Chi ngân sách thường xuyên vẫn còn lãng phí, sai chế độ quy định

Chính trị - Ngày đăng : 15:13, 12/06/2017

Nguồn thu không ổn định trong khi chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư XDCB vẫn xảy ra... là những nội dung các ĐB đề cập phiên thảo luận QH sáng 12/6.

Nguồn thu chưa ổn định, chi ngân sách vượt dự toán

Theo báo cáo của Chính phủ, Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015 đã được Bộ Tài chính lập trên cơ sở thẩm định, tổng hợp từ quyết toán ngân sách của 63 tỉnh, thành phố và quyết toán ngân sách các Bộ, cơ quan Trung ương và được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, tổng thu cân đối NSNN năm 2015 là 1.291.342 tỷ đồng, trong đó các khoản thu theo dự toán được Quốc hội quyết định là 998.217 tỷ đồng, tăng 9,6% (87.117 tỷ đồng) so với dự toán.

Báo cáo thẩm tra của UBTCNS nhận định: một số khoản thu không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, vững chắc. Hầu hết các khoản thu NSNN năm 2015 đều đạt và vượt dự toán, một số khoản thu thuế, phí vượt cao so với dự toán đầu năm; chỉ có 2 khoản thu không đạt dự toán là thu từ dầu thô (đạt 72,6% dự toán), thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 99% dự toán), song đây là 2 khoản thu có ảnh hưởng đáng kể đến kết quả thực hiện dự toán thu NSNN năm 2015.

Công tác quản lý thu thuế vẫn có mặt hạn chế, chưa có giải pháp hữu hiệu để khắc phục tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế. Trong năm 2015, công tác chống thất thu, thu nợ đọng thuế đã được tổ chức triển khai quyết liệt, công tác thanh, kiểm tra thuế đã được tăng cường. Tuy nhiên, việc xử lý các vi phạm chưa đủ mạnh, tình trạng khai man, trốn thuế ở khu vực ngoài quốc doanh và khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn chưa được khắc phục triệt để;… Kết quả kiểm toán và thanh tra cho thấy, hầu hết các tổ chức, cá nhân được kiểm toán, thanh tra đều kê khai chưa đầy đủ các khoản phải nộp NSNN ở các mức độ khác nhau. Việc hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) chưa kịp thời, dẫn đến quyết toán chưa phản ánh chính xác số thu và bội chi NSNN về chi ngân sách nhà nước.

Về chi NSNN, quyết toán chi cân đối ngân sách năm 2015 là 1.502.189 tỷ đồng, trong đó chi theo dự toán được Quốc hội quyết định là 1.265.625 tỷ đồng, tăng 7,5% so với dự toán. Tuy nhiên, chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không  đạt dự toán. Sai phạm, thất thoát, lãng phí trong chi đầu tư XDCB vẫn xảy ra; nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn.

UBTCNS nhận thấy, tình trạng sai phạm, thất thoát, lãng phí trong quản lý đầu tư XDCB vẫn diễn ra khá phổ biến và chưa được khắc phục, sai phạm vẫn xảy ra ở hầu hết các dự án được kiểm toán và hầu hết các khâu của quá trình đầu tư. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính. Chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng NSNN. Một số địa phương chi chuyển nguồn không đúng quy định, một số khoản chi chuyển nguồn qua nhiều năm nhưng chưa thực hiện.

Cần kiểm điểm, xử lý trách nhiệm

Thảo luận vấn đề này, ĐB Mai Sỹ Diễn (Thanh Hóa) cho rằng, qua kết quả giám sát và kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, chi đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển còn nhiều yếu kém, hạn chế, thất thoát lớn ở tất cả các khâu nhưng ta thực sự chưa tìm ra được nguyên nhân. Việc thất thoát lớn nguồn NSNN thông qua chi đầu tư phát triển là do yếu kém về chuyên môn và đạo đức của cán bộ, công chức. Do vậy, cần có những giải pháp cụ thể để xử lý, không để tình trạng này phát triển, lan rộng.

Chi ngân sách thường xuyên vẫn còn lãng phí, sai chế độ quy định

ĐB Hoàng Quang Hàm, phát biểu. Ảnh Quốc hội

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 21/2016/QH14 về điều chỉnh dự toán và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014; trong đó giao Chính phủ: "Kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong việc quản lý, điều hành ngân sách nhà nước và báo cáo kết quả với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015”. Tuy nhiên trong Báo cáo của Chính phủ còn rất chung, vì vậy đề nghị Chính phủ phải có một báo cáo riêng nội dung với nội dung kiểm điểm tổ chức, cá nhân vi phạm và có giải pháp khắc phục, ĐB Diễn kiến nghị.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) cho rằng, mục đích Quốc hội, Chính phủ đặt ra là làm thể nào để việc chi thường xuyên chi đúng, tiết kiệm, tránh lãng phí. Báo cáo cho thấy, chi sai mục đích, một số khoản chi quan trọng không đạt được dự toán. Sai phạm thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn diễn ra, nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn còn lớn. Chi chuyển nguồn, kết dư ngân sách địa phương còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách… nên đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc thực hiện Nghị quyết 21 của Quốc hội và xử lý nghiêm sai phạm.

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu vấn đề là nhiều năm nay, quyết toán ngân sách chưa phản ánh đúng số thu ngân sách làm sai lệch tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu và bội chi ngân sách. Nguyên nhân là do quyết toán hoàn thuế GTGT theo dự toán không phải theo số thực tế phải hoàn. Những năm gần đây, Chính phủ đã quyết tâm khắc phục tình trạng này, nhưng vẫn chưa triệt để do, không dự đoán chính xác, tuyệt đối số thuế phải hoàn.

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu nhưng thu ngân sách luôn vượt dự toán. Thực trạng này cho thấy, thu NSNN có những nguồn thu không vững chắc, không phải từ nội lực từ phát triển sản xuất kinh doanh của nền kinh tế mà do Chính phủ đã dùng biện pháp tình thế để hoàn thành kế hoạch thu như khai thác tài nguyên, dầu thô, đôn đốc để tăng thêm các khoản thu từ đất, thoái vốn Nhà nước, nợ đọng thuế… Đây là vấn đề cần cân nhắc kỹ, vì để cân đối ngân sách bền vững thì nguồn thu phải bền vững; để khống chế bội chi và đảm bảo an toàn nợ công thì phải chi trong khả năng của nền kinh tế, ĐB nhấn mạnh.

Đối với việc thực hiện kỷ luật ngân sách, vẫn còn nhiều vấn đề nổi cộm như, kết quả thanh tra, kiểm toán tại các đơn vị đều tăng thu ngân sách ở các mức độ khác nhau, vẫn còn các khoản chi sai chế độ, sai nguồn kinh phí… đặc biệt là lập, phân bổ, giao dự toán và quyết toán vốn ODA kéo dài, yếu kém, bất cập, Quốc hội đã có ý kiến nhiều lần nhưng không được khắc phục.

Nhiều ý kiến cho rằng, thực trạng này là do xử lý chưa nghiêm các vi phạm về tài chính ngân sách; hằng năm khi phê chuẩn quyết toán, Nghị quyết, Quốc hôi đều quy định rõ, phải kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm và báo cáo Quốc hội. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ không thể hiện rõ điều này.

Chi ngân sách thường xuyên vẫn còn lãng phí, sai chế độ quy định

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, chính sách thu NSNN, thời gian qua, do điều kiện kinh tế khó khăn nên đã sử dụng chính sách tài khoá rất linh hoạt, tập trung vào điều chỉnh chính sách thu để đảm bảo khuyến khích phát triển trong nước. Như chính sách miễn giảm thuế, nhanh hơn lộ trình đã được duyệt để khuyến khích đầu tư. Sắp tới, sẽ trình Quốc hội Luật thuế BVMT, kiến nghị Quốc hội điều chỉnh vào kỳ họp 4 làm 1 luật sửa 5 luật về Thuế, luật thuế tài sản.

Về cân đối NSNN, các năm vừa qua, bội chi đều đảm bảo theo số tuyệt đối Quốc hội phê chuẩn. Nhưng 3, 4 năm nay GDP không đạt kế hoạch, nên số tương đối về bội chi, nợ công tăng nhanh. Theo Luật NSNN, khi không đạt, để quản lý nợ công, bội chi thì phải cắt chi. Nhưng sau khi đã phân bổ, cam kết với địa phương rồi việc cắt giảm chi rất khó khăn. Nhiều định mức, chính sách lỗi thời hiện cần phải sửa như ý kiến các ĐB nêu ra là đúng, nhưng chúng ta phải đẩy mạnh khoán chi, nhất là chi thường xuyên, cùng với đó là xã hội hóa, tinh giản biên chế, bộ máy… Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước đó Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2018 và Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Việc thu hồi sân gold để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: Sáng 12/6, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về việc mở rộng sân vay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng hay, việc thu hồi sân golfthuộc thẩm quyền của Bộ Quốc phòng. Do nhu cầu phát triển của TP. HCM và cả nước, nếu thấy cần thiết thì điều chỉnh là việc bình thường.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Do nhu cầu đi lại thì quá lớn, sân bay Long Thành thì chưa thể làm ngày 1 ngày 2 được, nên việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất là cần thiết và cấp bách. Phương án mở rộng thế nào do Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chịu trách nhiệm. Bộ GTVT phải quyết định đầu tiên, khi cần thiết phải lấy diện tích đất sân golf thì phải trình Chính phủ trên cơ sở phải bàn với chủ đầu tư và Bộ Quốc phòng.

Liên quan việc Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa nêu trước Quốc hội rằng sân bay Tân Sơn Nhất muốn mở về phía Bắc là không khả thi, vậy quyết định của Bộ GTVT có phải tham khảo ý kiến của TP HCM, thậm chí là trưng cầu ý kiến người dân?  Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình đối với phương án mở rộng sân bay và trình Chính phủ để quyết định, dựa trên hiệu quả, dựa trên ngân sách. Nếu nhu cầu thực tế cần đến thì vẫn phải làm.

Bộ trưởng cũng cho biết, sắp tới Bộ KH-ĐT sẽ gương mẫu bỏ luôn Quy hoạch sân golf đến năm 2020 (ký phê duyệt từ năm 2009) đã tồn tại từ nhiều năm nay. Đây là 1 loại quy hoạch sản phẩm không cần thiết theo đúng tinh thần của dự án Luật Quy hoạch đang được Quốc hội cho ý kiến. Bộ KH-ĐT đang trình Quốc hội Luật Quy hoạch theo hướng để các địa phương quyết định và chuyển việc phê duyệt dự án sân golf thành dự án đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, nguyên tắc lập dự án đầu tư sân golf phải tuân thủ nhiều điều kiện, như không được sử dụng đất lúa, không sử đụng đất quốc phòng an ninh, không sử dụng đất bảo tồn văn hóa... Miễn là đáp ứng những điều kiện như vậy, không vi phạm thì được quyền làm. Cùng với đó, việc xây sân gôn là do địa phương quyết định, hiệu quả do nhà đầu tư tính toán chứ nhà nước không can thiệp. "Tinh thần tới đây là bỏ quy hoạch sân golf sang đầu tư có điều kiện, bỏ luôn quy hoạch đó đi để kiểm soát bằng điều kiện”, ông Dũng chia sẻ.

Về lo ngại tình trạng thu hồi đất làm sân golf nhưng sau đó làm biệt thự, nhà hàng, không đúng với chức năng hay nguy cơ tỉnh nào cũng mọc lên sân golf, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong các văn bản quy định làm sân golf là chỉ làm sân golf, khi chủ đầu tư làm sai sẽ phải chịu chế tài bởi các quy định riêng. Còn việc tỉnh nào cũng có sân golf thì không có vấn đề gì nếu họ thực sự có nhu cầu. Nhà đầu tư phải tính toán và chịu trách nhiệm về hiệu quả của mình nên chúng ta không lo thay việc đó. Tuy nhiên, lập dự án sân golf thì dứt khoát phải làm sân golf - ông Dũng khẳng định.

Quốc Huy