Chuẩn bị thí điểm nộp phạt qua Cổng dịch vụ công quốc gia

Giao thông - Ngày đăng : 11:33, 21/02/2020

Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận là 5 tỉnh sẽ được thí điểm về việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia.

Từ ngày 12/3, sẽ thực hiện thí điểm về việc nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia tại 5 tỉnh Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Bình Thuận.

Việc nộp phạt qua mạng giúp cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian, tạo thuận lợi cho người dân mà còn giảm hiện tượng tiêu cực, tham nhũng vặt, tránh thất thu cho ngân sách nhà nước.

Theo quy định hiện hành, người điều khiển phương tiện vi phạm Luật Giao thông đường bộ, đường thuỷ khi bị lực lượng CSGT hoặc TTGT lập biên bản xử phạt, nếu bị tạm giữ giấy tờ thì có thêm lịch hẹn trả giấy tờ. Người vi phạm đem liên thứ 2 của biên bản đến Kho bạc Nhà nước nộp phạt rồi đem biên lai nộp tiền đến trụ sở CSGT, TTGT nhận lại giấy tờ xe. Tuy nhiên, quy trình trên được cho là phiền toái, mất nhiều thời gian chờ đợi và công sức, chi phí đi lại. Nhất là với những lái xe đường dài vi phạm tại các tỉnh thành cách nơi làm việc sinh sống nhiều km.

divu

Cổng dịch vụ công quốc gia. Ảnh chụp màn hình

Trước khi nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng được thí điểm, thời gian qua, người vi phạm luật giao thông đường bộ sẽ được phép nộp tiền phạt và nhận các giấy tờ qua đường bưu điện thay vì phải đến trực tiếp Kho bạc Nhà nước nộp phạt rồi đem biên lai nộp tiền đến trụ sở cảnh sát giao thông nhận lại giấy tờ xe theo mục 3, Nghị quyết 10/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ tháng 4/2016. Tuy nhiên, việc nộp phạt qua đường bưu điện mất khá nhiều thời gian để chờ đợi, thủ tục vẫn phiền hà, bất cập nên không nhiều người vi phạm lựa chọn hình thức này để nộp phạt.

Một hình thức khác vẫn đang được áp dụng đó là việc người vi phạm hành chính nộp phạt tại chỗ theo khoản 1, điều 56 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản chỉ được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức. Do vậy, với những hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông bị xử phạt lớn hơn số tiền trên thì phải thực hiện lập biên bản vi phạm hành chính và thực hiện các trình tự xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đáng nói, do người dân muốn làm việc với lực lượng CSGT, TTGT để được “xử lý nhanh”, từ đó phát sinh việc hối lộ, tham nhũng vặt với nhiều hình thức tiêu cực. Cuối năm 2018, Công an TP Hà Nội đã kỷ luật 14 CSGT do có hành vi tiêu cực trong xử lý vi phạm nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trước đó những người này được báo chí phản ánh có hành vi “làm luật”, nhận tiền của người tham gia giao thông gây bức xúc dư luận.

Từ đó cho thấy, việc nộp phạt qua mạng sẽ góp phần giảm tiêu cực tham nhũng vặt vì không thu tiền mặt. Do vậy, việc triển khai nộp phạt qua mạng cần sớm được áp dụng trên cả nước. Đồng thời, để triệt tiêu hiện tượng tiêu cực tham nhũng vặt, cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và cần sự vào cuộc quyết liệt của ngành công an để loại bỏ những cán bộ tha hóa biến chất…

T.Nhi