“Đạo lý” đi... “chôm”
Văn hóa - Du lịch - Ngày đăng : 15:56, 07/03/2016
1. Cách đây đúng 10 năm, cô sinh viên năm hai của trường đại học danh tiếng Havard, Kaavya Viswanathan, trở thành một “hiện tượng trẻ” của văn học Mỹ với tiểu thuyết How Opal Mehta Got Kissed, Got Wild, and Got a Life - một trong những cuốn sách best-seller của do tờ The New York Times thống kê. “Ngôi sao lạ” Viswanathan khi đó được kỳ vọng sẽ sớm trở thành tên tuổi dẫn đầu dòng văn học dành cho phụ nữ trẻ tuổi tại Mỹ. Thế nhưng điều đáng buồn là cuối cùng, cô bị phát hiện đã “sao chép gần như nguyên vẹn” hai tác phẩm của nhà văn Megan McCafferty, xuất bản từ… 5 năm trước.
Đạo, xào, nhái... là một vấn đề nan giải. Ảnh minh họa
Tháng 5/2003, uy tín của tờ tạp chí danh tiếng The New York Times (Mỹ) có nguy cơ lung lay sau bê bối đạo văn của phóng viên trẻ 27 tuổi Jayson Blair. Khi tiến hành rà soát 673 bài viết của Blair trong suốt 4 năm công tác tại báo, Blair bị phát hiện thường xuyên nói dối mình có mặt tại hiện trường.
Blair đã “chế” ra các tác phẩm bằng cách nào? “Đơn giản”, Blair chỉ việc xem xét các bức ảnh rồi “tô vẽ” cho bài viết của mình bằng “những nguồn tin nặc danh” cứ như thể mình đang tác nghiệp tại hiện trường thật, trong khi thực tế anh ta vẫn ngồi trong… phòng lạnh. Vụ Jayson Blair lúc đó bị đánh giá đã đem tới “nỗi hổ thẹn chưa từng có trong suốt 152 năm lịch sử hoạt động” của tờ The New York Times.
Tất nhiên, trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều, rất nhiều vụ việc được gọi bằng cái tên “đạo văn”. Trong môi trường toàn cầu hóa cùng sức phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin hiện nay, hiện tượng “đạo”, “xào”, “nhái”, “xin” tự tiện “chất xám”, ý tưởng của người khác không phải… của hiếm. Đơn cử nhất là việc, nhiều “tác phẩm báo chí” xuất hiện trên các trang tin điện tử tổng hợp, thậm chí báo điện tử chính thống, có chung nội dung, thậm chí cách diễn đạt, rồi “hiển nhiên” hơn là, giống nhau đến cả vài đoạn trong một bài, nhưng tên khác giả lại khác nhau trên các báo khác nhau.
2. Gần đây, câu chuyện “vi phạm bản quyền” đang được bàn tán “rôm rả” trên các diễn đàn báo chí liên quan đến việc “ông lớn” VTV sử dụng hình ảnh của kênh YouTube YAMAHA TRUNG TA. Điều đáng buồn, BTV nhà Đài đã nhiều lần “tự ý” dùng không xin phép các cảnh quay của Bùi Minh Tuấn (Quảng Trị) - chủ sở hữu kênh YouTube YAMAHA TRUNG TA - để phát trên sóng truyền hình quốc gia. Và sau mỗi lần “bỗng dưng phát hiện”, anh lại nhận được lời xin lỗi có vẻ như… chỉ cho có.
Anh Bùi Minh Tuấn - chủ sở hữu kênh YouTube YAMAHA TRUNG TA
Vụ việc lên tới đỉnh điểm khi kênh Youtube có tên VTV-Đài Truyền hình Việt Nam nhận được thông báo tạm ngưng hoạt động do có khiếu nại của bên thứ ba về vấn đề bản quyền vào tối 28/2 vừa qua. Lúc này, giới truyền thông mới xôn xao và nhận thấy sự việc thực sự trở nên nghiêm trọng. Còn VTV trở nên “tích cực” nhằm giải quyết triệt để vấn đề bản quyền khai thác để sớm khôi phục lại kênh Youtube bị tạm ngưng.
Trong thông báo, VTV cho biết nguyên nhân dẫn đến khiếu nại là do một số BTV của VTV đã không thực hiện đúng quy trình sản xuất, tác nghiệp khi “sử dụng tư liệu trên mạng đưa vào nội dung chương trình mà chưa được sự chấp thuận của tác giả chủ sở hữu nội dung”. Vậy nhưng, trước khi kênh YouTube của VTV chính thức bị YouTube “block”, anh Tuấn đã từng nhiều lần gửi đơn thư khiếu nại tới nhà Đài cùng các cơ quan hữu trách. Thậm chí, mới đây nhất, khi anh liên lạc tới VTV thì một đại diện nhà Đài đưa ra lý do “rất khách quan, hoàn cảnh” là… “máy hư, không ghi chữ vào được” (để lý giải cho việc… không ghi nguồn sử dụng video của tác giả)!?
3. Vấn đề ở đây là…
Trong đơn khiếu nại của anh Bùi Minh Tuấn, logo nhắc nhở bản quyền “Copyright by YAMAHA TRUNG TA”, còn bị “cắt cúp”, “xóa bỏ”. Liệu VTV chỉ đơn thuần “vô tình”... “mượn tạm”, hay "cố tình che giấu" khi biết rõ đó là hành vi vi phạm?! Chính đây cũng là điều khiến anh Tuấn cảm thấy bị coi thường và không được tôn trọng.
Với anh Tuấn, flycam chỉ là niềm đam mê. Có lẽ anh sẽ chẳng hẹp hòi gì nếu như BTV VTV gọi điện xin phép trước khi sử dụng và ghi rõ nguồn, thậm chí “không lấy bất kỳ đồng thù lao nào”, như anh từng chia sẻ trên ICT News. Mà kênh YouTube YAMAHA TRUNG TA ghi rõ quyền sở hữu, số mobile và email tác giả, vậy thì mất bao nhiêu thời gian cho một cuộc điện thoại xin phép tác giả “cho đúng quy trình” và “vẹn tròn đạo lý” của một người đi “xin” và “xài” đồ của người khác!
"Don't copy!" nhưng... Ảnh minh họa
Liên quan đến vụ việc, một diễn đàn của các nhà báo trẻ trên mạng xã hội facebook có đăng tải bình luận của một facebooker (có thể là một nhà báo, thành viên diễn đàn) với thái độ khá coi thường rằng “Thật đáng buồn là anh ấy (anh Tuấn - PV) chỉ bán xe máy theo nghĩa đen..”, và “Ảo tưởng sức mạnh quá!” (!? ). Đặt câu hỏi, phải chăng một “thường dân” như anh Tuấn thì không nên “lao đầu vào đá tảng”?
Câu chuyện này cũng tương tự như việc ca khúc Nơi tình yêu bắt đầu - được nhạc sĩ Tiến Minh sáng tác riêng cho bộ phim Siêu thị tình yêu - đã được “giọng ca gây bão” tại Giọng hát Việt mùa đầu tiên Bùi Anh Tuấn sử dụng mà không hề xin phép. Thế nhưng khi đó, bản thân Bùi Anh Tuấn rất cầu thị. Nam ca sĩ xin lỗi và nhận toàn bộ trách nhiệm về mình. Bên cạnh đó, ê-kip chương trình, đặc biệt là HLV Hồ Ngọc Hà, thay vì lảng tránh hay “đổ thừa”, đã tích cực làm việc để “hóa giải” scandal.
4. Xin được kể lại câu chuyện của nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, tác giả bài hát Người nhạc trưởng giao thông, phổ thơ của Nhà thơ Đỗ Việt Dũng: “Năm 2007, trong cuộc thi Tiếng hát TH TP. Hồ Chí Minh, một nam ca sĩ đã hát ca khúc Em là ai của tôi (trước đó đã tham gia chương trình Bài hát Việt) trong đêm chung kết và được giải nhất, kèm theo sự tán thưởng của ban giám khảo. Họ khen ngợi bài hát như đo ni đóng giầy cho giọng ca sĩ đó, và ca sĩ đó đã hát như nhập đồng. Tôi chỉ biết được thông tin sau khi ca sĩ này thể hiện xong. Tôi không trách thí sinh nọ, nhưng thiết nghĩ, cách làm việc có phần thiếu tính chuyên nghiệp đó của nhà sản xuất cần được rút kinh nghiệm…“.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Tuấn, không bàn đến chuyện bạc tiền, thù lao, ở đây anh chỉ nói đến lễ nghĩa, cách hành xử văn minh của những người làm văn hóa. Giá như trước khi sử dụng “đồ” của người khác, chủ sở hữu được “hỏi mượn” một cách đàng hoàng thì có lẽ đã không có những scandal xảy ra.
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn. Ảnh: NVCC
5. Quay trở lại câu chuyện VTV và chủ sở hữu kênh YouTube YAMAHA TRUNG TA, anh Bùi Minh Tuấn cho biết, ngày 6/3, anh và đại diện của VTV có buổi làm việc tại nhà riêng của anh và "được phát trực tiếp trên kênh YouTube YAMAHA TRUNG TA". Anh cũng khẳng định "không nhận bất cứ đồng thu lao nào" từ VTV. Và để rút đơn khiếu nại, anh yêu cầu lãnh đạo VTV phải xin lỗi công khai trong chương trình thời sự. Đồng thời VTV phải tổ chức một buổi họp báo về vấn đề này để khẳng định sự tôn trọng tác giả, nhắc nhở những người làm truyền hình không nên vi phạm bản quyền nữa.
Thế nhưng, đến 8h30 sáng 6/3, trái với sự mong đợi của nhiều người, đại diện VTV đã... "lỗi hẹn". Lý do VTV đưa ra là vì anh Tuấn đã xử sự "thiếu tôn trọng khi tự liên lạc với báo chí và những người khác đến chứng kiến cuộc gặp, cũng như tổ chức truyền hình trực tiếp lên YouTube"!?.
Chúng ta vẫn thường nói tới “đạo văn”, một hành vi “chiếm hữu một cách sai trái”, “ăn cắp và công bố” “ngôn ngữ, suy nghĩ, ý tưởng, hay cách diễn đạt” của người khác và coi như đó là của mình, do mình tạo ra. Đây là một hành vi vi phạm đạo đức rất nghiêm trọng, thậm chí có thể trở thành hành vi vi phạm bản quyền.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, và tham gia các hiệp định FTA, trong đó có TPP, việc trang bị kiến thức và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bản quyền sở hữu trí tuệ là điều vô cùng cần thiết, bởi tôn trọng công sức và chất xám của người khác cũng chính là tôn trọng và bảo vệ chính mình.
6. Kết…
Nhà báo Dương Xuân Nam - nguyên Tổng biên tập Báo Tiền phong cũng từng phải cho một phóng viên nghỉ việc sau khi phát hiện anh này xào xáo bài trên mạng. Ông cho biết: “Việc na ná khi xem một tác phẩm nào đó có thể nhiều lý do khác nhau, và người ta thường liên tưởng đến việc do ảnh hưởng lẫn nhau, hay do lấy cắp của nhau. Tuy nhiên, để kết tội “lấy cắp”, phải có bằng chứng hẳn hoi mới kết luận được”.
Song, việc bị “kết tội” và “xử lý” theo quy định pháp luật đối với một người làm nghệ thuật có lẽ không nặng bằng chính sự coi thường, tẩy chay của độc giả, khán thính giả. “Thường thì người đọc những tác phẩm như vậy cảm thấy buồn cười, thấy nghi ngại, và cuối cùng sẽ không muốn đọc nữa”, nhà báo Dương Xuân Nam nói. Có lẽ, đây mới chính là “sự trừng phạt” đáng sợ nhất!