Chất vấn Quốc hội: Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trả lời thẳng, không né tránh
Chính trị - Ngày đăng : 09:27, 13/06/2017
Đúng 8h sáng nay- ngày 13/6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành khai mạc Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 3 dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Phiên họp kéo dài trong 3 ngày làm việc, từ ngày 13- 15/6, dài hơn Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 2 là 0,5 ngày và sẽ được phát thanh truyền hình trực tiếp để đông đảo cử tri, nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Chủ đề thiết thực, giải pháp đúng tầm
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, so với các phiên chất vấn trước đây, Quốc hội dành thêm nửa ngày để đáp ứng nguyện vọng của cử tri và ĐBQH.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tính đến hết ngày 12/6 đã có 86 phiếu chất vấn và 98 câu hỏi gửi đến Thủ tướng và Chính phủ, Chánh án TANDTC, VKSNDTC. Thông qua phiếu xin ý kiến, UBTVQH đã nhận được 145 vấn đề chất vấn của 42 Đoàn ĐBQH. Theo báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Quốc hội đã nhận được 3.288 ý kiến kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 3. Đây là cơ sở quan trọng để UBTVQH chọn 4 nhóm vấn đề chất vấn trình Quốc hội quyết định.
Để hoạt động chất vấn đạt được hiệu quả, kết quả như mong muốn,Chủ tịch Quốc hội yêu cầu ĐBQH nêu câu hỏi ngắn gọn rõ ý, nằm trong nhóm vấn đề đã chọn, không đặt câu hỏi kiểu tìm hiểu thông tin hay nắm tình hình. Thời gian đặt câu hỏi không quá 2 phút một lần. Phiên chất vấn tiếp tục sử dụng quyền tranh luận, ĐBQH cần chuẩn bị nội dung tranh luận cụ thể, rõ ý. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các thành viên Chính phủ trả lời thẳng, không né tránh, hướng khắc phục và giải pháp để Quốc hội có cơ sở giám sát việc thực hiện lời hứa.
Liên quan đến nội dung tham gia chất vấn, trước đó, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, “các nhóm vấn đề được Quốc hội tiến hành chất vấn tại Kỳ họp này đã được lựa chọn, chắt lọc qua nhiều vòng. UBTVQH đã nhận được 145 vấn đề chất vấn được tổng hợp từ 42 Đoàn ĐBQH. Cùng với đó là 3.288 ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước được Trung ương MTTQ tổng hợp gửi đến Kỳ họp thứ 3. Tuy nhiên, khuôn khổ thời gian của QH có hạn, không thể ôm được hết. Vì thế, chúng tôi đã đưa ra một số nguyên tắc và chọn lựa nội dung chất vấn rất chặt chẽ”.
Theo đó, ưu tiên cho các vấn đề bức xúc, nổi lên gần đây được dư luận cử tri và ĐBQH quan tâm, đặc biệt là những vấn đề mà trong thời gian 12 tháng qua chưa được ĐBQH chất vấn và bộ trưởng, thành viên Chính phủ chưa trả lời chất vấn. Nội dung chất vấn cũng phải bảo đảm hài hòa giữa lĩnh vực kinh tế và xã hội. Sau đó, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban tiếp tục làm việc, lọc ra các nhóm vấn đề sẽ chất vấn để trình UBTVQH sàng lọc thêm một lần nữa rồi mới trình ra Quốc hội. Từ các nhóm vấn đề này thì xác định rất rõ Bộ trưởng nào có trách nhiệm trả lời chất vấn chính, Bộ trưởng, thành viên Chính phủ nào phải tham gia trả lời. Vì thế, có thể nói rằng, các nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn lần này đều rất thiết thực, bám sát thực tiễn cuộc sống, phản ánh được những mối quan tâm, bức xúc của cử tri và nhân dân thời gian gần đây.
Về những điểm mới của phiên chất vấn lần này, theo Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, một điểm mới quan trọng của phiên chất vấn lần này là tăng thêm thời gian chất vấn trong khi số lượng bộ trưởng trả lời chất vấn không đổi, số lượng các thành viên Chính phủ tham gia giải trình sẽ nhiều hơn. Quyền giơ biển tranh luận của ĐBQH cũng sẽ được thực hiện để đại biểu nào chưa hài lòng với câu trả lời có thể chất vấn lại hoặc tranh luận thêm. Điều này sẽ giúp các ĐBQH chất vấn sâu sắc hơn, đi đến cùng vấn đề hơn, còn Bộ trưởng, các thành viên Chính phủ có thể giải trình cặn kẽ hơn về những việc đã làm, đang làm hoặc chưa làm được, cũng như định hướng sắp tới như thế nào.
Một điểm nhấn nữa là, với mỗi nhóm vấn đề, lần này, Quốc hội đã yêu cầu 1 Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực phải trực tiếp giải trình, làm rõ những nội dung vượt quá thẩm quyền quản lý của một bộ, thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ. Các kỳ họp trước, các Phó Thủ tướng cũng đã tham gia trả lời chất vấn nhưng lần này Quốc hội yêu cầu rõ ràng hơn, ai phụ trách lĩnh vực nào phải có trách nhiệm trả lời về lĩnh vực đó. Phân định rõ trách nhiệm như vậy là để có giải pháp đúng tầm hơn.
4 nhóm nội dung và thành viên trả lời chất vấn
Theo Chương trình làm việc, sẽ có 4 nhóm vấn đề được Quốc hội chất vấn và nhiều thành viên tham gia trả lời chất vấn tại Kỳ họp này, cụ thể:
Nhóm vấn đề thứ 1 gồm: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là "Tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ 2 gồm: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ thêm vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV
Nhóm vấn đề thứ 3 gồm: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả khám bệnh, chữa bệnh; Vấn đề giá thuốc và quản lý nhà nước về giá thuốc, cung ứng thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên; thực trạng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở, đặc biệt tại các địa bàn miền núi, các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Ủy ban Dân tộc và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan.
Nhóm vấn đề thứ 4 gồm: Giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển; Việc phân bổ, thông báo kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước; tăng cường quản lý, kiểm soát, tránh lãng phí trong đầu tư công; Trách nhiệm của bộ, ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trực tiếp trả lời chất vấn. Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ và các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác tùy theo nội dung chất vấn có liên quan.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cũng sẽ phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 13- 15/6/2017.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ trực tiếp chủ trì, điều hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Tại mỗi nhóm vấn đề, Chủ tịch Quốc hội cũng sẽ phát biểu kết thúc nhằm tóm lược lại các nội dung đã diễn ra trong quá trình chất vấn và trả lời chất vấn.
Theo chương trình kỳ họp ngày 13/6, buổi sáng, sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV (Toàn văn báo cáo của Ban Dân nguyện). Tiếp đó, trong phần làm việc còn lại của buổi sáng đến 15.00’ chiều, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường (Toàn văn Báo cáo trả lời chất vấn của Bộ NNPTNT). Nội dung chất vấn gồm: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản. Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ, Các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có). * Sau khi phát biểu kết thúc nhóm vấn đề chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 15.05’, Chủ tịch Quốc hội chủ trì tiếp tục điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ 2 đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện (Toàn văn Báo cáo trả lời chất vấn của Bộ VHTTDL). Nội dung chất vấn gồm: Vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội; Công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch. Trong quá trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công an, Giáo dục và Đào tạo. Các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có). |