đến Việt Nam, trào lưu này nhanh chóng xâm nhập, thậm chí “khuynh đảo” không chỉ trong giới showbiz, mà còn ảnh hưởng đến một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ. Nhiều nghệ sĩ đã bị nhắc nhở, phạt tiền, thậm chí bị cấm diễn một thời gian do mặc những bộ cánh phản cảm, gây nhức mắt chỉ vì muốn… phù hợp với hoàn cảnh.

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, việc du nhập những trào lưu mới ở nước ngoài vào nước ta ngày càng trở nên phổ biến, nhất là trong giới trẻ. Ham cái lạ, cái mới, song do phông văn hóa còn thiếu, yếu, nhiều bạn trẻ chưa biết chọn lọc sáng tạo, thậm chí rập khuôn một cách máy móc, cuối cùng dẫn đến tình trạng… dở khóc dở cười, hay bị công kích dữ dội.

Thậm chí, để truyền tải một thông điệp “cao cả” mang tính xã hội, có người sẵn sàng chấp nhận nude hoàn toàn. Các bộ ảnh nude xuất hiện tràn lan trên internet, trên các mặt báo khiến cho mọi người có ánh nhìn ái ngại với nghệ thuật ảnh nude (nude art). Trong khi nude art phản ánh vẻ đẹp chân thật, thuần khiết nhất của cả tâm hồn và thể xác người mẫu, thì bỗng nhiên trở thành “miếng mồi ngon” cho dư luận bởi sự trần tục đến trần trụi, thô thiển, phản cảm phô bày ở mỗi bức ảnh nude.

Làng giải trí quốc tế hẳn không xa lạ với tờ tạp chí Vanity Fair vốn nổi tiếng với những bức ảnh nude của các ngôi sao lớn trên thế giới. Điều đặc biệt, khi chiêm ngưỡng các bức ảnh khỏa thân của họ, độc giả không thấy ghê sợ, mà trái lại còn rung động mạnh mẽ trước vẻ đẹp nguyên sơ, trần trụi mà không thô tục của con người. Đó là những tác phẩm nghệ thuật mang lại giá trị mỹ cảm, làm tâm hồn thư thái, hướng mỹ, hướng thiện, chứ không phải những khao khát bản năng thấp hèn khi xem… ảnh sex.

Lại nói về bộ ảnh Yếm xưa, tác giả chia sẻ: “Bộ ảnh nghệ thuật ở chỗ ánh sáng, chứ không phải là ảnh nude. Thực sự cái áo của mẫu mặc không mỏng, nhưng tôi đã dùng ánh sáng để làm nổi khối. Ở một vài góc nghiêng tuy bị lộ nhưng đó không phải là nude”.

"Áo yếm"  - Nghệ thuật hay dung tục?

Yếm xưa không phải là ảnh nude. Nhưng tại sao nó lại bị coi là phản cảm, dung tục, bị “ném đá” dữ dội đến vậy? Tác giả tuyên bố “nghệ thuật ở chỗ ánh sáng”, vậy ánh sáng đã được sử dụng như thế nào trong bố cục từng bức ảnh mô tả nàng lang y xưa dịu dàng, thuần khiết mà tràn căng nhựa sống?

Trong một bài phỏng vấn, nhiếp ảnh gia Thái Phiên nổi tiếng với những bộ ảnh nude đầy tính thẩm mỹ và mang giá trị nhân văn sâu sắc từng chia sẻ: “Một tác phẩm ảnh khỏa thân nghệ thuật phải đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật lẫn mỹ thuật kể từ khi phác thảo ý tưởng đến khi bấm máy”.

Đặc biệt, anh nhấn mạnh: “Người chụp phải quan tâm đến tốc độ, khẩu độ, góc độ, nguồn sáng, bố cục… rồi sau đó đến phần hậu kỳ chỉnh sửa bức ảnh thật tỉ mỉ để làm nổi bật lên được thông điệp cần chuyển tải của bức ảnh đến với người xem qua sắc độ tương phản, đậm nhạt của từng chi tiết trong ảnh”.

Tôn trọng công chúng để không “đẹp mà không đẹp”

Người làm nghệ thuật cũng giống như làm dâu trăm họ. Trăm người mười ý. Nhiều nghệ sĩ cho rằng, dung tục hay không dung tục, thô thiển, phản cảm hay không là do… mắt người nhìn. Công chúng không thấy đẹp chẳng qua là chưa bắt kịp xu hướng thời đại, chưa cập nhật cái mới của nền văn hóa thế giới mà thôi, v.v… và v.vv…

Yếm xưa. Ảnh minh họa: Internet

Thế nhưng, xin nhớ rằng, công chúng chính là ban giám khảo công tâm nhất, có ảnh hưởng quan trọng đến sự thành công trên bước đường sự nghiệp của người nghệ sĩ. Trong khi đó, không thể phủ nhận thực tế là trình độ văn hóa nghệ thuật của một bộ phận khán giả ngày càng cao, những ý kiến đưa ra khá chuẩn xác và có tác dụng định hướng đối với những người hoạt động nghệ thuật.

Vì thế, trước khi đặt chân lên bục vinh quang, người nghệ sĩ xin hãy học cách tôn trọng công chúng ngay từ những điều đơn giản nhất. Hoàn cảnh nào, diện mạo đó. Xin đừng như chú ngựa đen trên nền tường trắng bị chê “Đẹp mà không đẹp” kia!

Ranh giới giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật vốn rất mong manh. Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa, khi mà trào lưu “cởi và mở” đang ngày càng trở nên phổ biến, cái đẹp có thể bị biến thành sự phản cảm, thậm chí dung tục chỉ trong tích tắc…

Nhật Minh