Tăng cường giải quyết khiếu nại, tố cáo, thanh tra trong lĩnh vực đất đai
Chính trị - Ngày đăng : 22:32, 19/06/2017
Hội nghị do Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu chủ trì, cùng sự tham gia của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương, các Cục vụ của Thanh tra Chính phủ, đại diện UBND 20 tỉnh thành khu vực phía Nam, Chánh thanh tra, Trưởng Ban Tiếp công dân các địa phương.
Hội nghị do Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu chủ trì, cùng sự tham gia của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn.
Đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn
Phát biểu định hướng hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu khẳng định công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công cụ quan trọng để quản lý nhà nước, bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội cả nước, trong đó có 20 tỉnh thành khu vực phía Nam.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận nhưng để nâng cao chất lượng công tác thanh tra, hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức 3 hội nghị giao ban để đánh giá lại thực trạng các nội dung công tác này để thống nhất về mục đích, phương pháp, cách làm đúng pháp luật, phù hợp thực tiễn.
Hội nghị có sự tham gia của nhiều cơ quan chức năng Trung ương, các địa phương nên Thanh tra Chính phủ mong muốn các đại biểu tập trung phân tích nguyên nhân, đề xuất giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng thanh tra, gắn với giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đúng thẩm quyền.
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đề nghị xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2018 có trọng tâm, trọng điểm, không để xảy ra chồng chéo.
Báo cáo về kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài do Cục Trưởng Cục III Võ Văn Đồng trình bày tại hội nghị cho thấy ngoài các vụ việc đã được giải quyết đúng thẩm quyền thì vẫn còn tồn tại hiện tượng đùn đẩy, né tránh của một số địa phương khi công dân có khiếu nại, tố cáo.
Thời gian qua, các kế hoạch của Thanh tra Chính phủ đã từng bước được thực hiện với bước đi phù hợp, nhiều tổ công tác của Cục III đã chủ động phối hợp với các địa phương để rà soát, kiểm tra, thống nhất đường hướng giải quyết đúng pháp luật, phù hợp hiện trạng kinh tế - xã hội, trên cơ sở vận dụng nhiều chính sách xã hội, với mục tiêu an dân, có tính khả thi trong giải quyết các vụ đông người, phức tạp.
Qua công tác tiếp công dân, Cục III cũng đã kiến nghị thành lập các đoàn thanh tra để làm rõ bản chất nhiều vụ việc liên quan đến chính sách bồi thường, thu hồi đất cho các dự án hạ tầng kỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang.... Kết quả công tác thanh tra đã góp phần xử lý nhiều vụ việc khiếu nại phức tạp, kéo dài tại cơ sở.
Trình bày về nội dung kế hoạch thanh tra năm 2018, Vụ trưởng Vụ Tài chính, kế hoạch, tổng hợp Lê Hồng Lĩnh đã thông báo phương pháp, chương trình thanh tra với mục tiêu hạn chế chồng chéo giữa các cơ quan có chức năng thanh tra, cơ quan kiểm toán. Quan điểm là kế hoạch thanh tra của các cấp phải có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế việc ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đối tượng thanh tra, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đúng định hướng của Thanh tra Chính phủ. Trong quá trình thực hiện phải có sự kiểm tra để bảo đảm đúng tinh thần Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, gắn với giải quyết đúng quy định các vụ việc tham nhũng, các vấn đề bức xúc được nhân dân quan tâm.
Những đề xuất và kiến nghị
Dưới sự điều hành của Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến để giải quyết khiếu nại, tố cáo đúng thẩm quyền, cũng như quá trình xây dựng kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ năm 2018.
Nói thẳng về các vướng mắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong đó có hiện tượng công dân tố cáo cán bộ được phân công giải quyết, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Trần Văn Cần mong muốn Thanh tra Chính phủ tiếp tục hỗ trợ địa phương để nâng cao hơn nữa công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến thu hồi đất tại các dự án phát triển kinh tế.
Hội nghị giao ban công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại khu vực phía Nam, được Thanh tra Chính phủ tổ chức chiều 19/6/2017.
Thực tế, có những vụ việc do nhiều nguyên nhân nên công dân vẫn tiếp tục khiếu nại, trong đó có tư vấn của Liên đoàn luật sư Việt Nam đối với 33 hộ dân huyện Vĩnh Hưng. Do đó, cần phải xây dựng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khiếu nại, tố cáo, gắn với cơ chế phối hợp giữa Bộ ngành và địa phương. Đối với công tác thanh tra, thời gian qua UBND tỉnh Long An đã chủ động kiểm tra để hạn chế chồng chéo, đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ.
Chia sẻ về kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo tại cơ cơ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Nguyễn Thanh Tịnh, cho rằng sự thống nhất giữa các cơ quan chuyên môn là điều quan trọng để xử lý các vụ việc đông người, phức tạp tại khu lọc hóa dầu Long Sơn, vụ cá chết do ô nhiễm nguồn nước, …Thực tiễn biến động nhà đất, quan điểm áp dụng pháp luật là nguyên nhân chính làm kéo dài quá trình giải quyết một số vụ việc, trong đó có những ý kiến còn khác nhau giữa các thế hệ cán bộ khi có vụ việc hồ sơ pháp lý không đầy đủ.
Nhiệm vụ tiếp công dân, đối thoại với công dân phải được lãnh đạo các cấp phải thực hiện nghiêm túc, làm rõ bản chất khách quan của vụ việc. Hoạt động thanh tra là công cụ quan trọng để làm rõ hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật nên địa phương sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra 2018 phù hợp.
Đề xuất phương án giải quyết một số vụ việc công dân tiếp khiếu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, đã đề cập đến vụ khiếu nại của 349 hộ dân khu vực tứ giác Long Xuyên, theo đó địa phương đã bố trí quỹ đất, vận dụng chính sách xã hội phù hợp. Ngoài ra, địa phương cũng chú ý đến tình hình khiếu nại liên quan đến đất đai tại một số huyện thị, hạn chế tình trạng tiếp khiếu vượt cấp, cũng như chủ động đề xuất một số vấn đề có liên quan đến vấn đề này. Điều này cũng được lãnh đạo UBND TP Cần Thơ đồng thuận và kiến nghị cần phối hợp chặt chẽ trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nâng cao chất lượng thanh tra.
Lãnh đạo 20 tỉnh, thành phía Nam tham gia hội nghị
Nhìn nhận dưới góc độ rộng hơn, Phó Ban Dân nguyện Quốc hội Đỗ Văn Đương đã chia sẻ với khó khăn, vất vả của Thanh tra Chính phủ trong tiếp công dân, giải quyết các vụ việc công dân đi thành đoàn đông người ra Trung ương. Trong đó, Thanh tra Chính phủ cần chỉ rõ địa phương nào không tiếp dân đúng quy định, địa phương nào có hiện tượng đùn đẩy né tránh đối thoại với công dân. Trong khi đó, Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp đề nghị cần có giải pháp tổng thể để xử lý các dự án lớn có khiếu nại về chính sách đền bù nhà đất nhằm hạn chế các hậu quả pháp lý có thể xảy ra, tiềm ẩn nguy cơ vượt cấp đông người nếu không được giải quyết tại cơ sở.
Kết luận hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đã đánh giá cao sự phối hợp và quyết tâm nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của lãnh đạo UBND 20 tỉnh thành phía Nam. Trong đó, có vai trò nòng cốt của thanh tra, ban tiếp công dân các cấp, gắn với sự hỗ trợ của Cục III.
Ghi nhận các ý kiến của nhiều đại biểu, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu đề nghị sau hội nghị này, lãnh đạo UBND 20 tỉnh thành phía Nam phải bám sát chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ để xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2018 có trọng tâm, trọng điểm, không để xảy ra chồng chéo. Quá trình thanh tra phải gắn với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo với đường hướng xử lý phù hợp, có mục tiêu rõ ràng, chỉ tiêu cụ thể, có bước đi phù hợp nhằm thống nhất giữa các cơ quan chức năng.
Quan điểm chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ là cần huy động cả hệ thống các cơ quan chuyên môn để thực hiện đúng quy định pháp luật. Các địa phương phải chủ động rà soát các vấn đề có liên quan đến pháp lý của các dự án có thu hồi đất để chuẩn bị tốt cho công tác tiếp dân, giải thích vận động nhằm tạo sự thống nhất giữa Trung ương và địa phương, với phương châm phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa chủ đầu tư, nhà nước và công dân. Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra trách nhiệm Chủ tịch UBND các tỉnh thành để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo đông người, đồng thời sẽ xử lý nghiêm các cán bộ vi phạm pháp luật trong giải quyết khiếu nại tại cơ sở.