Ám ảnh những “hung thần xa lộ”

Giao thông - Ngày đăng : 06:48, 02/04/2019

Hàng loạt các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do xe khách, xe tải gây ra trong thời gian vừa qua là hồi chuông báo động về sự mất an toàn giao thông.

Tai nạn nghiêm trọng liên tục xảy ra

Vào khoảng khoảng 5 giờ 30 ngày 27/3 vừa qua, xe khách giường nằm 40 chỗ 27B-003.43 do tài xế Phan Thanh Phú điều khiển đã tông vào đoàn đưa tang tại ngã tư quốc lộ 2C giao với tuyến đường đi Mả Lọ, thuộc địa bàn xã Trung Nguyên (Yên Lạc, Vĩnh Phúc), khiến 7 người chết và 3 người khác bị thương.

Theo lời khai của tài xế Phú, chiều 26/3, trong quá trình điều khiển xe từ Điện Biên về tỉnh Vĩnh Phúc, Phú có dừng lại ở Sơn La và đổi lái với một tài xế tên Vinh. Đến 1h30 sáng 27/3, Phú lên lái thay cho Vinh. Khi xe chạy đến địa phận xã Trung Nguyên thì xảy ra tai nạn. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ tai nạn được xác định là do sương mù dày đặc, hạn chế tầm nhìn và lái xe không chú ý quan sát, chủ quan nên đã tông vào đoàn người đang đi đưa tang. Các nạn nhân trong vụ tai nạn nghiêm trọng này đều trú tại thôn Trung Nguyên (xã Trung Nguyên), là hàng xóm và người thân thích của nhau.

Liên quan đến vụ tai nạn, ngày 28/3, Công an tỉnh Vĩnh Phúc khởi tố vụ án “Vi phạm quy định điều khiển phương tiện giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”. Tiếp đó, đến ngày 29/3, Công an tỉnh Vĩnh Phúc ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với tài xế xe khách Phan Thanh Phú (43 tuổi, trú tại xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Ám ảnh những “hung thần xa lộ”

Hiện trường vụ tai nạn ở Vĩnh Phúc

Ngay sau khi vụ tai nạn xảy ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải gửi lời thăm hỏi, chia buồn với gia đình nạn nhân không may tử vong và động viên các nạn nhân bị thương do vụ tai nạn giao thông. Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh, UBND Huyện Vĩnh Lạc, Xã Trung Nguyên tập trung ưu tiên cao nhất để cứu chữa các nạn nhân bị thương để giảm thiểu thiệt hại về người trong vụ việc; thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân và gia đình nạn nhân để sớm khắc phục hậu quả vụ việc; Khẩn trương điều tra, xác minh nguyên nhân vụ TNGT, đặc biệt cần xác minh trách nhiệm lái xe, chủ xe gây tai nạn giao thông, kiểm tra ma tuý và chất kích thích thần kinh trong máu của lái xe; Rà soát, đánh giá phối hợp với Tổng Cục Đường bộ Việt Nam để xác định và xử lý toàn bộ các điểm đen, tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến Quốc lộ và đường địa phương trên địa bàn tỉnh...

Trước đó, ở Hải Dương cũng đã xảy ra một vụ tai nạn tương tự. Vào khoảng 13h55 ngày 21/01/2019, tại km 76+410, QL5, thuộc địa bàn xã Kim Lương, Kim Thành (Hải Dương), ô tô tải mang biển kiểm soát 29C-719.53 do tài xế Lương Văn Tâm (28 tuổi; quê tại thị trấn Tĩnh Túc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; ngụ TP Hà Nội) đã chạy lấn làn và đâm vào đoàn người đi viếng nghĩa trang, hậu quả làm 08 người chết và 08 người bị thương. Qua xét nghiệm nhanh, cơ quan chức năng xác định tài xế Lương Văn Tâm dương tính với ma túy. Đồng thời, theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam xe ô tô tải biển kiểm soát 29C - 719.53, nhãn hiệu DOTHANH MIGHTYHD99TK, sản xuất năm 2016 tại Việt Nam, xe được kiểm định lần gần nhất ngày 15/05/2018 và có hạn kiểm định đến 14/05/2019. Chủ xe theo giấy đăng ký là Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại NEWPRO, địa chỉ Tổ 1, Do Lộ, Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội.

Ám ảnh những “hung thần xa lộ”

Chiếc xe gây tai nạn ở Hải Dương

Lái xe chủ quan, ý thức kém

Các vụ tai nạn trên cho thấy tình hình vi phạm quy định về an toàn giao thông đối với xe tải, xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách ngày càng nghiêm trọng khiến người dân cảm thấy bất an. Thậm chí nhiều người còn gọi những chiếc xe tải, xe khách, xe container là “hung thần xa lộ”. Trên khắp các cung đường, người ta rất dễ dàng bắt gặp các xe vi phạm ATGT như đón, trả khách không đúng nơi quy định trên đường cao tốc. Đặc biệt tình trạng xe khách hợp đồng, du lịch tổ chức đón/trả khách trái quy định trong nội đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương (tình trạng xe dù, bến cóc) có xu hướng ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, tình trạng xe chở quá số người quy định, xe quá tải vẫn diễn ra thường xuyên, vừa gây mất an toàn, vừa gây hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông.

Chỉ tính riêng trong năm 2018, Thanh tra Bộ GTVT đã triển khai 22 đoàn thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT, như: việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, hoạt động của bến xe ô tô khách, đăng kiểm phương tiện, đào tạo sát hạch lái xe…. Kết quả, kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 21 đơn vị (về các lỗi: không tổ chức khám sức khỏe cho lái xe, không lập hồ sơ lý lịch phương tiện…), 30 đơn vị có 716 lái xe vi phạm về thời gian lái xe liên tục trong ngày, 08 đơn vị có 17 lái xe vi phạm tốc độ, 12 đơn vị có 97 xe không truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam; kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính 11 đơn vị đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại 10 địa phương, 01 cá nhân, cảnh cáo 03 đơn vị; điều chỉnh giảm lưu lượng đào tạo lái xe ô tô 05 đơn vị; kiến nghị đình chỉ 07 đăng kiểm viên, cảnh cáo 02 trung tâm, yêu cầu 14 đơn vị đăng kiểm rút kinh nghiệm.

Cũng trong năm 2018, theo Ủy ban ATGT Quốc gia, cả nước xảy ra 38 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm 137 người chết, 115 người bị thương. Trong đó phần lớn có liên quan đến xe ô tô chở khách, như các vụ tai nạn xảy ra tại Kon Tum (16/6/2018), Cao Bằng (23/7/2018), Quảng Nam (30/7/2018) và Lai Châu (15/9/2018) làm 34 người chết, 37 người bị thương. Đặc biệt, 2 vụ TNGT tại Quảng Nam và Lai Châu có số người tử vong/1vụ lớn nhất (13 người) trong vòng 4 năm trở lại đây.

Điều đáng nói, nguyên nhân chủ yếu của cả 4 vụ TNGT kể trên đều do sự chủ quan trong điều khiển phương tiện của người lái xe. Vụ TNGT ở Quảng Nam người lái xe mệt mỏi, ngủ gật do làm việc quá thời gian quy định; 3 vụ còn lại đều có nguyên nhân từ thói quen chủ quan, không thực hiện nguyên tắc điều khiển xe đi đường đèo, xuống dốc dài, dẫn đến hệ thống hãm bị mất tác dụng, gây tai nạn. 

Ám ảnh những “hung thần xa lộ”

Lực lượng liên ngành kiểm tra hành chính, chất kích thích đối với lái xe

Bên cạnh sự mất tập trung của lái xe, còn một nguyên nhân quan trọng khác dẫn đến 3/4 vụ tai nạn nghiêm trọng nói trên (trừ vụ TNGT ở Lai Châu) là sự buông lỏng trong công tác quản lý. Điều đó thể hiện ở chỗ 3 trong số 4 xe chở khách gây tai nạn đều vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải (Xe 34B - 002.69 của nhà xe Đức Chính gây TNGT tại Đèo Lò Xo 3 ngày không gửi dữ liệu giám sát hành trình về TCĐBVN; Xe 75B - 000.52 gây TNGT ở Quảng Nam không có giấy phép kinh doanh vận tải, chưa sang tên đổi chủ; Xe 17K-8496 gây TNGT ở Cao Bằng không tìm thấy thiết bị giám sát hành trình) nhưng cơ quan quản lý về vận tải cũng như lực lượng tuần tra, kiểm soát đều không phát hiện, xử lý kịp thời để xảy ra TNGT. Hơn nữa, hầu hết hành khách đi trên 4 chuyến xe này đều không thắt dây an toàn dẫn đến số lượng thương vong lớn. 

Gần 200 tài xế dương tính với ma túy

Nhằm ngăn ngừa tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, nâng cấp hệ thống thiết bị giám sát hành trình (hộp đen); bảo đảm giám sát trực tuyến, phát hiện ngay vi phạm như đi sai làn đường, quá tốc độ, ngắt thiết bị giám sát hành trình trong thời gian vận hành phương tiện; rà soát, kiểm tra, siết chặt công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm; hằng quý báo cáo Thủ tướng tiến độ thực hiện; Thanh tra giao thông, công an phối hợp kiểm soát vi phạm của lái xe, chủ xe kinh doanh vận tải.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng yêu cầu không chỉ xử lý tài xế mà còn phải xử lý nghiêm trách nhiệm chủ doanh nghiệp vận tải có tài xế sử dụng ma túy, làm việc quá giờ gây tai nạn. Chủ tịch các tỉnh, thành phố được giao kiểm tra toàn diện và xử lý việc chấp hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ôtô với các doanh nghiệp, các chủ phương tiện kinh doanh vận tải đường bộ đã xảy ra tai nạn trong những năm vừa qua.

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng, kể từ đầu năm 2019, CSGT cả nước đã tổ chức 2 đợt tổng kiểm soát xe ô tô từ 8 chỗ ngồi trở lên kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô vận tải hàng hóa (đợt 1 từ ngày 21/1 đến ngày 30/1/2019, đợt 2 từ ngày 11/2 đến ngày 20/2/2019). Chỉ qua hai đợt kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý 182 lái xe dương tính với ma túy. Trong đó trên tuyến Quốc lộ 1A phát hiện, xử lý 73 trường hợp; trên các tuyến cao tốc phát hiện, xử lý 9 trường hợp; các tuyến đường khác phát hiện, xử lý 100 trường hợp. Các địa phương phát hiện nhiều trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy gồm TP. Hồ Chí Minh 27 trường hợp, Bà Rịa - Vũng Tàu 23 trường hợp, Nghệ An 12 trường hợp, Lào Cai 10 trường hợp, Sơn La 10 trường hợp... Ngoài ra, lực lượng CSGT trên tuyến Quốc lộ 1A đã phát hiện, xử lý 196 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 917 trường hợp vi phạm chở quá người quy định...

Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cũng vừa đề nghị các hội viên trực thuộc là đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện tốt việc quản lý, kiểm tra sức khỏe lái xe, kiên quyết không để những lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện.

Để đảm bảo ATGT, Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam đề nghị Hiệp hội cơ sở tại các địa phương yêu cầu các Hội viên trong Hiệp hội, các hội viên trực thuộc là đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện tốt việc quản lý, kiểm tra sức khỏe lái xe, kiên quyết không để những lái xe có biểu hiện sử dụng ma túy, sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện; bố trí đủ lái xe và tổ chức vận tải hợp lý để thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc của lái xe.

Nam Hoàng